Rau má
Dùng ăn sống hay nấu canh đều tốt. Nếu nấu cháo thì dùng rau má tươi 100 g, đậu xanh 50 g, gạo tẻ 50 g, nấu ăn nóng với ít muối hoặc đường. Những món này đều có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, thường dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, lỵ, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy, ho, dãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu, sản phụ ít sữa…
Rau càng cua
Còn gọi là rau tiêu, mọc nhiều ở nơi ẩm thấp. Rau càng cua rửa sạch, chấm với các món kho hoặc mắm; làm gỏi bằng cách trộn với tép bạc tươi, thịt ba chỉ luộc, đậu phộng rang giã dập và rau húng quế, làm món xà lách với thịt bò, dầu giấm, trứng luộc; với cá mòi đóng hộp và hành tây…, đều là những món giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, giải khát. Tuy nhiên, lưu ý là loại rau này không thích hợp cho những người sỏi thận.
Chùm bao
Còn gọi là lạc tiên. Dân quê thường hái ngọn và trái, lá non dùng làm món luộc, xào, nấu canh với cá rô đồng. Những món này có tác dụng an thần, giải độc, chống dị ứng.
Lá lốt
Dùng ăn sống hoặc làm gia vị nấu canh cá, chả cá, lươn, ếch, ba ba, ốc, hến… vừa tạo hương vị thơm ngon vừa khử bớt khí hàn, khí thấp của thực phẩm, giảm bớt mùi tanh, giúp tiêu thực và chống dị ứng. Lá lốt gói các loại thịt như bò, heo, vịt, cua, cá, lươn, ốc… để nướng, chiên; làm rau xào thịt bò, heo, cá, lòng gà… rất ngon miệng, bổ dưỡng.
Bồ công anh
Làm rau ăn tươi, hấp chín, nấu canh hoặc nấu cháo… giúp nhuận gan, mật, giải độc, lợi tiểu, tăng cường sức đề kháng, chống loãng xương.
Rau dền
Rau dền dại có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, sát trùng, giải độc. Trong lá rau chứa hàm lượng vitamin A, B, C, PP, nhiều protid đặc biệt là lysin với hàm lượng cao hơn bắp, lúa mì và đậu tương.
Mỗi ngày dùng 200 đến 500g rau dền luộc ăn và uống cả nước giúp thông tiểu, nhuận trường, chữa táo bón, kiết lỵ, dị ứng, mẩn ngứa, côn trùng đốt. Sử dụng hoa và hạt rau dền có tác dụng chữa phong nhiệt, mắt mờ.
Rau đắng đất
Rau đắng đất có vị đắng, tính mát, giúp nhuận gan, thông tiểu, trị kinh phong. Ngoài ra, rau được dùng để chữa các bệnh như viêm gan vàng da, nổi mề đay, sốt. Bạn nên hái lúc cây chưa ra hoa, rửa sạch, ăn sống hoặc làm rau ăn kèm với món cháo cá lóc. Mỗi ngày dùng 50-100 g nấu canh hoặc sắc lấy nước uống.
Rau tầm bóp
Tầm bóp vốn là cây rau dại mọc hoang, thường được các cụ ngày xưa hái về làm thực phẩm. Cây tầm bóp chứa nhiều chất đạm, chất béo, chất xơ, canxi, sắt, vitaminA, vitamin C...
Bên cạnh đó, đây cũng là một loại thần dược nhờ có tính kháng khuẩn, chống ung thư, chống đông máu, chống bệnh bạch huyết, chống nấm và vi khuẩn, chống co, chống ung bướu, kháng siêu vi khuẩn, hạ huyết áp...
Tại đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, cây tầm bóp rất được ưa chuộng, 1kg quả tầm bóp có giá bán lên tới hơn 700.000 đồng tính ra tiền Việt Nam.
Rau dớn
Rau dớn là một loại rau mọc dại và ít có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, rau dớn là một vị thuốc quý trong Đông Y, có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Loại rau này được sử dụng trong đông y để chữa giảm đau cơ xương khớp, đau xương vì nó có một số chất có thể ức chế vi khuẩn, giải độc và khử trùng, giảm đau.
Khi thu hái, người ta lấy lá non, ngọn non dùng luộc, nấu canh, xào thịt, làm nộm cũng có thể dùng ăn sống. Còn thân thì được phơi khô sắc lấy nước uống để giảm đau. Ngoài ra, loại cây này được xem là cây thuốc quý được dùng để chữa thận hư, tiêu chảy, bong gân, tụ máu sai khớp, phong thấp, cầm máu...
Rau sam
Rau sam có vị chua hơi đắng, tính mát, chứa nhiều glycosit, saponin, chất nhầy, axít hữu cơ, muối kali và nhiều vitamin như A, B1, B2, C, PP. Rau được xem là vị thuốc giải độc, ngăn ngừa chảy máu, giúp cầm máu nhanh, có thể làm giảm lượng đường trong máu, duy trì lượng đường trong máu liên tục.
Rau sam có vai trò rất lớn trong việc giải nhiệt, làm mát cơ thể, đường ruột, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Rau sam tốt nhất nên luộc, nấu canh hoặc làm salat, xào lên để ăn.
Rau lủi rừng
Là loại rau mọc tự nhiên thường thấy ở vùng đồi núi Gia Lai hay vùng Trà My -Quảng Nam, rau lủi rừng có thân cây màu tím, lá hình răng cưa cùng vị rau thơm mùi thuốc bắc đặc trưng khá lạ miệng.
Theo Đông y, rau lủi rừng tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm... Rau có thể chế biến thành nhiều món ngon như canh rau lủi nấu tôm, rau lủi xào thịt bò… đem lại màu xanh đẹp mắt cùng vị ngọt, hơi nhơn nhớt nhưng giòn sừn sựt hấp dẫn vô cùng.
Rau rút dại
Cũng là một trong các loại rau dại miền Tây đặc trưng, rau rút dại xuất hiện phổ biến trên các sông, hồ. Lá của loại rau này nhỏ hơn lá me còn thân thì có các đoạn xốp trắng giúp chúng nổi trên mặt các con nước.
Vào mùa hè, cây rau rút dại nấu canh với khoai sọ, riêu cua hay với tôm, thịt đều cho ra những món ăn bổ mát, ngon miệng và đưa cơm cho cả nhà.
Thanh Thanh
Theo tạp chí Sống khỏe
Chủ đề liên quan: