Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những ai dễ mắc cảm cúm?

Giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm bùng phát. Vì thế, mọi người cần chủ động phòng bệnh đặc biệt là những đối tượng dễ bị cảm cúm.

Cảm cúm là căn bệnh phổ biến ở tất cả mọi người. Hầu hết người lớn có thể có cảm cúm thông thường 2-4 lần/năm. Trẻ em, đặc biệt là trẻ mẫu giáo có thể có cảm cúm thông thường nhiều sáu đến 10 lần mỗi năm.

Tuy nhiên, một số người rất dễ bị bệnh kèm theo những diễn biến nguy hiểm.

Trẻ em

Trẻ em có dễ mắc cảm cúm không? Câu trả lời là có, bởi hệ miễn dịch trẻ còn non nớt. Đặc biệt là những trẻ bị suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch dễ bị tấn công hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi. Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi đi mẫu giáo, đi học dễ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Hiện nay, đã có vaccine cúm mùa nhưng, trẻ vẫn có thể bị nhiễm cúm ngay cả khi đã tiêm phòng nếu không biết cách đề phòng bệnh.

Vì vậy, khi giao mùa, nên chăm sóc trẻ cẩn thận: mặc quần áo ấm cho trẻ, tránh trẻ chạy chơi ngoài nắng hay mắc mưa. Nếu trẻ bị bệnh thì nên cho nghỉ học ở nhà nghỉ ngơi và tránh lây lan mầm bệnh. Ngoài ra, cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Đồ chơi của trẻ cũng cần tẩy rửa để loại bỏ mầm bệnh.

Bên cạnh đó, nhớ bổ sung vitamin C để tăng cướng sức đề kháng cho trẻ. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây có vị chua như chanh, cam, quýt, bưởi… Mẹ cũng có thể cho trẻ uống viên sủi chứa vitamin C.

Người già

Một đối tượng dễ bị cúm tấn công nữa là người già. Hệ miễn dịch của người già suy yếu nên rất dễ bị mầm bệnh xâm nhập. Đăc biệt với những người già bị tiểu đường, bệnh tim mạch… cần nên chú ý hơn trong mùa cúm. Người già khi mắc bệnh thì diễn biến bệnh thất thường, kéo dài thậm chí gây ra viêm phổi, viêm cơ tim...

Vì thế, cách chăm sóc người già dễ mắc cúm rất quan trọng. Chế độ ăn uống của người già cần cân bằng các dưỡng chất, bổ sung thêm rau xanh, trái cây. Vì người già, sức ăn giảm nên chọn những món lỏng như cháo, súp và chia thành nhiều bữa ăn. Ngoài ra, gia đình nên chú ý theo dõi diễn biến bệnh để khám điều trị kịp thời.

Nhóm bệnh nhân mắc những bệnh mãn tính

Cảm cúm thường có thể tự khỏi sau vài ngày. Nhưng những người mắc các bệnh mãn tính như suy tim, tắc nghẽn mãn tính phổi, hen phế quản, giãn phế quản... thường không tự khỏi cảm cúm được. Và họ cũng rất dễ mắc cúm do sức đề kháng suy giảm. Cúm sẽ làm bệnh tình trở nặng thậm chí biến chứng nguy hiểm như tử vong cho các bệnh nhân này.

Nếu những người này mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế để điều trị. Mọi người không nên tự cho mình là bác sĩ mà tự ý dùng thuốc nhất là kháng sinh. Vì theo thói quen, khi có những triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, người ta thường uống ngay một viên thuốc chữa cảm cúm có bán ở các tiệm.

Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai cũng rất dễ bị cảm cúm tấn công. Vậy mang thai mắc cúm có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, bị cúm 3 tháng đầu thai kì rất nguy hiểm. Trong 3 tháng đầu, hệ miễn dịch của bà bầu bị suy giảm, nhất là khi thời tiết thay đổi, giao mùa, do đó, rất dễ bị cảm cúm. Ngoài ra, cảm cúm làm tăng nguy cơ dị tật ở thai nhi. Vì vậy, các chị em không nên chủ quan với những thay đổi khi giao mùa để dễ bị mắc bệnh.

Khi đã bị bệnh, bà bầu tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc hay dùng những mẹ truyền tai nhau chưa được kiểm chứng khoa học. Vì những thứ mẹ đưa vào cơ thể có thể gây nhiễm độc dù là một lượng nhỏ vẫn có thể dẫn đến dị dạng thai nhi. Mẹ bầu bị cảm cúm, tốt nhất là nên đi bác sĩ và theo dõi bệnh thường xuyên.

Cảm cúm thông thường là bệnh có diễn biến lành tính, sẽ tự khỏi khi virus tự thoái triển và loại ra khỏi cơ thể theo chu kì. Tuy nhiên, vì có những nhận thức sai lầm vẫn có những người thường xuyên bị cảm cúm và có những biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

Minh Thư

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-ai-de-mac-cam-cum-24260/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY