Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Những điều cần biết về máu nhiễm mỡ - căn bệnh thời đại 4.0

Máu nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch và thậm chí còn tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Căn bệnh này rất nguy hiểm và đang có xu hướng dần trẻ hóa. Vậy mỡ nhiễm máu là gì


Hãy tham khảo bài viết tổng quát về máu nhiễm mỡ dưới đây để có cái nhìn đúng và đủ hơn về căn bệnh này nhé!

1. Tình trạng máu nhiễm mỡ đang phổ biến như thế nào?

Máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, tăng cholesterol) là tình trạng tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol, triglycerid trong cơ thể. Trước đây, máu nhiễm mỡ thường được ví là “căn bệnh nhà giàu”, nhưng ngày nay nó đã trở thành căn bệnh của thời đại khi cả nam giới, phụ nữ, người gầy và trẻ em đều có nguy cơ mắc phải.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước ta có khoảng 29% người trưởng thành bị máu nhiễm mỡ. Trong đó, phần lớn là ở khu vực thành thị với tỷ lệ lên đến 44,3% và thường gặp nhất là ở nhóm tuổi từ 35-44 tuổi. Điều đáng lo ngại nhất chính là máu nhiễm mỡ đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Cụ thể, theo một nghiên cứu của Khoa Dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, có đến khoảng 20% trẻ em thừa cân, béo phì trên địa bàn TP. HCM có nguy cơ và dấu hiệu mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Ở người trẻ và đặc biệt là trẻ em, các dấu hiệu của máu nhiễm mỡ thường khó nhận biết, cùng với đó là tâm lý chủ quan khiến bệnh không được phát hiện sớm. Trong số những người đang mắc căn bệnh này có khoảng 71% không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát. Riêng với người cao tuổi, do sức khỏe không còn tốt so với thời trẻ nên bệnh có triệu chứng, dấu hiệu rõ ràng hơn và thường đi kèm với cao huyết áp hoặc tiểu đường.

Bên cạnh việc làm xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh chính xác, bạn có thể phát hiện bệnh dựa vào một số triệu chứng như: Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đau đầu/ngực, tim đập nhanh, thở gấp, tăng cân đột ngột nhưng sức lao động lại giảm sút, thường xuyên mệt mỏi.... Một số trường hợp khác còn có biểu hiện phát ban vàng dưới da, ban thường to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt, không đau, không ngứa.

2. Mỡ máu có lợi và có hại là như thế nào?

Bạn biết không, mỡ máu bao gồm 2 loại chính, đó là cholesterol và triglycerid. Trong đó, cholesterol rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể và gan chính là bộ phận tổng hợp cholesterol mỗi ngày, một phần nhỏ cholesterol được cơ thể hấp thu từ các loại thực phẩm như: trứng, sữa, não, thịt đỏ, mỡ động vật, nội tạng động vật… Cholesterol có các loại chính như sau: Cholesterol tốt (hay còn gọi HDL - High Density Lipoprotein) và cholesterol xấu ( LDL - Low Density Lipoprotein) và cholesterol toàn phần.

Mỡ máu hay lipid máu, gồm nhiều hai thành phần quan trọng nhất là cholesterol và triglycerid - (Ảnh: Internet).

- Cholesterol xấu: Nếu trong máu có quá nhiều LDL cholesterol sẽ tích tụ và tạo thành mảng bám trên thành động mạch, khiến mạch máu bị hẹp, cứng, giảm lưu thông máu, lâu dần gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

- Cholesterol tốt: Không chỉ có tác dụng giúp bảo vệ, làm thành động mạch mềm mại, lưu thông máu tốt hơn, mà còn giúp vận chuyển cholesterol xấu từ máu đến gan để phân hủy, góp phần làm giảm mức cholesterol trong máu.

- Cholesterol toàn phần: Là tổng lượng cholesterol xấu, cholesterol tốt và khoảng 20% triglyceride. Chỉ số cholesterol toàn phần thấp hoặc cao có thể là cơ sở để dự đoán tình trạng sức khỏe của bạn.

Cholesterol thường được đo bằng miligam trên mỗi decilit (mg/dL). Mức cholesterol được xem là lý tưởng là:

- Cholesterol toàn phần dưới 200 mg/dL

- Cholesterol xấu dưới 100 mg/dL

- Cholesterol tốt trên 40 mg/dL.

3. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến máu nhiễm mỡ

Việc nắm rõ những nguyên nhân phổ biến dẫn đến máu nhiễm mỡ sẽ giúp bạn dễ dàng điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng, từ đó hạn chế mắc phải tình trạng máu nhiễm mỡ. Theo các chuyên gia, dưới đây là những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng máu nhiễm mỡ.

- Yếu tố di truyền: Máu nhiễm mỡ có yếu tố di truyền. Vì thế, nếu gia đình bạn có người thân (ông bà, bố mẹ) bị mỡ máu cao, thì bạn cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này. Bên cạnh đó, một số gia đình còn gặp phải tình trạng tăng cholesterol máu gia đình (Familial Hypercholesterolemia - gọi tắt là FH). FH là một thể bệnh cholesterol cao di truyền khiến người bệnh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gay từ nhỏ.

- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Được biết, chế độ ăn thiếu khoa học, kém lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng máu nhiễm mỡ. Để hạn chế mắc máu nhiễm mỡ, bạn cần tránh bổ sung quá nhiều các chất béo bão hòa (thường có trong thịt bò, thịt lợn, trứng, sữa…), thức ăn nhanh, đồ đóng hộp, thực phẩm chứa quá nhiều bơ, hàm lượng chất béo cao…

Nạp quá nhiều chất béo xấu là một trong những nguyên nhân gây nên máu nhiễm mỡ - (Ảnh: Freepik)

Đặc biệt, nam giới có thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia khi gặp gỡ bạn bè cũng có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ, do một số chất trong rượu bia, thuốc lá làm giảm mức cholesterol tốt và làm hỏng lớp niêm mạc mạch máu, tăng nguy cơ xơ cứng động mạch.

- Béo phì: Tình trạng béo phì, thừa cân có thể làm giảm nồng độ cholesterol tốt và làm tăng nồng độ cholesterol xấu, từ đó tăng nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ.

- Chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Thói quen ngồi nhiều một chỗ, dành nhiều giờ liền bên thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng thay vì tập thể dục có thể dẫn đến béo phì, thừa cân, máu nhiễm mỡ. Những người thường gặp căng thẳng, áp lực trong công việc cuộc sống cũng dễ có nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ.

- Bệnh lý khác: Một số bệnh có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể như: Tiểu đường, nhược giáp, bệnh thận hoặc gan...

- Tình trạng mãn kinh ở phụ nữ: Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, lượng hormone estrogen trong cơ thể của chị em phụ nữ sẽ có sự thay đổi đột ngột. Điều này không những ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo, mà còn góp phần làm tăng lượng cholesterol xấu, tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch.

4. Máu nhiễm mỡ dẫn đến các bệnh gì và hậu quả thế nào?

Tuy máu nhiễm mỡ không gây tử vong trực tiếp cho người bệnh, nhưng nếu không cải thiện kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác đối với sức khỏe của người bệnh. Một số bệnh thường gặp khi bị máu nhiễm mỡ có thể kể đến như:

- Đái tháo đường: Máu nhiễm mỡ và bệnh đái tháo đường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giải thích về mối liên hệ này, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ số cholesterol tốt thấp, cholesterol xấu cao kết hợp cùng chỉ số triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường...

- Viêm tụy: Khi bị máu nhiễm mỡ, hàm lượng triglyceride sẽ tăng rất cao, điều này có thể gây viêm tuyến tụy. Viêm tụy là một trong những biến chứng nguy hiểm, thường biểu hiện bằng các triệu chứng như: đau bụng dữ dội, nôn mửa, sốt cao, tim đập nhanh…

- Bệnh tim mạch: Máu nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân chính gây nên xơ vữa động mạch, lâu dẫn sẽ khiến lượng máu cung cấp cho tim giảm, khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, thậm chí là tử vong.

- Cao huyết áp: Như đã chia sẻ, máu nhiễm mỡ làm cản trở đường lưu thông của máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

- Ngoài ra, máu nhiễm mỡ còn là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm chức năng gan, đau nhức và tê chân, làm giảm chức năng sinh lý ở cả nam và nữ. Và thực tế, có đến 80% các trường hợp nam giới bị máu nhiễm mỡ có biểu hiện rối loạn cương dương.

5. Để phòng tránh máu nhiễm mỡ cần làm gì?

Để phòng tránh máu nhiễm mỡ, bạn cần thay đổi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống sao cho thật khoa học và lạnh mạnh.

Về dinh dưỡng:

- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa chất béo bão hòa như: Thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các loại thịt màu đỏ, da động vật, bánh ngọt và bánh quy, khoai tây chiên, bánh rán, kem, pudding… Thay vào đó, bạn nên bổ sung các loại chất béo tốt từ dầu hạt thực vật, chất béo không bão hòa có trong dầu oliu, quả bơ, dầu đậu nành, cá hoặc các loại cá béo (cá hồi, cá thu…)

- Tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây, yến mạch để cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng tốt cho cơ thể. Các dưỡng chất này không những tốt cho hệ tiêu hóa, đào thải độc tố mà còn làm giúp ngăn lượng cholesterol xấu tăng cao.

Để phòng ngừa máu nhiễm mỡ bạn cần biết kiểm soát ăn uống, bổ sung nhiều rau xanh và chất béo tốt từ thực vật - (Ảnh: Freepik)

- Bổ sung thêm tỏi vào chế độ ăn hàng ngày: Trong tỏi chứa nhiều chất được chứng minh là có tác dụng giúp giảm lượng cholesterol trong máu.

- Hạn chế ăn tối muộn: Ăn tối quá muộn sẽ khiến cơ thể không kịp tiêu hóa hàm lượng cholesterol từ thức ăn và đọng lại tại thành động mạch. Tình trạng này lâu ngày có thể gây máu nhiễm mỡ và xơ vữa động mạch.

Về chế độ sinh hoạt

- Kiên trì tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày có thể cải thiện tình trạng cholesterol xấu tăng cao. Vì thế, thay vì lười biếng vận động, bạn nên tăng cường tập thể dục đều đặn hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với thể chất và sở thích cá nhân như: đi bộ, chơi cầu lông, tập yoga…

- Duy trì mức cân nặng hợp lý, không để tăng cân quá mức. Trong trường hợp bạn đang thừa cân, hãy bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống, lối sống để cải thiện cân nặng, góp phần giảm lượng cholesterol xấu trong máu.

- Hạn chế stress, căng thẳng quá mức.

- Đặc biệt, đừng quên khám sức khỏe định kỳ, mỗi 6 tháng một lần để phát hiện sớm các bất thường của cơ thể, để từ đó có cách cải thiện và điều trị hợp lý, hiệu quả.


6. Nếu đã bị máu nhiễm mỡ cần làm gì?

Máu nhiễm mỡ tuy nguy hiểm, nhưng có thể cải thiện và điều trị dựa vào việc sử dụng thuốc và duy trì lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh. Vì thế, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện bất thường bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy bạn bị máu nhiễm mỡ, bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp, điển hình như dùng thuốc (Statins, niacin, nhựa gắn acid mật) để là giảm mức cholesterol xấu trong máu. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng cholesterol máu cao, chế độ ăn và sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, bạn cần biết cách bổ sung và kiểm soát ăn uống một cách lành mạnh., nên ăn những loại thực phẩm có chứa cholesterol thấp như: rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, nên ăn nhạt, kiêng thức ăn chứa nhiều chất béo… Ngoài ra, để không trở thành nạn nhân của bệnh máu nhiễm mỡ, bạn cần hạn chế hút thuốc lá, tránh uống nhiều bia rượu, căng thẳng quá mức nhé!

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/nhung-dieu-can-biet-ve-mau-nhiem-mo--can-benh-thoi-dai-40-31520/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY