Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những điều cần biết về bệnh viêm não mô cầu

Viêm não mô cầu đặc biệt nguy hiểm vì có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện triệu chứng đầu tiên.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất phát từ đâu?

Đây là bệnh gây ra do vi khuẩn Neisseria meningitidis - là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn và là một nguyên nhân quan trọng gây ra nhiễm trùng huyết, đó là tình trạng các vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây tổn thương nặng nề cho nhiều cơ quan quan trọng.

Trong 12 nhóm huyết thanh N. meningitidis đã được xác định, có 6 nhóm (A, B, C, W135, X và Y) có thể gây ra dịch bệnh. Sự phân bố vị trí địa lý và bùng phát dịch khác nhau tùy theo nhóm huyết thanh.

Ảnh minh họa

Viêm màng não do não mô cầu là sự nhiễm trùng của lớp màng bao quanh não và tủy sống. Nó có thể gây tổn thương não nghiêm trong và tỉ lệ tử vong là 50% nếu không được điều trị. Ngay cả trong trường hợp đã được điều trị, tỷ lệ tử vong là khoảng 15%.

Triệu chứng bệnh viêm màng não mô cầu:

Diễn biến của bệnh nhanh và triệu chứng thường rầm rộ, bệnh ít gặp nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, thời gian chẩn đoán và điều trị chỉ trong vòng một ngày.

Những triệu chứng sớm:

- Sốt cao 39-40 độ C

- Buồn nôn và ói

- Cáu gắt, ăn không ngon hoặc bỏ ăn

- Đau đầu, chóng mặt

- Đau họng, chảy nước mũi.

Triệu chứng đặc hiệu (xuất hiện muộn):

- Xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi

- Cứng gáy, đau cổ, co cứng

- Sợ ánh sáng

- Mê sảng, lú lẫn

- Co giật kiểu động kinh

- Mất ý thức, rối loạn cảm giác

Làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm não mô cầu?

Để phòng tránh bệnh viêm não mô cầu, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tim tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Ảnh minh họa

Những lưu ý khi tiêm phòng viêm não mô cầu

Vaccine Meningococcal BC được chỉ định nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh thanh B và C vaccine được tiêm cho trẻ từ tháng tuổi thứ ba và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải di đến vùng dịch.

Cũng nên tiêm vaccine cho những người sống trong một cộng đồng như các trung tâm chăm sóc trẻ em trường nội trú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc các cộng đồng có báo cáo về các trường hợp nhiễm não mô cầu nhóm huyết thanh B và C, vì vậy người dân ở đây có nguy cơ phơi nhiễm.

Không được tiêm cho người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của vaccine. Cũng chống chỉ định trong các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển và các bệnh mãn tính không tự điều chỉnh. Hiếm khi có phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra khi tiêm mũi đầu tiên, nhưng nếu có thì chống chỉ định tiêm mũi thứ hai.

Không tiêm vaccine Meningococcal BC cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết và nguy cơ dịch tễ học cao. Ở tất cả các trung tâm tiêm chủng, cần có sẵn thuốc tích hợp (dung dịch adrenaline 1/100) đề phòng trường hợp xảy ra phản ứng quá mẫn. Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị suy giảm miễn dịch có thể không có đáp ứng đầy đủ với vắc xin.

Đào Trần

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-viem-nao-mo-cau-23738/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY