Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Những bài thuốc chữa bệnh từ sầu riêng

Bên cạnh nhiều lợi ích tích cực đối với sức khỏe, sầu riêng còn có tác dụng làm thuốc chữa bệnh.

Cây sầu riêng tên khoa học là Duro Zibethinus Murr còn được mệnh danh là "hoàng hậu của loài quả". Đó là đặc sản của vùng Đông Nam Á. Sầu riêng là loài trái cây có mùi rất mạnh khiến người không quen khó chấp nhận, thế nhưng loại quả này chứa nhiều chất dinh dưỡng, với nhiều người sầu riêng là món ăn gây “nghiện”, không thể cưỡng lại được. Tuy nhiên không nên ăn nhiều quá (trên 150g cơm trái/ngày) vì sẽ bị “nóng”, gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt.

Theo Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), trong 100g phần ăn được của sầu riêng, có chứa các chất sau: nước 66,8g; protein 2,5g; glucid 28,3g; lipid 1,6g; tro 0,8g; các chất khoáng vi lượng: Ca 20mg, P 63mg; Fe 0,9mg; K 601mg; muối Na 1mg; các vitamin: thiamin (B1) 0,027mg; riboflavin (B2) 0,29mg; niacin (B3) 1,2mg; acid ascorbic (C) 37mg; A 10 IU; cung cấp 124 calo.

Hàm luợng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng của sầu riêng đều cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác. Cơm của sầu riêng có tác dụng kích thích, tăng cường khả năng sinh dục, lọc máu và trừ được giun sán.

Hiện nay, sầu riêng là một loại quả nhiều dinh dưỡng, được dùng làm nước giải khát, mứt kẹo, bánh, nấu chè, xôi, thơm, ngon, mát, bổ. Các bộ phận cây sầu riêng được dùng làm thức ăn và thuốc chữa bệnh. Hạt sầu riêng được dùng như hạt mít, hạt điều. Ăn có tác dụng bổ tỳ, bổ thận.

1. Tác dụng của sầu riêng

- Tăng cường hệ miễn dịch: Theo Life Hack, nồng độ chất chống oxy hóa, vitamin C trong sầu riêng giúp chống lại các gốc tự do, cải thiện hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa các vi khuẩn, mầm bệnh tấn công.

- Sầu riêng là thực phẩm rất giàu năng lượng: 234g sầu riêng tương đương với khoảng 20% lượng carbohydrate. Vì vậy, bạn chỉ cần ăn 1/5 trái sầu riêng là đã có thể bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho cả một ngày dài. Một khẩu phần sầu riêng chứa hơn 350 Calo và 13g chất béo (nhưng là loại chất béo không gây hại cho cơ thể), nhưng nếu bạn đang trong quá trình ăn kiêng thì không nên ăn quá nhiều.

- Phòng và trị táo bón: Sầu riêng là nguồn thực phẩm rất dồi dào chất xơ, một chất quan trọng, có tác dụng hấp thu nước và giúp nới rộng đường tiêu hóa một cách nhẹ nhàng, giúp tăng cường quá trình vận chuyển chất thải qua hệ tiêu hóa hiệu quả.

- Ngăn ngừa thiếu máu: Sầu riêng là nguồn cung cấp phong phú chất folate. Sự thiếu hụt chất folate có thể gây ra dạng thiếu máu gọi là thiếu máu nguy hại. Chất folate còn được gọi là vitamin B9, rất cần thiết cho việc sản xuất ra các hồng huyết cầu bình thường.

- Củng cố xương chắc khỏe: Trong sầu riêng có nhiều kali, mang lại nhiều lợi ích cho xương. Nó giúp duy trì lượng canxi trong cơ thể bằng việc ngăn cản canxi bài tiết ra ngoài theo đường nước tiểu.

- Chống trầm cảm: Nhiều các nhà nghiên cứu, những người có nồng độ serotonin thấp có nguy cơ trầm cảm cao. Sầu riêng rất giàu vitamin B6, một dưỡng chất thiết yếu trong việc sản xuất serotonin. Do vậy, ăn sầu riêng thường xuyên giúp bạn vượt qua căng thẳng, phiền muộn và trầm cảm.

- Điều chỉnh đường huyết: Sầu riêng cũng có tác dụng rất tốt trong việc trợ giúp điều chỉnh mức đường huyết cơ thể nhờ vào lượng chất khoáng Mangan dồi dào có trong quả của chúng.

- Tăng cường sức khỏe răng miệng: Sầu riêng có chứa photpho. Mặc dù canxi là một trong những dưỡng chất tốt nhất được biết đến trong việc giúp tăng cường sức khỏe răng và nướu, tuy nhiên, canxi không thể có tác dụng tốt với răng nếu không có sự trợ giúp của photpho – một chất cũng rất dồi dào trong quả sầu riêng.

- Ngăn ngừa lão hóa: Mỗi chén sầu riêng chứa đến 80% nhu cầu vitamin C mà cơ thể cần mỗi ngày. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp đẩy lùi các gốc tự do, làm giảm mức độ căng thẳng, ngăn ngừa lão hóa da.

2. Các bài thuốc từ sầu riêng

- Cảm sốt, viêm gan vàng da: Dùng lá và rễ cây sầu riêng khoảng 30-40g, cùng lá và rễ cây đa khoảng 20-30g, rồi sắc uống. Nếu trong trường hợp không có rễ và lá cây đa, có thể chỉ dùng lá rễ sầu riêng sắc uống trong ngày. Lá sầu còn dùng nấu nước cho bệnh nhân viêm gan vàng da, tắm rửa.

- Kinh nguyệt kéo dài: Dùng vỏ sầu riêng sao khoảng 12g, rau má 12g, cỏ mực tươi 12g, ngải cứu 8g, trắc bá diệp sao 8g, cam thảo nướng 4g, củ sả 4g, hoa sen 3 cái. Rồi đem tất cả sắc chung, sắc 3 lấy 1 rồi hòa với 4g lọ chảo gang để uống.

- Các bệnh về gan: Lấy rễ và lá sầu riêng tầm 10-16g sắc với 600ml nước còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày.

- Trị tiêu chảy: Vỏ quả sầu riêng 20g, vỏ quả măng cụt 20g. Sắc chung với 3 bát nước lấy 1 bát chia 2 lần uống. Nếu bệnh nhẹ chỉ nên dùng 1 trong 2 loại sầu riêng và măng cụt.

- Sốt rét, đau gan vàng da: Rễ, lá cây sầu riêng 12g, cam thảo dây 12g, chi tử (quả dành dành) 12g, sắc tất cả chung với 3 bát nước lấy 1 bát. Ngày uống làm 2 lần. Dùng trong 5 ngày.

- Bổ thận tráng dương: Bầu dục lợn 1 bộ, sầu riêng (sắp chín) 200g, gia vị vừa đủ. Bầu dục rửa sạch, thái nhỏ, ướp gia vị. Sầu riêng chọn quả sắp chín để thái miếng nhỏ xào với bầu dục. Ăn nóng. Ngày ăn 1 lần. Cần ăn 5 lần, chữa người bị chứng lãnh cảm, suy yếu tình dục.

- Chữa di tinh, liệt dương: Sử dụng 50g sầu riêng, đường 20g (hoặc mật ong lượng thích hợp), trộn sầu riêng và đường vào rồi đánh hỗn hợp này nhừ như kem. Sau đó, thêm khoảng 100ml nước sôi để nguội hòa đều để uống. Mỗi ngày 2 lần trong vòng 10 ngày.

- Bổ thận, cứng gân cốt: Dùng vỏ quả sầu riêng 15g, đậu đen sao 10g, tang ký sinh 12g, hà thủ ô chế 15g, đỗ trọng 15g, cốt toái bổ 15g, vỏ quýt 8g. Sắc chung tất cả nguyên liệu với nhau rồi uống.

Nhã Hiên

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/nhung-bai-thuoc-chua-benh-tu-sau-rieng-27317/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY