Kinh tế xã hội hôm nay

Những cái “độc” ở miền sương trắng

Có lẽ ít nơi có được những cái “độc” như ở cao nguyên Ý Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Ngoài cái “độc nhất vô nhị” do thiên nhiên ban tặng...
Có lẽ ít nơi có được những cái “độc” như ở cao nguyên Ý Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Ngoài cái “độc nhất vô nhị” do thiên nhiên ban tặng, Ý Tý còn có những cái “độc” do chính những người dân bản địa tạo nên được lưu truyền qua nhiều đời, đem lại những lợi ích không nhỏ, trở thành nét đẹp bản sắc vùng cao - đó là chuyện giữ rừng. Họ đã đoàn kết và gìn giữ được hơn 8.000ha rừng già với rất nhiều loài thực, động vật có tên trong Sách đỏ. Vẻ hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh đã trường tồn với một dân tộc đặc biệt Hà Nhì. Họ đã bền bỉ bám đất giữ rừng vững vàng như bức thành đồng nơi địa đầu Tổ quốc.

Ngược dòng Lũng Pô

Tuy Lũng Pô không phải là con suối lớn nhưng lại có vẻ đẹp hết sức quyến rũ. Đặc biệt, dòng Lũng Pô có vị trí hết sức quan trọng, làm thành đường biên giới giữa 2 quốc gia: Việt Nam và Trung Quốc từ cao nguyên Ý Tý tới ngã ba A Mú Sung, nơi con sông Hồng hòa mình vào đất Việt. Dù không phải lần đầu lên vùng cao Bát Xát nhưng tôi vẫn phải rủ Trung Kiên - PV Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lào Cai làm “hướng dẫn viên du lịch” bởi cung đường lên Ý Tý vô cùng hiểm trở.

Vừa đi, Kiên vừa chia sẻ những hiểm nguy mà vùng cao này thường xuyên phải đối mặt. Kiên kể: Khu vực này, những trận lũ quét, lở đất nghiêm trọng xảy ra như cơm bữa. Tháng 8/2008, một nửa số nhà ở bản Tùng Chỉn - xã Trịnh Tường đã bị dòng lũ dữ cuốn trôi, cướp đi sinh mạng của 21 người. Xã Sảng Ma Sáo cũng nhiều lần tang thương vì lũ quét, cách đây 3 năm đã có 30 hộ bị lũ cuốn. Đặc biệt, gần đây nhất, đêm 4/9/2013, lũ ống tại Bản Khoang đã ập xuống cuốn trôi khu tập thể giáo viên ngay trước giờ tiếng trống khai trường chuẩn bị gióng đã làm hàng chục người ch*t… Có lẽ vì thế mà chàng Kiên cẩn thận, mấy lần tôi gọi điện định lên Bát Xát, lại gàn: “Đang mưa to lắm, đường sạt nhiều không đi được đâu anh ạ”. Kiên cho biết: Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Lào Cai là một trong những tỉnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao, năm nào cũng xảy ra cả chục vụ. Chính vì thế, các hoạt động cảnh báo thiên tai được đưa đến tận các cuộc họp dân, các bản tin bên đường và nhà văn hóa bản đều có nội dung hướng dẫn bà con cách phòng tránh lũ.

Trời cuối đông nên không lo lũ nhưng lúa thì đã gặt xong. Tuy không được ngắm những thửa ruộng bậc thang vàng au màu lúa chín nhưng lại được chiêm ngưỡng loài hoa vàng rực núi rừng. Những đám hoa cao ngập đầu người trải dài từ chân đèo lên tới đỉnh núi như chiếc áo vàng khoác lên người những cô sơn nữ làm mê lòng bao du khách.

Cây cầu ngắn nhất thế giới

Đến trung tâm xã, mấy anh em lại rủ nhau ngược đường rừng tới tận đầu nguồn của dòng Lũng Pô - dòng suối “phên dậu” của Tổ quốc. Đây cũng là cửa khẩu tiểu ngạch ở Ý Tý. Kiên dẫn chúng tôi đi vào con dốc ngoằn ngoèo, lổn nhổn đá, có khúc cắm biển báo dốc tới 35 độ, hết cua tay áo đến cua chữ chi, lắm đoạn chìm nghỉm trong đám lá rừng hun hút gió buốt. Đường trườn như những con rắn bên vực thẳm, một bên là khe sâu, bên kia chi chít ruộng bậc thang. Khu vực này là nơi canh tác chính của bà con các dân tộc ở Ý Tý, cũng mang tên “cánh đồng Thèn Pả” như ở Hà Giang (thèn pả nghĩa là ruộng bằng).

Chưa đến 10km đường tuần tra biên giới, nối trung tâm xã Ý Tý với cửa khẩu tiểu ngạch tại cầu Thiên Sinh mà chiếc UAZ gầm rú dò dẫm mất đúng một giờ. Cầu nằm ở cuối thôn Lao Chải, theo tiếng Hà Nhì, cầu có tên Thiên Sân Shù, dịch nghĩa là “trời sinh”. Sở dĩ gọi vậy là vì đây là cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 3 mét. Từ ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, núi đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe sâu hoắm, một tảng đá rơi xuống tự nhiên bắc qua khe này tạo thành một cây cầu đá. Nghịch ngợm xoạc rộng cẳng một chút là có thể đứng một chân trên “đất ta”, còn chân kia “xuất ngoại”(!). Dưới cầu là thác nước màu lam ngọc sâu cả trăm mét, ngày đêm gầm gào tung bọt trắng xóa. Đây là đầu nguồn của dòng Lũng Pô, cách điểm gặp nhau với sông Hồng tại A Mú Sung khoảng 17km theo đường chim bay. Cầu Thiên Sinh bắc qua khe nứt này nối liền 2 quốc gia có lẽ là cây cầu bê tông ngắn nhất thế giới, mỗi đầu một cột mốc chủ quyền. Cầu nối xã Ý Tý của Việt Nam với xã Ma Ngan Tỷ, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Chúng tôi quay về bản Nhìu Cù San của người Hà Nhì. Người lớn đi nương hết, chỉ có đám trẻ đang nô đùa. Khác hẳn vẻ “thương mại hóa” ở Sa Pa, trẻ em ở đây rất hồn nhiên, vui vẻ chụp ảnh cùng khách và cười rúc rích khi xem lại hình trên máy. Trời lạnh mà phần lớn các em phong phanh áo vải chân đất, má đỏ au, nhảy tung tăng bên dòng suối nhỏ chảy dọc bản với những chiếc cối giã gạo bằng sức nước. Người Hà Nhì sống rải rác từ lưng núi đến đỉnh núi, cao nhất là thôn Lao Chải. Cái rét thấu gan thấu ruột khiến họ coi lửa là thần. Sau khi dựng nhà, người ta chọn một hòn đá trên đỉnh núi về làm thần lửa. Không ai được bước qua hay gõ lên đầu thần. Mỗi dịp lễ Tết, gia chủ đều soạn cỗ cúng thần lửa. Muốn thần lửa phù hộ cho no ấm thì bếp lửa trong nhà không bao giờ được tắt. Lửa sưởi ấm mùa đông dài dằng dặc, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người vùng cao. Có lẽ do khí hậu trong lành nên dù thiếu thốn đủ thứ nhưng đồng bào trên đỉnh Nhìu Cù San khỏe và sống thọ lắm, nhiều cụ trên trăm tuổi…

Từ ngôi nhà nấm đến chuyện giữ rừng

Người Hà Nhì ở Ý Tý sinh sống trong những ngôi nhà nấm hình chữ nhật. Người ta thường dùng sải tay của người đàn ông trụ cột trong gia đình để áng chừng, làm nhà trình tường chiều rộng 4 - 5 sải, chiều dài 5 - 6 sải. Khung của mái nhà được làm đơn giản bằng những thân luồng hoặc cây gỗ nhỏ thẳng, lợp bằng cỏ gianh và tuyệt đối không sử dụng tới những cây gỗ lâu năm. Tường đắp bằng đất dày khoảng 40cm, chỉ có một cửa nhỏ vừa một người ra vào, đảm bảo ấm áp để vượt qua những trận băng giá của miền sương trắng.

Trên những cung đường của xã Ý Tý, xe đi luồn qua khu rừng già rậm rạp. Những cây gỗ rêu mốc thẳng đứng to đến vài người ôm vẫn đứng hiên ngang ngay sát mép đường. Trước khi lên đây, tôi đã được Kiên kể về những lời nguyền giữ rừng của người dân bản địa. Đây là nơi người dân không bao giờ khai thác tài nguyên rừng và tuyệt đối không có lâm tặc. Chỉ tay về những cây cổ thụ cao ngất trơ trọi lá, Kiên cho biết: Mặc dù đã ch*t nhưng không một người dân nào dám đốn hạ, bởi sự trân trọng lời nguyền và những luật tục có từ nghìn đời trong bảo vệ và phát triển rừng.

Chuyên viết về mảng văn xã của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lào Cai nên Thu Hường cũng đã tìm hiểu khá kỹ về đời sống văn hóa người Hà Nhì. Tiếp lời Kiên, Hường kể: Người Hà Nhì quan niệm rừng, cây rừng và con thú trong rừng đều có đời sống như con người; trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì, con người với cây, với thú trong rừng đều có quan hệ họ hàng, một số loài động thực vật còn là vật tổ của các dòng họ. Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về những địa phương xẻ thịt rừng, đốt rừng làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, đặc sản thịt thú rừng… thì với việc xem rừng là tổ tiên, là thần, là thiêng liêng của người Hà Nhì cũng đáng trân trọng.

Trước hết, luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng và buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Đây thực sự là một điều luật rất độc đáo và nhân văn - với ý nghĩa “lấy gì của thiên nhiên thì trả lại cho thiên nhiên” hay đồng nghĩa với các xu hướng thịnh hành lâu nay như: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh… Ngay cả việc tận dụng cành ngọn và củi khô làm chất đốt cũng được “chế tài hóa” trong luật tục. Mỗi năm, các khu rừng chỉ mở cửa đúng 3 ngày trước khi làm lễ cúng rừng để mọi người vào dọn dẹp và cũng chỉ trong những ngày này người dân mới được phép lấy củi khô về tích trữ để dùng cho cả năm. Là nơi cúng thần nên các khu rừng ở đây tuyệt đối thanh tịnh, nếu ai làm ô uế cũng sẽ bị phạt. Kể cả việc người lạ đi vệ sinh trong rừng (do không biết) cũng bị dân làng bắt phạt. Từ chuyện giữ rừng mới hiểu về những ngôi nhà nấm của người dân bản địa. Ngoài việc để tránh những trận băng giá của đại ngàn thì đây cũng là mẫu nhà hạn chế tối đa việc sử dụng nguyên liệu từ rừng. Đó cũng là cách giữ rừng “độc nhất vô nhị” của người dân bản địa Ý Tý!

Bài và ảnh: Thanh Hội

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nhung-cai-doc-o-mien-suong-trang-8184.html)

Chủ đề liên quan:

miền sương trắng

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY