Khách mời số tháng 4, “Tiếng còi tầm” vẫn luôn tạo cho khán giả sự gần gũi, nhưng khác với các số khác là các NSƯT; NSND cùng ngồi trò chuyện, thì ở số này khán giả lại được nghe những câu chuyện từ chính những cựu công nhân, các anh hùng lao động của ngành công nghiệp đời đầu. NSND Quang Thọ với kinh nghiệm 8 năm làm thợ điện tại mỏ than cũng tham gia chương trình, chia sẻ những ngày tháng huy hoàng của thời trai tráng.
Các vị khách mời trong chương trình đều rất đặc biệt, Anh hùng Lao động (AHLĐ) Lê Thị Ngừng, là nữ công nhân lái máy xúc duy nhất trên công trường Thủy điện Hòa Bình. Trước khi lái máy xúc, chẳng có việc gì làm khó được cô: đi bốc gạch, xây dựng, lên rừng lấy củi... Sau đó cô xuất sắc được chọn đi lái máy xúc, điều khiển chiếc máy xúc hơn 200kg với những nguy hiểm rình rập, công việc bận rộn tới nỗi cô không có thời gian về thăm gia đình ngày lễ tết. Công việc đòi hỏi sự xông pha và quyết đoán cao mà một người phụ nữ nhỏ nhắn lại làm được như vậy. Quả thực đáng khâm phục tinh thần lao động của chị em phụ nữ Việt Nam!
AHLĐ Lều Vũ Điều từng là công nhân tại mỏ than Mạo Khuê, môi trường làm việc rất độc hại và nguy hiểm, yêu cầu phải có sức khỏe cực tốt vì hầu hết lao động đều bằng sức người. NSND Quang Thọ cũng có kỷ niệm khó quên tại hầm lò khi sửa đường điện dưới hầm vào ngày trời mưa, dây điện đang kéo bị trúng sét đánh, sau đó được đồng nghiệp đưa đi bệnh xá. “Mọi người nói với nhau rằng nếu không có nghị lực, lòng dũng cảm thì không thể theo nghề này được bởi nguy hiểm luôn rình rập xung quanh”, AHLĐ Lều Vũ Điều chia sẻ. Những câu chuyện lao động qua lời kể của các khách mời sống động như còn mới nguyên khiến khán giả không tiếc những tràng pháo tay khen ngợi.
Rồi những câu chuyện về tình cảm của những người công nhân gắn bó với nhau như ruột thịt cũng khiến chúng ta cảm thấy tình ơi là tình! Quán Thanh xuân đưa khán giả đến với con phố 8-3 tại Hà Nội, đây là nơi gắn bó của nhiều lớp người công nhân trong nhà máy Dệt 8-3, những con người đã về hưu được ngót nghét 20-30 năm, họ gắn bó với nhau hơn nửa đời người, trước là đồng nghiệp và giờ là hàng xóm láng giềng thân thương. Giờ ngồi lại với nhau, họ chia sẻ những câu chuyện về gia đình, con cái rồi lại nhớ về những kỷ niệm đẹp đẽ xưa cũ thời còn công tác tại nhà máy.
Nhà báo Nguyễn Hạnh lại có lòng hâm mộ mến thương đặc biệt dành cho các anh chị công nhân. Hồi nhỏ nhà báo được anh trai đưa đi bến phà Bính, nghe tiếng còi tầm và chứng kiến cảnh lớp người công nhân tan tầm thay ca với bộ đồng phục màu xanh, cảm xúc dâng trào, thấy mình như được đến một thế giới mới sao kỳ diệu tới vậy. Bản thân gia đình Nguyễn Hạnh cũng có thế hệ bậc cha chú và anh em làm công nhân, đối với cô đó là niềm tự hào, trân quý.
Tính chất công việc của công nhân phần nào cũng khiến cho họ có những đặc điểm tính cách rất nổi trội. Sự chịu thương chịu khó, cần mẫn, chỉn chu, nghiêm túc tạo nên hình ảnh người công nhân điển hình. Thời ấy khó khăn, ai cũng muốn tăng ca để kiếm thêm chút thu nhập, mang tiền về cho gia đình, lo cho con cái đi học đàng hoàng…
NSND Quang Thọ thể hiện ca khúc “Tôi là người thợ lò”, NSƯT Tấn Minh, ca sỹ Thái Thùy Linh, Lan Anh, Vũ Thắng Lợi… cũng góp mặt gửi tặng chương trình những ca khúc về chủ đề người công nhân, những ca khúc khích lệ động viên tinh thần, sự tự hào về những người làm việc trên công trường, nhà máy.
Nhớ về thập niên 70-80, khi nhà nhà đều có Người công nhân |
Cảm ơn Quán Thanh xuân đã mang tới chủ đề về những người công nhân thế kỷ trước thật đáng giá. Nghề nghiệp nào cũng là đáng quý, đáng trân trọng. Thầm cảm ơn những thế hệ công nhân xưa và nay đã và đang cống hiến hết mình vì đất nước. Đất nước Việt Nam tự hào vì có những thế hệ công nhân tuyệt vời đến vậy!