Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những sai lầm nguy hiểm mắc phải khi dùng ấm siêu tốc, đã có người tử vong vì lỗi này

Hiện nay, ấm siêu tốc là sản phẩm quen thuốc và được ưa chuộng bởi rất nhiều gia đình ở Việt Nam vì sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng thường mắc sai lầm khiến ấm siêu tốc nhanh hỏng, gây mất an toàn.

Bình đun siêu tốc (ấm siêu tốc) hiện tại là thiết bị gia dụng quen thuộc với hầu hết mọi gia đình người Việt. Tuy nhiên, bạn đừng chủ quan, dù nó chỉ là một vật dụng nhỏ nhưng nếu sử dụng đúng cách sẽ rất nguy hiểm, thậm chí là mất mạng. Đã có không ít những cái chết thương tâm liên quan tới ấm siêu tốc. Điển hình phải kể tới vụ việc xảy ra vào năm 2016, nam sinh viên năm 3 của trường ĐH Y – Dược Thái Nguyên tử vong do điện giật ấm siêu tốc gây nên

Thực tế, có khá nhiều người chưa biết cách sử dụng bình siêu tốc như thế nào cho đúng. Vậy nên, mọi người tìm ra những sai lầm khi sử dụng bình đun siêu tốc cũng như cách khắc phục sự cố tăng độ bền sản phẩm và an toàn cho người sử dụng dưới đây nhé!

Những sai lầm thường mắc phải khi sử dụng ấm siêu tốc

- Cắm ấm khi tay còn ướt

Giống với mọi thiết bị điện khác, việc dùng tay ướt chạm vào ấm siêu tốc rất dễ bị điện giật hoặc mất cả tính mạng nếu ngay lúc đó có điện rò rỉ ra bên ngoài. Bởi vậy, nên để cho tay khô ráo và rút phích cắm trước khi chạm vào ấm siêu tốc.

Đồng thời, cũng không được để ấm hoặc ổ điện gần nơi có nước hoặc những nơi trong nhà tắm như bồn rửa mặt, sàn nhà…

- Đun nước liên tục

Nhiều người sai lầm khi cho rằng nấu nước liên tục sẽ tiết kiệm được nhiên liệu khi ấm đang nóng sẵn. Hoặc, đôi khi vì cần gấp chúng ta thường đun hết ấm này đến ấm khác, không để cho ấm nghỉ ngơi.

Nấu nước liên tục sẽ dẫn đến mâm nhiệt quá nóng, dễ bị cháy, chập điện. Do đó, phải cho ấm đun nghỉ một thời gian ngắn, hạ bớt nhiệt, sau đó mới cho nước mới vào đun tiếp.

Nhiều trường hợp đun nước trong một thời gian dài, rơle nhiệt sẽ tự động ngắt mạch điện làm ấm đun ngừng hoạt động, dù có cắm phích điện vào nguồn nhưng không thấy đèn báo sáng. Bạn cần phải chờ một khoảng thời gian để ấm nguội lại thì mới sử dụng tiếp được.

- Không đập nắp ấm khi nấu

Ấm siêu tốc có rơ le tự động ngắt điện lúc nước sôi, nhưng nó cũng chỉ xảy ra khi ấm được đậy kín. Việc bạn không đậy nắp hoặc có đậy nhưng vẫn hở sẽ khiến rơ le không tự động ngắt điện, dù nước đã sôi nhưng vẫn tiếp tục đun, vừa gây lãng phí điện mà còn đặc biệt nguy hiểm hơn khi nước trào ra ngoài hoặc bị đun cạn khiến chập điện hoặc cháy nổ.

Ngoài ra, việc không đậy kín nắp cũng khiến một lượng nhiệt lớn bị thất thoát ra ngoài, quá trình làm nóng nước sẽ lâu hơn, tốn điện hơn.

- Không đổ đúng lượng nước quy định

Trên mỗi ấm siêu tốc đều có vạch min – max để quy định mức nước phù hợp khi đun. Nếu mức nước dưới vạch min (nhỏ nhất) sẽ khiến nước nhanh bị cạn, dễ tạo thành chất cặn trong đáy ấm.

Nếu nước bên trên vạch max (nhiều nhất) sẽ dễ làm nước bị trào ra ngoài, gây chập điện và rất nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

- Đổ cạn nước trong ấm sau khi sôi

Sau khi nước sôi, chúng ta hay có thói quen đổ hết nước trong ấm ra. Thói quen này cần được bỏ ngay lập tức bởi khi ấm nước sôi, tuy công tắc điện được ngắt nhưng mâm nhiệt vẫn tiếp tục sinh nhiệt. Nếu không chừa lượng nước trong ấm, mâm nhiệt rất nhanh hỏng. Tốt nhất, chúng ta nên để khoảng 20 ml nước trong ấm đun cho đến khi nguội hẳn rồi hãy trút cạn.

- Sử dụng ấm siêu tốc để nấu thức ăn

Ấm siêu tốc được tạo ra để đun nước chứ không có tác dụng nấu ăn như luộc trứng, nấu canh hay đun sữa… Việc sử dụng ấm cho các việc khác khiến cặn đóng vào thành ấm, giảm tuổi thọ sản phẩm mà thức ăn nấu ra sẽ không được chín hẳn.

- Không vệ sinh, để ấm đóng cặn

Nhiều người thường hay lười và nghĩ rằng ấm chỉ dùng đun nước sạch nên không cần vệ sinh. Thói quen xấu này sẽ khiến ấm dính cặn xung quanh, sản sinh vi khuẩn gây hại. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như độ mới của ấm, cần phải vệ sinh thường xuyên.

Cách khắc phục một số sự cố khi đun nước bằng ấm siêu tốc

- Ấm bị ngắt trước khi nước sôi

Khi gặp trường hợp này, bạn nên kiểm tra xem bên trong bình, đặc biệt là phía đáy bình xem có bị cặn bám hay không. Nếu cặn bám quá nhiều, đóng thành mảng sẽ khiến cho rơ le cảm biến nhiệt sai lệch hoặc không hoạt động dẫn đến tình trạng bình tự động tắt nguồn.

Cách duy nhất trong trường hợp này là làm sạch ruột bình, tẩy sạch các cặn bẩn, giúp rơ le cảm biến chính xác nhiệt độ sôi để ngắt điện.

- Ấm không ngừng đun kể cả khi nước đã sôi

Trong trường hợp này, bạn cần kiểm tra bộ lọc của miệng bình xem đã được lắp đúng cách chưa. Nếu bị lệch hoặc lắp sai, bạn cần chỉnh lại cho đúng.

Nếu không phải do bộ lọc thì có thể khi đun bạn đã không đóng chặt nắp khiến cho bình cứ đun mãi. Lý do cho việc phải đóng nắp là vì thiết kế nguyên lý hoạt động của rơ le cảm biến nhiệt là chỉ ngắt nguồn điện khi nắp đã đóng chặt lại.

- Ấm không hoạt động khi đã cắm điện và bật công tắc

Trong trường hợp bình siêu tốc không hoạt động có thể do bạn đổ chưa đủ lượng nước tối thiểu. Với một số loại sản phẩm, cảm biến sẽ khóa nguồn điện nếu trong bình không có nước hoặc có quá ít nước.

Bình đun siêu tốc không hoạt động cũng có thể do bạn đã sử dụng bình liên tục trong một khoảng thời gian dài.

Khi đun liên tục không ngừng sẽ khiến cho mâm nhiệt nóng liên tục, để đảm bảo an toàn, rơ le cảm biến sẽ tự động ngắt đến khi bình trở về trạng thái bình thường mới cho hoạt động lại.

- Xuất hiện vết rỉ sét phía bên trong bình

Thông thường, ấm đun nước không bao giờ có hiện tượng rỉ sét vì được làm inox không rỉ hoặc nhựa chịu nhiệt cao cấp. Trừ khi bạn đã mua phải ấm siêu tốc giá rẻ, kém chất lượng nên ruột bình không được làm bằng các chất liệu cao cấp dẫn đến tình trạng trên. Để tránh xảy ra trường hợp này, bạn cần chọn mua các sản phẩm của những thương hiệu uy tín.

- Bình siêu tốc kêu to khi đun, có mùi khét

Khi xuất hiện những hiện tượng như khi đun bình kêu to, có mùi khét thì bạn cần mua ngay một bình đun mới để thay thế.

Nếu bạn cố sử dụng sẽ vô cùng nguy hiểm vì tuổi thọ của bình đã hết, bình sẽ xuất hiện những hỏng hóc như chập điện, rò rỉ nước, cháy mâm nhiệt,....
Bạn cũng không nên đem bình đã hết hạn ra cửa hàng để sửa chữa vì chi phí sửa cao mà bình cũng không còn sử dụng được bao lâu nữa gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Nếu bình vẫn còn mới mà đã xuất hiện tình trạng trên thì bạn nên đem ra những trung tâm uy tín để sửa chữa, không nên tự ý tháo lắp, thay linh kiện thiết bị tại nhà có thể làm hỏng bình.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-sai-lam-nguy-hiem-mac-phai-khi-dung-am-sieu-toc-da-co-nguoi-tu-vong-vi-loi-nay-27456/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY