Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Nhận biết và đối phó với những phản ứng phụ của vaccine

(SKGĐ) Chớ vội hốt hoảng, bởi có thể đó chỉ là những phản ứng rất thông thường. Theo tư vấn của BS. Cao Hồng Phúc, Học viện Quân y, những gợi ý sau sẽ giúp bạn ứng xử thông minh trong mọi tình huống.

1. Dị ứng

Dấu hiệu nhận biết: Tại vết tiêm xuất hiện mẩn đỏ, quầng đỏ, ụ cứng, nổi ban khắp người, ngứa ngáy.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Các dấu hiệu trên đi kèm khó thở, suy giảm ý thức, nhịp tim nhanh

Cách xử trí: Giữ gìn vệ sinh chỗ tiêm, không xoa, xát, gãi, đắp, buộc dây vào chỗ tiêm. Đưa trẻ tới bệnh viện khi có dấu hiệu nặng. Có thể dùng thuốc chống dị ứng.

2. Sốt cao

Dấu hiệu nhận biết: Cơ thể sốt, đau mỏi cơ, chán ăn và mệt mỏi. Nặng hơn sẽ có sốt cao, thân nhiệt tăng, mồ hôi ra đầm đìa, rét run.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Sốt quá cao, từ 39,5 độ C trở lên, sốt kéo dài, dùng thuốc hạ sốt mà không giảm. Môi khô, mặt hốc hác, da khô.

Cách xử trí: Mặc quần áo rộng để cơ thể thải nhiệt. Nằm ở phòng thoáng mát. Chườm mát vào trán, tay, chân vào cơ thể. Uống thuốc hạ sốt khi sốt cao. Đưa vào viện nếu sốt quá cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

3. Viêm loét tại vị trí tiêm

Dấu hiệu nhận biết: Tại vị trí tiêm nổi cứng, sưng phồng, đau đớn, nổi cộm, viêm da, loét và mưng mủ.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Da bị loét, trợt, chảy dịch và có mủ.

Cách xử trí: Giữ vệ sinh vùng tiêm. Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Khám lại tại cơ sở tiêm chủng. Tuyệt đối tránh bôi chanh, đắp khoai tây lên vết tiêm.

4. Chảy máu

Dấu hiệu nhận biết: Dễ bị bầm dập, tụ máu khi có chấn thương, bị chảy máu khi đánh răng, khạc nhổ có máu vào sáng sớm.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Có thể đi tiểu hoặc đi đại tiện có máu. Máu tụ thành mảng cục ngoài da. Chảy máu trong phân. Chảy máu qua đường tiểu. Nôn ra máu.

Cách xử trí: Đi bệnh viện khám và làm xét nghiệm máu ngay khi thấy có vấn đề về máu. Chuyển cấp cứu khi chảy máu nặng.

5. Rối loạn thần kinh

Dấu hiệu nhận biết: Đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, suy giảm chú ý, suy giảm tập trung, kém tư duy, mất định hướng.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Thay đổi hoạt động tâm thần, tăng nặng hoặc tái phát bệnh đa xơ cứng. Nhận thức giảm dần. Không định hướng được với môi trường xung quanh. Thờ ơ với ngoại cảnh. Thay đổi tính nết. Thiếu hụt một chức năng nào đó của chức năng thần kinh. Ngất hoặc hôn mê. Co giật

Cách xử trí: Đi khám ngay tại cơ sở thần kinh và tiêm chủng. Giải tỏa các áp lực thần kinh để phân biệt được tác dụng phụ do vaccine hay do áp lực. Không được giữ chặt trong cơn co giật vì có thể gây ra tai nạn. Gọi cấp cứu nếu nạn nhân co giật mạnh.

6. Viêm đường hô hấp

Dấu hiệu nhận biết: Ho, đau họng, chảy mũi, ngạt mũi, khạc đờm, khó thở, khàn tiếng, đau tức ngực, nhói trong ngực, viêm phổi.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Ho kéo dài. Khó thở nghiêm trọng. Sốt kéo dài kèm theo ho trên 1 tuần.

Cách xử trí: Không tự tiện dụng thuốc chống ho vì có thể làm mất triệu chứng. Tham vấn bác sỹ chủng ngừa.

7. Rối loạn tiêu hóa

Dấu hiệu nhận biết: Đau bụng, chán ăn, mệt mỏi, đi ngoài, buồn nôn, nôn. Phân sống, chướng bụng, lồng ruột, viêm loét dạ dày, viêm ruột.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Tiêu chảy nặng và kéo dài. Nôn và đau bụng dữ dội

Cách xử trí: Đến ngay cơ sở tiêm chủng kiểm tra. Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy và bù bổ sung oresol. Dùng thuốc chống nôn khi có chỉ định.

8. Co giật

Dấu hiệu nhận biết: Co giật tại vị trí tiêm hoặc co giật toàn thân. Một số người có thể có phản ứng chuột rút tại vị trí tiêm, giật cơ cục bộ. Một số trường hợp khác lại bị co cứng tay hoặc bàn chân.

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm: Co giật mạnh, liên tục. Co giật một chi trở lên. Co giật toàn thân. Co giật kèm theo các rối loạn khác như mất ý thức, ngủ sâu.

Cách xử trí: Nếu chỉ là giật cơ cục bộ, chỉ cần xoa nhẹ xung quanh vùng tiêm chừng 15 phút.

Nếu co giật toàn thân, đừng cố giữ nạn nhân. Để mặc cho cơn co giật xảy ra.

Nhét khăn mặt vào miệng, để hở mũi. Đưa đi viện ngay sau khi cơn co giật kết thúc.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/nhan-biet-va-doi-pho-voi-nhung-phan-ung-phu-cua-vaccine-15776/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY