Nhiều người vẫn nhớ nhảy dây như một trò chơi thú vị lúc nhỏ, nhưng trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, trò tiêu khiển này đã phổ biến trở lại, như một cách để mọi người giữ thân thể khỏe mạnh. Không chỉ là hình thức tập thể dục vui nhộn, ít tốn kém và dễ áp dụng, nhảy dây còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và vóc dáng.
Nhảy dây từ lâu đã được các võ sĩ sử dụng như một hình thức tập luyện để giúp cải thiện sức mạnh của đôi chân và khả năng vận động chung.
Với tác dụng làm tăng nhịp tim và nhịp thở tương tự như khi chạy bộ, nhảy dây 10 phút mỗi ngày giúp cơ thể bạn rèn luyện sự thích nghi có lợi cho sức khỏe tim mạch, gồm hạ huyết áp và giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi. Nhảy dây cũng giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng ôxy hiệu quả hơn.
Nghiên cứu cho thấy những bài tập tốt cho tim mạch và hô hấp có thể cải thiện sức khỏe và tuổi thọ, nhờ làm giảm huyết áp, giảm viêm trong cơ thể, cải thiện độ nhạy insulin, giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và nhiều bệnh mãn tính khác.
Nhảy dây tạo ra lực tác động xuống mặt đất trong mỗi bước nhảy. Sự tác động này kích thích xương tự tu sửa để trở nên chắc khỏe hơn, nhờ đó làm tăng mật độ xương. Cơ chế đó có lợi cho sức khỏe về sau, bởi mật độ xương sẽ giảm dần theo tuổi tác.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nhảy dây làm tăng mật độ khoáng của xương, nhờ đó giảm nguy cơ bị gãy xương hoặc loãng xương khi lớn tuổi.
Theo Viện nghiên cứu Nhảy dây (Jump Rope Institute), nhảy dây hỗ trợ phát triển bán cầu não trái và phải, nhờ đó nâng cao ý thức về không gian, cải thiện kỹ năng đọc, tăng cường trí nhớ, sự tỉnh táo và khả năng tập trung.
Nghiên cứu cho thấy do phải phối hợp vận động trí não và cơ thể cùng lúc, những võ sĩ quyền anh có tập môn nhảy dây thực sự bình tĩnh hơn những người không rèn luyện môn này. Vì thường xuyên kiểm soát sự đồng bộ giữa cơ thể với chuyển động của sợi dây, tâm trí của bạn cũng có thể điềm tĩnh hơn trong những tình huống khác.
Nhảy dây còn là một bài tập toàn thân vì nó sử dụng cơ bụng để ổn định cơ thể, dùng chân để nhảy, dùng vai và cánh tay để quơ dây. Tập luyện toàn thân giúp tăng trương lực cơ - có lợi cho tất cả các hoạt động hàng ngày và thúc đẩy quá trình trao đổi chất khi nghỉ ngơi, giúp bạn đốt cháy năng lượng ngay cả khi không vận động.
Nhảy dây buộc bạn phải phối hợp chính xác thời gian nhảy qua dây. Nghiên cứu cho thấy môn này giúp cải thiện sự phối hợp, giữ thăng bằng và các kỹ năng vận động cơ bản ở trẻ em. Ðây là những yếu tố quan trọng để giúp giảm nguy cơ chấn thương chân và cổ chân hoặc té ngã, kể cả khi lớn tuổi.
Vì nhảy dây đòi hỏi chuyển động nhanh của chân và tay nên nó được coi là một “bài tập làm sốc cơ” (plyometric) - khi các cơ vận động mạnh tối đa trong khoảng thời gian ngắn nhằm gia tăng sức mạnh.
Bài tập làm sốc cơ thường áp dụng trong các môn thể thao cần làm tăng tốc độ của vận động viên. Chạy bộ có thể cải thiện sức khỏe tim mạch nhưng nhảy dây còn có thêm lợi ích là cải thiện tốc độ. Tập nhảy dây hàng ngày có thể giúp bạn chạy nhanh hơn trước và cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong mỗi bước chân.
Vì là một bài tập toàn thân đòi hỏi tốc độ nhanh và sự phối hợp nhịp nhàng, nhảy dây có thể được xem là một hình thức luyện tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT). Ðây là bài tập phổ biến nhất thế giới đã được chứng minh là giúp rèn luyện sức khỏe tim mạch hiệu quả hơn và trong khoảng thời gian ngắn hơn, so với các bài tập rèn sức bền khác.
Nhảy dây dễ thực hiện và có thể được áp dụng như một bài tập cường độ cao, tùy vào nỗ lực và sức mạnh của mỗi người.
m Nhìn chung, nhảy dây là một hình thức tập thể dục rất tốt, không chỉ cải thiện sức khỏe nhiều mặt mà còn phù hợp mọi đối tượng, dễ thực hiện và không cần nhiều không gian. Tuy nhiên, người tập cần lưu ý khởi động trước khi nhảy để phòng ngừa chấn thương ở thân dưới do va chạm mạnh khi tiếp đất. Giống như mọi hình thức tập luyện khác, tốt hơn hết bạn nên tập nhẹ rồi mới tăng dần thời lượng và cường độ.
HOÀNG ĐIỂU (Theo Inverse, LifeHack)
Chủ đề liên quan:
nhảy dây