Dinh dưỡng hôm nay

Những quy tắc để trữ đông thực phẩm mà vẫn duy trì chất lượng, bảo đảm độ tươi ngon

Trữ đông hay cấp đông là phương pháp phổ biến và tiện lợi để bảo quản thực phẩm, đặc biệt trong mùa dịch này, chúng ta không ra ngoài nhiều thì phương pháp này lại càng cần thiết. Nếu biết cách trữ đông, thực phẩm sẽ vẫn giữ được chất dinh dưỡng, hương vị và độ tươi ngon.

Sử dụng lạnh để giúp bảo quản thực phẩm đã có từ thời tiền sử khi con người sử dụng băng tuyết để bảo quản đồ họ săn bắt được. Chúng ta cùng tìm hiểu về phương pháp này nhé.

Trữ đông là phương pháp phổ biến và tiện lợi để bảo quản thực phẩm - (Ảnh: Internet).

Tại sao đông lạnh có thể bảo quản thực phẩm và giữ nó an toàn?

Cấp đông làm chậm sự hư hỏng và giữ an toàn cho thực phẩm bằng cách ngăn chặn vi sinh vật phát triển và làm chậm hoạt động của enzym gây hư hỏng thực phẩm. Khi nước trong thực phẩm đóng băng thành các tinh thể đá, các vi sinh vật sẽ không thể phát triển được. Tuy nhiên, hầu hết các vi sinh vật, (ngoại trừ ký sinh trùng), vẫn còn sống khi đông lạnh nên thực phẩm phải được xử lý an toàn cả trước khi cấp đông và sau khi rã đông.

Đông lạnh có tác dụng gì đối với thành phần dinh dưỡng của thực phẩm?

Việc đông lạnh ảnh hưởng rất ít đến hàm lượng chất dinh dưỡng của thực phẩm. Vì vậy, chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm đông lạnh phụ thuộc vào chất lượng thực phẩm trước khi cấp đông. Do đó, cần chú ý khâu lựa chọn thực phẩm. Nếu thực phẩm có chất lượng tốt nhất và được đông lạnh đúng cách thì khi sử dụng vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị của thực phẩm. Ngoài ra, nếu thời gian để đông lạnh càng ít thì sẽ giúp giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng hơn trong thực phẩm.

Những loại thực phẩm nào không nên trữ đông lạnh?

Việc đông lạnh có thể làm hỏng một số loại thực phẩm vì sự hình thành các tinh thể nước đá gây vỡ màng tế bào. Điều này có nghĩa là thực phẩm vẫn an toàn khi trữ đông, tuy nhiên thực phẩm sẽ mất đi độ giòn hoặc độ cứng của nó. Ví dụ về thực phẩm không chịu được đông lạnh tốt bao gồm rau xà lách, nấm và trái cây mềm.

Bên cạnh đó, thực phẩm có hàm lượng chất béo cao hơn, chẳng hạn như kem và một số loại nước sốt, có xu hướng tách ra khi đông lạnh.

Thực phẩm có thể để trong ngăn đá bao lâu?

Thực phẩm có thể được bảo quản an toàn trong tủ đông gia đình từ 3 đến 12 tháng mà không bị giảm chất lượng. Thời gian khác nhau tùy thuộc vào thực phẩm.

Thông thường thời hạn bảo quản các loại thịt lợn, thịt bò, gà nên sử dụng trong vòng 3 - 12 tháng; Cá, hải sản từ 3- 6 tháng; Các loại quả mọng nước khoảng 3 tháng; Các loại quả khác từ 9 - 12 tháng; Các loại rau 6- 12 tháng…

Một vài nguyên tắc khi trữ đông và rã đông

- Tủ đông nên được giữ ở nhiệt độ hoặc dưới -18 độ C.

- Sử dụng chất liệu an toàn để bảo quản thực phẩm, ví dụ hộp nhựa PP hoặc thủy tinh. Túi zip chất liệu PE hoặc HDPE cũng an toàn cho thực phẩm.

- Trữ đông trong hộp kín khí và cố gắng để lưu lại càng ít không khí trong hộp càng tốt.

- Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh hoặc lò vi sóng để đảm bảo chất lượng thực phẩm không bị suy giảm. Và rã đông rồi thì không cấp đông lại lần nữa.

- Nếu trữ đông thực phẩm đã chế biến thì cần làm nguội nhanh và cấp đông sớm, vì để càng lâu lại càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Tránh để thực phẩm nóng thẳng vào ngăn đá vì điều này sẽ làm tăng nhiệt độ ngăn đá và có thể ảnh hưởng xấu đến các thực phẩm khác.

Có thể nói trữ đông là phương pháp rất hữu ích trong mùa dịch này. Tuy nhiên, để thực phẩm trữ đông vẫn tươi ngon và duy trì chất lượng, cả nhà nhớ lưu ý các nguyên tắc trên đây nhé. Chúc cả nhà luôn khoẻ mạnh trong mùa dịch.

Xem thêm:

7 loại thực phẩm có thể trữ đông trong mùa dịch COVID-19

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/nhung-quy-tac-de-tru-dong-thuc-pham-ma-van-duy-tri-chat-luong-bao-dam-do-tuoi-ngon-31799/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY