Dinh dưỡng hôm nay

Những lợi ích của chôm chôm đối với sức khỏe con người

Chôm chôm là loại quả đặc trưng và quen thuộc đối với những nước thuộc vùng nhiệt đới như Việt Nam. Thế nhưng, ít ai trong chúng ta biết được những lợi ích của chôm chôm đối với sức khỏe thần kỳ mà loại trái cây này mang lại cho con người.

Không chỉ là một loại trái cây thơm ngon vào mùa hè, chôm chôm còn được biết đến như một loại thảo dược trị bệnh trong Đông y. Giàu các chất dinh dưỡng và vitamin, chôm chôm mang đến cho chúng ta những công dụng bất ngờ.

Dưới đây là các lợi ích của chôm chôm đối với sức khỏe con người mà có thể bạn chưa biết:

1. Hỗ trợ sản xuất tế bào máu

Chôm chôm có giúp cải thiện tình trạng chóng mặt do thiếu máu

Chôm chôm chứa sắt và đồng, hai loại khoáng chất có tác dụng kích thích cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu và bạch cầu, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cũng như các triệu chứng chóng mặt, đau đầu do thiếu máu gây ra.

2. Thải độc thận

Thận có nhiệm vụ thanh lọc và đào thải các độc tố trong cơ thể qua đường nước tiểu. Chính vì vậy, đây cũng là cơ quan có khả năng tích tụ khá nhiều độc tố trong cơ thể. Chất khoáng phốt pho có nhiều trong chôm chôm có khả năng loại bỏ các độc tố bị tích tụ trong thận này. Bên cạnh đó, loại chất này còn có công dụng bảo trì và kích thích các mô tế bào trong cơ thể tái tạo và phát triển.

3. Ngăn ngừa ung thư

Chôm chôm rất giàu vitamin C và các hoạt chất chống ôxy hóa mạnh, giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh ung thư. Ngoài ra, vitamin C cũng góp phần cải thiện sức đề kháng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể chúng ta, góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

4. Hỗ trợ điều trị bệnh đường huyết

Tuy những người có lượng đường huyết cao không nên ăn chôm chôm, thế nhưng hạt và vỏ chôm chôm lại được sử dụng như những loại dược liệu không thể thiếu trong các bài thuốc trị tiểu đường của Y học cổ truyền.

Trong Đông y, hạt chôm chôm được gọi là thiều tử, có vị ngọt, tính ấm và nguồn cung cấp dồi dào của các loại chất béo không no như olein và arachidin. Hạt chôm chôm thường được xay thành bột, và sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.

5. Loại bỏ ký sinh trùng

Chôm chôm chứa các hoạt chất có tính sát khuẩn và sát trùng cao, do đó có khả năng tiêu diệt các ký sinh trùng có trong đường ruột, hỗ trợ các hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Khả năng sát khuẩn của chôm chôm cũng giúp làm lành nhanh chóng các vết lở loét và các vết thương trên cơ thể.

6. Bổ sung năng lượng

Lượng carbohydrat và protein cao chứa trong quả chôm chôm sẽ bổ sung năng lượng tức thì cho cơ thể. Bên cạnh đó, chôm chôm chứa rất nhiều nước, có tác dụng rất tốt trong việc cấp nước cho cơ thể, xoa dịu cơn khát và giải nhiệt cho cơ thể. Chính vì thế, đây là loại quả lí tưởng cho những người chơi thể thao và tập luyện các bộ môn vận động cao.

7. Tốt cho da và tóc

Chôm chôm có tác dụng rất tốt trong việc làm đẹp

Chôm chôm chứa nhiều vitamin và các chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa của da. Bên cạnh đó, lượng nước có trong chôm chôm cũng sẽ giúp da căng mịn và tràn đầy sức sống.

Đối với da đầu và tóc, những hoạt chất có tính sát khuẩn cao có trong loại quả này sẽ giúp cải thiện các vấn đề về gàu và bong tróc da đầu. Các vitamin và khoáng chất sẽ nuôi dưỡng mái tóc óng ả, khỏe mạnh. Để chăm sóc tóc bằng chôm chôm, bạn chỉ cần chăm chỉ thoa nước ép của loại trái cây này lên tóc và massage từ 15 đến 20 phút trước khi gội đầu như bình thường.

8. Tốt cho xương

Vì chứa nhiều canxi và phốt pho, hai loại chất khoáng giúp củng cố và duy trì khối lượng xương cho cơ thể, nên chôm chôm cũng có lợi ích rất tốt cho xương. Các chất dinh dưỡng chứa trong xương sẽ góp phần hỗ trợ nuôi dưỡng xương và giúp xương chắc khỏe hơn.

9. Giảm các phản ứng khi thai nghén

Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu thường gặp phải những tình trạng khó chịu như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Một cách đơn giản giúp giải quyết những tình trạng khó chịu này chính là hãy thưởng thức một trái chôm chôm.

Vị chua ngọt dịu của chôm chôm sẽ cải thiện đáng kể cảm giác buồn nôn và chóng mặt mà các bà bầu thường mắc phải. Bên cạnh đó, chôm chôm cũng chứa nhiều sắt và vitamin E, giúp giảm thiểu tình trạng chóng mặt do thiếu máu ở bà bầu và hiện tượng ngứa ngáy khi mang thai.

Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng nên lưu ý không được ăn những trái chôm chôm quá chín vì sẽ chứa nồng độ cồn cao, không tốt cho mẹ và bé và không ăn quá nhiều chôm chôm gây nóng trong người. Đặc biệt, những mẹ bầu có lượng đường huyết cao cũng không nên sử dụng loại trái cây này.

10. Giảm cân

Là loại trái cây có chứa nhiều chất xơ và ít calo, không khó hiểu khi chôm chôm có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Lượng nước và carbohydrat có trong chôm chôm sẽ tạo ra cảm giác no cho cơ thể, khiến cho các chị em đang trong quá trình giảm cân sẽ hạn chế được việc ăn uống, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho việc giảm cân cũng như kiểm soát cân nặng của chị em phụ nữ.

***

Lưu ý khi ăn chôm chôm

Tuy chôm chôm rất tốt cho sức khỏe, thế nhưng chúng ta không nên ăn quá nhiều chôm chôm trong một thời gian ngắn để tránh gây nóng trong người. Ngoài ra, nên hạn chế cho trẻ em ăn các loại quả có hạt như chôm chôm vì rất dễ bị hóc, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bé.

Cách chọn mua chôm chôm không bị thúc chín bằng hóa chất

Hiện nay, các chị em thường rất hoang mang và lo lắng khi chọn mua chôm chôm bởi thực trạng các lái buôn ép chín chôm chôm bằng hóa chất. Sau đây là các mẹo nhận biết chôm chôm bị thúc chín bằng hóa chất mà chúng ta nên biết để có thể bảo vệ cho sức khỏe của chính mình cũng như các thành viên trong gia đình.

Vỏ chôm chôm:

Nên chọn mua chôm chôm có vỏ dày, cứng màu vàng đỏ, các gai tươi và không bị héo

Hãy quan sát kỹ trước khi mua, thông thường, khi chôm chôm chín cây, các gai nhỏ trên vỏ vẫn còn tươi và khỏe, sau khoảng 2-3 ngày hái xuống vẫn không hề bị héo, khiến trái chôm chôm nhìn khỏe và đẹp.

Ngược lại, chôm chôm bị ép chín bằng hóa chất thường sẽ có phần gai nhỏ héo đi, trong khi cành và lá chôm chôm vẫn xanh tươi như mới.

Chúng ta cũng có thể thử bóp vào phần vỏ quả khi mua. Nếu vỏ cứng, không bị hóp, không úng nước, vỏ quả nên có màu đỏ sáng, gai quả tươi, không bị thâm hay héo thì đó chính là những quả chôm chôm ngon và chín tự nhiên.

Ruột chôm chôm:

Khi tách đôi trái chôm chôm, nếu có nước chảy ra, và phần ruột chôm chôm bị vữa thì đó là loại chôm chôm bị chín ép. Tế bào chôm chôm rất dễ tổn thương, nếu không được chịu các tác động từ bên ngoài để thúc chín sẽ khiến các tế bào vỡ ra và gây nên hiện tượng chảy nước khi chúng ta bóc vỏ quả ra. Ngoài ra, nếu ruột chôm chôm có màu ố vàng, thì đó là quả chôm chôm đã bị hỏng và không nên sử dụng.

Quả chôm chôm ngon, chín cây khi bóc vỏ sẽ có phần ruột dày, màu trắng đục, phần ruột quả cũng không có màu hay hiện tượng gì bất thường sau khi bóc vỏ.

Mùi vị:

Chôm chôm chín ép bằng thuốc thường rất nhạt, đôi khi sẽ rất chua, có phần ruột vỏ dính chặt vào hạt. Ngược lại, chôm chôm chin cây sẽ có vị chua ngọt đặc trưng, ruột dày, dễ tách khỏi hạt và có mùi thơm nhẹ dễ chịu.

Để bảo quản những trái chôm chôm tươi ngon để có thể sử dụng lâu dài, chúng ta có thể rửa sạch chôm chôm, tách bỏ vỏ và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần từ 2-3 ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngâm ruột chôm chôm trong lọ kín với axit citric và đường để có thể bảo quản chôm chôm lên đến 12 tháng ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.

Biến tấu chôm chôm thành những món ngon thú vị cho cả gia đình với các công thức sau đây:

1. Sinh tố chôm chôm

Nguyên liệu:

- 500 gam chôm chôm

- Nước cốt dừa

- Đường

- Đá bào

Cách làm:

Bước 1: Chôm chôm rửa sạch, bóc vỏ và tách hạt, chỉ giữ lại phần ruột.

Bước 2: Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị: chôm chôm, nước cốt dừa, đường (tùy khẩu vị) và đá bào vào máy xay sinh tố, sau đó xay nhuyễn.

Bước 3: Đổ sinh tố ra ly và thưởng thức.

2. Chè chôm chôm

Nguyên liệu:

- 500g chôm chôm

- Đường (tùy khẩu vị)

- 1 thìa cà phê muối

- 2-3 giọt tinh dầu hoa nhài

- Nước Đá

Cách làm:

Bước 1: Chôm chôm rửa sạch, bóc vỏ và tách bỏ hạt.

Bước 2: Xếp phần ruột chôm chôm đã bỏ hạt vào đĩa.

Bước 3: Bật bếp, cho vào nồi một cốc nước lọc, sau đó cho đường, muối và tinh dầu hoa nhài vào theo khẩu vị của bạn. Sau đó khuấy đều cho tan.

Bước 4: Cho nước đá vào một chiếc cốc lớn, sau đó xếp phần ruột chôm chôm lên trên và rưới phần nước đường đã chuẩn bị vào. Như vậy, chúng ta đã có một món chè chôm chôm ngâm nước đường đơn giản và thơm ngon cho mùa hè.

3. Rau câu chôm chôm

Nguyên liệu:

- 30 gam bột rau câu

- 500 gam đường

- 1 ký chôm chôm

- 1 lít nước sôi để nguội

- Khuôn đổ rau câu.

Cách làm:

Bước 1: Rửa sạch chôm chôm, bóc vỏ và tách hạt.

Bước 2: Xếp phần ruột chôm chôm vào các khuôn đổ rau câu đã chuẩn bị.

Bước 3: Khuấy tan bột rau câu, đường với 1 lít nước sôi để nguội, sau đó bắt lên bếp và đun sôi trong khoảng 10 - 15 phút. Chú ý khuấy đều tay để không bị dính nồi. Sau khi hỗn hợp đã sôi đúng thời gian quy định, tắt bếp và để nguội khoảng 5 phút.

Bước 4: Múc rau câu vào khuôn và cho vào tủ lạnh từ 2-3 tiếng. Sau đó thưởng thức thành phẩm.

Tuy lợi ích của chôm chôm đối với sức khỏe con người rất nhiều, thế nhưng chúng ta cần lưu ý không nên ăn quá nhiều chôm chôm để tránh các triệu chứng khó chịu khi nóng trong người. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể biến tấu chôm chôm thành những món ăn độc đáo, mới lạ để giải nhiệt cho cơ thể và tạo ra những món ăn thú vị cho mùa hè sôi động.

Hạnh Nguyên

Theo Tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/nhung-loi-ich-cua-chom-chom-doi-voi-suc-khoe-con-nguoi-25898/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY