Những trang văn thanh tao mà xúc động |
Thời gian loang loáng trôi qua, cánh chim bay mải miết về nơi vô định cũng như tôi mãi thất lạc ở tận cuối chân trời. Biển trông bình lặng thế mà lòng sóng nôn nao, tôi lẻ loi cô độc âm thầm nhưng lòng luôn khắc khoải cồn cào. Mỗi ngày trôi qua quá nhanh nhưng khi nhìn lại mốc năm năm hay mười năm thậm chí hai mươi năm thì lại cảm thấy chẳng có sự thay đổi nào đáng kể, cứ như mình đang sống trong một bức tranh bạc phếch bị bụi thời gian bỏ quên trên gác xép hoặc dưới tầng hầm.
Ấy vậy mà một chiều cuối đông những tia nắng ấm áp xuyên qua khe cửa sổ, tôi đã bước ra khỏi bức tranh buồn tẻ ấy, tôi đi tìm tôi và vỡ òa vì đã tìm lại được chính mình, của những tháng năm rộn rã với biết bao kỷ niệm và hồi ức. Tôi có nơi chốn tìm về, khi tôi đọc Trang Thùy, xúc động. Tôi chiêm nghiệm về cuộc sống và bản chất bí ẩn của thời gian, của những người chúng ta yêu thương. Những chú chim chẳng biết đến lúc nào sẽ rời khỏi nơi này cũng như chúng ta chẳng thể nào quyết định khi nào mình đến lúc phải ra đi, thế nhưng khi đọc tản văn của người con gái Huế dịu dàng ghi lại những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống thì bỗng nhiên thấy mình cần phải biết quý trọng những giây phúc của hiện tại bởi tình yêu luôn ở gần chúng ta. Tôi cảm thấy không còn sợ thời gian dù nó đã làm gián đoạn các cuộc gặp gỡ, tôi biết đợi chờ khi xuân đến loài chim sẽ bay về và tôi biết đắm mình trong nhẫn nại và yêu thương.
Bởi hạn chế với bận rộn mưu sinh, tôi thích đọc ngắn và đọc có chọn lọc, tôi thích đưa mình vào những cung bậc cảm xúc và màu sắc đậm nhạt khác nhau, dù tác giả kể về những nỗi niềm riêng thì tôi vẫn thấy một phần của mình trong đó. Tản văn Trang Thùy là những nốt trầm, những phận đời tất bật ngược xuôi, là phong tục tập quán vùng miền, là tình nghĩa gia đình, là văn minh đô thị, giáo dục, người thật việc thật và là những nhặt nhạnh trên khắp nẻo đường xứ Huế được chị phác họa qua cái tôi trữ tình và kết cấu tự do ngắn gọn, hàm súc, thể hiện cốt cách cá nhân với giọng điệu và âm hưởng riêng. Đọc chậm “Thơm xứ thần kinh” đến lần thứ hai và thứ ba, cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên: rộn ràng, nhung nhớ, đắm say, suy tư, nghĩ ngợi, thương cảm và lâng lâng, nó làm tôi bồi hồi và những kỷ niệm tươi đẹp lẫn u buồn cứ thế mà ồ ạt kéo về.
Theo Nguyễn Thị Lê Khanh, tản văn và tạp văn thời Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân gần như chỉ dành cho những vị nhàn tản, tùy hứng nhưng các tập tản văn càng về sau càng được đón nhận nồng nhiệt hơn như của Đỗ Chu, Tô Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Phan Hách, Lê Minh Quốc, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Y Phương. Thời của tản văn lên ngôi, từ những tập sách đến cột báo nhỏ xinh và các blog nổi tiếng, độc giả đón chờ và đọc ngấu nghiến, do ưu thế dễ cảm, cô đọng, nhạy bén phản ánh cuộc sống tâm tư và khái quát được những vấn đề lớn trong xã hội.
Tản văn, tạp văn, bút ký và giới thiệu sách của Trang Thùy có gì đặc biệt mà khiến tôi xao xuyến đến thế. Khi tâm hồn đẹp thì bài viết cũng toát lên những điều lành. Chị phác họa nét văn hóa, phong cảnh, ẩm thực, con người xứ Huế, tình cảm gia đình cùng những ký ức tuổi thơ của mình qua lối viết gần gũi, ngôn ngữ mộc mạc giàu chất thơ, nhẹ nhàng của một người bươn chải bôn ba trong lòng miền Trung, của một cô gái có tâm hồn nhạy cảm, của một người mẹ người vợ người con tận tình, của một thành viên ca Huế và của một cô nàng mê trang phục áo dài lụa trắng. Nghe nói chị viết bằng điện thoại giữa những phút nghỉ ngơi của công việc bán dừa, phụ quán ăn bận rộn, giữa đêm khuya thức dậy hay bất chợt bắt gặp hình ảnh của một phận người giữa cõi trần chèo chống gian nan. Với người trực tiếp chứng kiến và trải qua nhiều cảnh để viết lên câu chuyện đời thường, người giữ gìn truyền thống văn hóa, ẩm thực, đạo đức, giáo dục và bộc lộ tình cảm của mình như thế, phải may mắn lắm chúng ta mới đọc được, những dòng chữ tươi mới tuông trào, thủ thỉ thầm thì mà thấm vào từng sợi dây tế bào xúc cảm, để ta thấy mình như đang hiện diện nơi ấy vào thời điểm ấy, để ta nhớ về, để ta hát lên và để ta biết quý yêu từng giờ từng khắc.
Trang Thùy viết gì ư? (1) Này là tiếng chuông thanh thoát hương lành, Đóa sen trong cõi tịnh, Tiếng trúc vi vu, và Mả khách, cho những tha nhân trên thế gian bao la này chân bước trên thảo nguyên xa vắng, soi bóng mình bên dòng suối mát hay đang đứng ở đỉnh đồi nhìn xuống đáy vực sâu, đang ám ảnh bởi một nỗi cô đơn dày vò hiu quạnh chợt thấy lòng nhẹ tênh và thanh khiết, những giấc mơ đong đầy hồn ma từ miền xa xôi kỳ bí quay trở lại với ký ức của một thời trẻ dại giữa im lặng ngút ngàn. (2) Này là Nghệ thuật hào soạn trong mâm cổ của người Huế, Nếp nhà và mâm cơm ngày giỗ, Mùi của Tết, Cà phê chiều, và Thú uống trà đêm ga Huế, hãy đọc đi và thưởng thức, nhất là những ai chưa từng đến xứ này và những du khách chỉ biết đến những điểm du lịch lớn nhỏ, phong vị và đặc trưng Huế là đây, tỉ ma tỉ mẩn, khéo léo, sáng tạo và nghệ thuật, giản đơn mà ấm áp. Khi tôi ngồi trong bếp và nhấp từng ngụm cà phê, hương cà phê thơm ngát và nghĩ đến cái rét run người ngày tôi đặt chân đến Huế mùa Tết, và rồi được sưởi ấm bởi biết bao sự kiện lớn nhỏ trong vài hôm dừng chân ngắn ngủi mà tràn đầy yêu thương. (3) Này là Thơm xứ thần kinh, Ai về cầu ngói Thanh Toàn, Về làng Sình, Làng nghề mây tre Bao La, Hồn gốm Phước Tích, Sắc xuân hoa giấy Thanh Tiên, phải là người tinh tế lắm mới biết cách chọn lọc đề tài vừa gần gũi, vừa cụ thể mà vừa làm ánh lên cái hào sảng của quê hương như Trang Thùy trong phạm vi đời sống mà chị để mắt đến, tìm hiểu, ghi lại và thổi hồn vào đó. Chị viết về một dân tộc chăm chỉ, giữ gìn truyền thống và cái nghề của cha ông từ đời này đến lớp khác dù qua bao thăng trầm của thiên tai, và kinh tế. Cá nhân tôi rất cảm động vì chị đi ra xa hơn thành phố, để viết về hồn Gốm Phước Tích, phía bên kia cầu Thạch Hãn của Mỹ Chánh làng tôi và nơi tôi đến rất nhiều lần, mắt tròn mắt dẹt ngưỡng mộ tài hoa của các nghệ nhân chân chất hiền lành, những chàng trai trẻ lặng lẽ quyết không vào Nam để giữ nghề truyền thống. (4) Này là Về Huế ăn hàng, Bánh ướt tôm chấy, Cơm hến bên Cồn, Gánh hàng vặt, Canh khoai từ nấu khuyết, Muối sả của mạ, Mùa nấm mối, phải là người miền Trung mới hiểu được và cảm nhận được trọn vẹn, mới tủm tỉm cười và tê tê đầu lưỡi như hương vị những món ăn thân quen còn đọng lại ấm áp và thương yêu, như khi mạ tôi mua cân sả và nguyên liệu để làm mấy hũ muối sả cho tôi mang sang Úc mà nước mắt lưng tròng. (5) Này là Xóm bông ơi! Mít vườn nhà, Trái bầu, Hương vườn, Vườn chậu, Hương bồ kết, Ngày mùa, Cây trứng gà, Rau chua me đất, Mùa vải, Hương bò bò, Lan móng tay, Hoa Tigon, Trò chơi thời trẻ con, Tôi đi ăn trộm, Coi cải lương, Chiếc lồng ấp, Cái tivi đời cũ, Rạp chiếu phim, Xe đạp Phượng Hoàng. Trang Thùy ưu ái dành một mảng không nhỏ các bài viết của mình cho các phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa, thú vui dân dã, món ăn, cây hoa lá cành, viết một cách trân trọng, tự nhiên, cởi mở và nhấn nhá lồng vào trải nghiệm cá nhân. Giữa cuộc sống bận rộn quay cuồng, bất ngờ chúng ta dừng lại để điểm qua và nhớ về một số chi tiết, hình ảnh, mùi vị đã từng gắn kết một thời. Chúng ta sinh ra với gió lốc và bão bụi, với biết bao biến cố và sự kiện, chúng ta cất tiếng hát loài chim, ngắm áng mây bay và nhìn thấy số phận của mình trong những hạt cát, và khi một đoàn tàu xình xịch lướt qua, bạn tự hỏi mình là ai và đang ở đâu và rồi những bài viết thế này bỗng dưng trả lời hết cho những suy tư của bạn, kéo bạn quay trở lại với bản chất của cái ngày bạn được sinh ra, khuấy động các giác quan và giúp bạn đặt xuống những gánh vác nặng nề để tận hưởng hương vị cuộc sống, dù chỉ trong chốc lát khi lật những trang sách, trong hành trình miệt mài của mình. (6) Này là Buồn vui nghề bán quán nhậu, Xích lô Huế, Người phu xe, Nghề bán dừa, bán hoa ngày Tết, Ai đậu hũ. Cảm hứng ngợi ca nét đẹp trong những sinh hoạt hàng ngày, trong công việc tìm kế sinh nhai, nhọc nhằn, vất vả, suy tư, trăn trở mà chính tác giả cũng là nhân vật, trải nghiệm, thấu hiểu và cảm thông đến từng chân tơ kẻ tóc. Trang Thùy còn viết gì nữa ư? Tiếng lòng của mẹ. Viết cho con trai, Suối nguồn hiếu hạnh; và Trịnh và những âm ba, Dân ca xứ Huế, Hát bội tuồng cổ. Cảm hứng ngợi ca tình người với những hi sinh, chân thật, nghĩa tình và đáng trân trọng, của những vất vả lo toan để đi đến đích của chân thiện mỹ và hình thành nhân cách trong truyền thống gia đình có trước sau trên dưới. Cảm hứng ngợi ca cái tôi của lao động miệt mài nhưng không quên trau dồi tính cách và dành ra một khoảng thời gian quý báu để theo đuổi một sở thích, một môn nghệ thuật. Ngoài ra Trang Thùy còn dành một mảng không nhỏ để quan tâm đến tác phẩm văn chương của bạn hữu và tình hình thời cuộc. Phần này, tôi để dành cho bạn tự đọc và khám phá.
Cũng như nhiều bài tản văn, tạp văn và bút ký khác, các bài viết của Trang Thùy có tính chất ngắn gọn theo kiểu kết cấu xâu chuỗi sự kiện và mạch liên tưởng với giọng trữ tình sâu lắng và đôi khi triết lý suy tư. Về sức nén ý tưởng và ôm trùm bao quát hiện thực thì vẫn chỉ trong phạm vi dung lượng nhỏ, ngắn, thiên về ghi chép và kể sự việc, điều này cũng có cái hay và tạo sự nhẹ nhàng thanh thản cho người đọc, ta thả hồn vào phiêu diêu theo từng con chữ, để rồi đọc xong một đoản văn và ngay khi gấp cuốn sách lại thì ta không phải suy tư và nghĩ ngợi quá nhiều ngoại trừ ta tự đưa mình chìm đắm trong kỷ niệm của ngày xưa, của bản thân và tự dẫn dắt mình vào một thế giới nội tâm riêng biệt. Tâm trạng của một người con đã từng đến Huế nhiều lần và cũng đã rời xa không biết đến khi nào, cảm xúc thật dâng trào, tôi vừa cảm thấy cô đơn vì phải đứng ngoài không gian sống động ấy, vừa run rẩy như một đóa quỳnh hương trong đêm, vừa khe khẽ đọc những câu thơ của chính mình, để tặng Trang Thùy và tập sách nhỏ bạn đang cầm trên tay, thay cho lời kết:
Và thế là mưa, mưa buồn mưa rơi trên phố, dáng ai gầy trong hoàng hôn ướt lạnh, chợt thương bạn mình dòng văn rịn mồ hôi. Và thế là thôi, qua rồi những lần bối rối, hoài cảm như dòng hải lưu, cuốn trôi mỗi người rất vội, thành phố chập chờn bất định như rêu. Và thế là đêm, đâu rồi tiếng gà cứ vài canh lại gáy, bà lưng còng chụm rơm, mơ màng khói luồn lau sậy, tiếng trẻ trở mình khóc ré đòi mẹ ru. Và thế là mảnh đời âm u, dây leo nào quấn quanh mong hồn đừng bay mất, nhớ quê là điều rất thật, gửi gió thanh tao xin nhận nắng hồng.
Cảm nhận khi đọc sách “Thơm xứ Thần kinh” của Trang Thùy
Chủ đề liên quan:
Thơm xứ Thần kinh