Theo nguồn tin từ Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, qua công tác nắm bắt quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lên phương án kiểm tra đối với Nhà thuốc Long Xuyên II (địa chỉ: 08, khu phố Gia Lộc, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh) do ông Lê Duy làm chủ.
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện 2.266 viên, 110 ống, 06 tuýp thuốc Tây các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực biệt trữ đối với thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa 12.766.400 đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà thuốc không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số thuốc trên. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Ảnh minh họa
Liên quan đến công tác quản lý thị trường thuốc tây, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo các Sở, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng xã hội.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh sản phẩm này. Có biện pháp giám sát hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo của các công ty để tránh việc quảng cáo sai sự thật và có biện pháp, chế tài xử lý mạnh vi phạm trên địa bàn (nếu có).
Bên cạnh đó, giao Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng. Tuy nhiên bệnh nhân thường rất khó phân biệt sản phẩm là thuốc giả bởi vì chúng thường được đóng gói một cách kỹ lưỡng để làm sao giống hệt với thuốc chính hãng. Đôi khi kết quả phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm mới có thể là cách duy nhất để xác định sự khác biệt giữa thuốc thật và thuốc giả mạo.
Thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo người tiêu dùng nên lưu ý mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ có uy tín, cần quan sát kỹ thuốc để phát hiện những bất thường về bao bì, dạng thuốc... luôn luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc để tránh các thuốc hết hạn dùng, cảnh giác với những thuốc có giá thấp bất thường, tìm hiểu và sử dụng các công nghệ xác minh, tem chống hàng giả để tránh mua phải thuốc giả, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Đối chiếu quy định pháp luật tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hình thức xử phạt hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành.
Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 03 đến 06 tháng theo quy định tại Khoản 7, buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc theo quy định tại Khoản 8 điều này.