Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nhận biết những dấu hiệu chuyển biến nặng của cảm cúm

Cảm cúm theo mùa thường tiến triển lành tính, nhưng đôi khi có thể biến chuyển nặng gây viêm phế quản, viêm phổi. Vì vậy, cần nhận biết những triệu chứng của cảm cúm để chăm sóc, điều trị đúng cách

Phân biệt cảm cúm

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp nên dễ bị nhầm lẫn với căn bệnh cảm lạnh. Chúng có một số triệu chứng tương tự như sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, sốt…

Vậy sổ mũi có phải bị cảm cúm? Đây là triệu chứng thường thấy ở cảm lạnh, viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng sẽ thường kèm theo hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi do sự xâm nhập của yếu tố dị ứng vào mũi.

Chảy nước mũi, nghẹt mũi không phải là dấu hiệu phổ biến của cúm mà chỉ đôi khi ở vài trường hợp. Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu này đi kèm với đau nhức cơ thể, kiệt sức thì có thể bạn đã bị cúm. Đau nhức cơ thể kèm theo mệt mỏi, kiệt sức có thể bắt đầu ngay khi bị bệnh và kéo dài đến 2-3 tuần sau đó. Chính vì thế, khi có những đặc điểm trên, thì không nghi ngờ gì nữa, có thể bạn đã bị cảm cúm tấn công.

Sốt là dấu hiệu cảm cúm phổ biến nhất, thường cao 37,8-38,9 độ C. Đặc biệt, dấu hiệu cảm cúm ở trẻ nhỏ thường xuất hiện sốt và kéo dài 3-4 ngày. Sốt là dấu hiệu hệ miễn dịch đang chống lại virus cảm cúm. Khi sốt sẽ đi kèm với cảm giác ớn lạnh, dù nhiệt độ cơ thể cao những vẫn thấy lạnh, rét run. Trong khi đó, cảm lạnh thường ít khi sốt và nếu có chỉ là sốt nhẹ.

Ngoài ra, triệu chứng thường gặp ở cảm cúm là đau họng, ho khan, ho có đờm kèm theo khó chịu ở ngực. Các triệu chứng này thường nặng hơn so với cảm lạnh thông thường.

Bên cạnh đó, nếu các dấu hiệu trên cùng xuất hiện dồn dập, thì chắc chắn bạn đã bị cảm cúm. Phân biệt được cảm lạnh và cảm cúm để tránh dùng sai thuốc, không hết bệnh mà còn khiến cơ thể mệt mỏi hơn.

Đối với phụ nữ mang thai mang tháng đầu, cảm cúm rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây dị tật ở thai nhi. Vì vậy, cần theo dõi những dấu hiệu cảm cúm khi mang thai để phát hiện kịp thời tránh những chuyển biến nặng hơn.

Những chuyển biến nặng của cảm cúm

Cảm cúm có thể thuyên giảm sau 2-5 ngày và tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng khác như viêm phổi, viêm phế quản nhất là ở người già, trẻ nhỏ, những người sức đề kháng kém. Đặc biệt là khi bị nhiễm những loại virus cúm A, B như A/H1N1, H5N1, H7N9.

Khi có những triệu chứng sau nên đến tư vấn bác sĩ:

- Sốt liên tục: Sốt kéo dài có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm khác như viêm phổi, nhiễm trùng lan rộng. Nếu sốt lên đến 39-40 độ C có thể gây co giật, vì vậy không thể xem thường.

- Ho kéo dài: Nếu những cơn ho không suy giảm sau 2-3 tuần thì có thể là dấu hiệu viêm tiểu phế quản. Lúc này, cần sự kê toa của bác sĩ với những loại thuốc kháng sinh thích hợp.

- Đau họng khi nuốt: Có thể lúc này, chúng ta đã bị viêm họng.

- Đau đầu, nghẹt mũi không khỏi: đây có thể là dấu hiệu biến chứng thành viêm xoang.

Khi có những triệu chứng này, có nghĩa là cảm cúm không còn là căn bệnh đơn giản nữa, phải điều trị bằng thuốc mới có thể khỏi bệnh.

Đặc biệt nếu với trẻ nhỏ có các biểu hiện khó thở hoặc thở nhanh, da chuyển màu hơi tái, không uống đủ nước, không tương tác bình thường, quấy khóc, khó chịu, các triệu chứng được cải thiện sau đó đột nhiên xấu đi, sốt kèm theo nổi ban thì cần đưa đến bệnh viện ngay. Đối với người lớn thì đau ngực, đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, liên tục nôn. Đó là những trường hợp nhiễm virus cúm nặng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong, cần điều trị kịp thời.

Khi đã biết cách để phân biệt cảm cúm với cảm lạnh, chúng ta sẽ có cách chăm sóc và chữa trị phù hợp. Tuy nhiên, cách phòng ngừa những căn bệnh này vẫn là nâng cao hệ miễn dịch bằng ăn uống, luyện tập, giữ vệ sinh sạch sẽ.

Minh Thư

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhan-biet-nhung-dau-hieu-chuyen-bien-nang-cua-cam-cum-24257/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY