Tại Diễn đàn Du lịch Quốc gia "Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới" vừa được tổ chức tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ VHTT & DL Đoàn Văn Việt nhận định, muốn phục hồi ngành du lịch thì trước hết cần phục hồi các sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực đặc biệt trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Đây vừa là cơ hội cũng đồng thời là thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành.
Các xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Nguồn: Annhome
Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD & ĐT), năm 2021, (cùng An ninh quốc phòng là 566,82%, Báo chí và thông tin là 311,65%, Nghệ thuật là 210,7%), khối ngành du lịch – lữ hành – khách sạn (201%) đứng top 4 nhóm ngành có nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhất. Trong khi đó, đến năm 2020, cả nước có 460 trường ĐH – CĐ (224 trường ĐH và 236 trường CĐ) và gần 2/3 số các trường đó có đào tạo khối ngành du lịch – lữ hành – khách sạn. Riêng TPHCM, hiện có 38 trường ĐH – CĐ & TCCN đào tạo các ngành về du lịch – lữ hành – khách sạn. Trong đó phải kể đến ĐH KHXH & NV – ĐHQG HCM, ĐH Văn hóa TPHCM, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Văn Lang, Trung cấp Saigontourist,...
Nhưng thực tế là không phải trường nào cũng có hướng đi riêng, khác biệt để hút lượng sinh viên theo học và tiêu chuẩn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Đơn cử như ĐH Văn hóa TPHCM, ĐH KHXH&NV – ĐHQG HCM hay ĐH KHXH&NV – ĐHQG HN chọn thế mạnh đào tạo chuyên sâu về Quản trị dịch vụ lữ hành (hướng dẫn viên); ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Kinh tế Quốc dân chọn hướng đào tạọ Kinh doanh du lịch – nhà hàng – khách sạn; hay các trường đại học tư như ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng, ĐH Nguyễn Tất Thành lại chọn khối ngành quản trị dịch vụ khách sạn – nhà hàng; TC Saigontourist, Nova College lấy đào tạo nghề, nghiệp vụ buồng phòng, lễ tân, quầy bar khách sạn – nhà hàng;...
Mặc dù điểm chuẩn xét tuyển đầu vào ngành du lịch của ĐH Văn hóa TPHCM hàng năm luôn duy trì mức khung 25 điểm nhưng lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển luôn cao ngất ngưởng. Ảnh: SV ngành Du lịch (ĐH VH TPHCM).
Thạc sĩ Chu Khánh Linh – Phó Trưởng khoa Du lịch (ĐH Văn hóa TPHCM) nhìn nhận thực tế là những trường có nguồn tuyển sinh nhiều hoặc có uy tín luôn có chất lượng sinh viên đầu vào tốt. Để có được vị thế như vậy mỗi trường phải biết phát huy thế mạnh của mình cũng như hướng đi khác biệt để thu hút lượng sinh viên. Định hướng mỗi trường về hoạt động đào tạo cần xác định rõ du lịch là một trong những ngành quan trọng trong cơ cấu đào tạo của trường, cần phát triển để cung cấp nhân lực cho xã hội.
Đồng thời các trường cần tích cực đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đi sâu vào nội dung chuyên môn. Tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực người học, định hướng ứng dụng trong đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, mở rộng hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp du lịch trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, ngành du lịch toàn cầu phải cần từ 3-4 năm nữa mới có thể phục hồi lại hoạt động như mốc năm 2019. Đây là thông tin quan trong để các địa phương và doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch của Việt Nam định hướng và xây dựng những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng và thị trường du lịch. Đặc biệt, trong năm 2022 và những năm tiếp theo (cùng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh), nhu cầu về du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh tăng mạnh.
Tương tự, công bố mới đây của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey. Việt Nam có thể vực dậy nhu cầu du lịch trong nước bằng cách tập trung vào những điểm đến đang thịnh hành và phối hợp cùng chính quyền địa phương, công ty lữ hành trực tuyến, điểm du lịch, khách sạn và hãng hàng không. Để khai thác triệt để hơn cơ hội du lịch trong nước, các công ty du lịch cần chú trọng đến những sản phẩm dịch vụ phù hợp khả năng chi trả của khách, đồng thời duy trì các sản phẩm và trải nghiệm chất lượng cao.
Đà Nẵng là một trong số ít địa phương quan tâm và đầu tư đặc biệt cho quảng bá du lịch. Ảnh: Bảo Long An
Theo đó, mỗi địa phương nên liên kết với các công ty du lịch để tạo ra đặc thù sản phẩm du lịch, để mỗi địa phương có một điểm nhấn du lịch, mỗi công ty sẽ có một tour du lịch then chốt. Từ đó vừa khai thác thế mạnh điểm đến vừa nâng cao vị thế và tầm vóc thương hiệu du lịch địa phương và uy tín của công ty du lịch.
Nhiều địa phương đã bắt kịp xu hướng và làm tốt công tác quảng bá điểm đến thông qua chương trình hành động năm du lịch quốc gia hàng năm của Chính phủ để khi nhắc đến Quảng Nam người ta sẽ nhớ đến "một điểm đến hai di sản", "điểm đến du lịch xanh" với các chương trình địa danh như "một ngày làm công dân phố cổ", đảo Ký ức vườn Tượng, Thánh địa Mỹ Sơn, Vinpeal Land Nam Hội An,...; Đà Nẵng là "thành phố biển", "thành phố những cây cầu" với Bà Nà Hills, Non Nước, chùa Linh Ứng, biển Mỹ Khê, Cổ viện Chàm, Bãi Bụt, Hải Vân quan, núi Thần Tài,...; Phú Quốc - "Singapore của Việt Nam" - với Vinpeal Safari - trải nghiệm "nhốt người thả thú" có 1 - 0 - 2, Grand World – thành phố không ngủ, VinWonders - Thiên đường vui chơi giải trí, Cáp treo Hòn Thơm - chiêm ngưỡng đảo ngọc từ trên cao, bãi Dài - bãi biển đẹp hoang sơ nhất hành tinh, Gành Dầu - nơi có bãi biển cong hình lưỡi liềm,...; hay như Bình Thuận – địa phương đăng cai năm du lịch quốc gia 2023 cũng cần xây dựng sản phẩm độc đạo phát huy các địa danh như hòn Kê Gà - ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á, trượt cát Mũi Né, xứ sở thanh long,...;....
Tour "Một ngày là cư dân phố cổ" với việc đưa khách Tây t“đi cày đi cấy” ở Hội An. Ảnh: T.L
Đặc biệt, khi tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù sẽ phát huy tài sản trí tuệ du lịch địa phương đúng như chiến lược phát triển du lịch việt nam đến năm 2030 với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh du lịch trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai, nhất là đối với ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch. đó chính là việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, các đặc sản trên địa bàn có điều kiện phát triển như đăng ký về nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề địa phương. đơn cử như nón bài thơ (huế), bún bò huế, áo dài huế, bê thui cầu mống (quảng nam), mỳ quảng (quảng nam), bánh tráng cuốn thịt heo đại lộc (quảng nam), bánh cốm hà nội, bún chả hà nội, cơm tấm sài gòn, hủ tiếu mỹ tho (tiền giang), thanh long (bình thuận),...
Đơn cử Hanoitourist hợp tác với BQL Di tích nhà tù Hỏa Lò xây dựng sản phẩm với chủ đề "Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt", "Đêm thiêng liêng - Sống như những đóa hoa"; hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho ra mắt thị trường Tour đêm "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long"; hợp tác với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ra mắt chương trình du lịch "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội". Hay việc hợp tác giữa Hội nghề du lịch với điểm du lịch trong xây dựng và thực hiện các chương trình du lịch lịch sử, văn hóa nhằm tăng cường tính liên kết vùng trong phát triển du lịch; việc hợp tác giữa Hội Lữ hành Hà Nội, CLB Du lịch Bền vững VGREEN và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để xây dựng các sản phẩm du lịch có hành trình bắt đầu từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như "Caravan Tây Bắc - mùa Ban nở" kết nối Hà Nội với các tỉnh khu vực Tây Bắc, tour đêm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với chủ đề 'Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ'.
Rõ ràng để khôi phục và phát triển điểm đến du lịch việc nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cần sự đồng hành của nhà trường – nhà nước – doanh nghiệp và người dân, trong chú trọng đến đào tạo con người, xây dựng những sản phẩm độc đáo, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự chung tay của toàn xã hội. Và để làm được điều đó chúng ta cần xây dựng những thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế gắn với bản sắc văn hóa đặc sắc và con người Việt Nam về hình ảnh một Việt Nam đẹp đẽ, thân thiện, đôn hậu và mến khách.
Hà Kiều