Kinh tế xã hội hôm nay

Niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm

Đây là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2019.
"Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ, sự chủ động điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá điện, giá sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, nguồn cung gạo dồi dào… là những yếu tố góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước.

Tính chung quý II/2019, CPI tăng 0,74% so với quý trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018, bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây"- Tổng cục Thống kê cho hay.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng khá 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng, niềm tin người tiêu dùng đạt mức kỷ lục, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những tháng tiếp theo.

Các giải pháp cho thời gian tiếp theo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6.8% gồm: Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào các thời điểm hợp lý để đảm bảo đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019, tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và có kiểm soát hạn chế tín dụng đen.

Kiểm soát dịch bệnh gia súc gia cầm ổn định sản xuất, tập trung lực lượng ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lan rộng đồng thời chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lợn chuyển sang các hoạt động chăn nuôi khác, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, tăng cường sản xuất đối với cây trồng ngắn ngày, đặc biệt các loại rau quả tăng ở thị trường trong nước và và thị trường xuất khẩu tốt. Khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp tạo giá trị gia tăng các khâu quản lý tốt chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường đầu ra, thủy sản cần gắn với sản xuất và chế biến, tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu thị trường để có những bước đi phù hợp.


Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng khá 6,76%. Ảnh minh họa.

Đồng thời, nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội với các dịch vụ thương mại thế hệ mới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu của hàng hóa tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2019, tháo gỡ khó khăn các dự án chậm giải ngân. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, cải cách thủ tục hành chính tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Chủ động tích cực chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, năng lực quản lý. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp tục chủ động tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực công nghệ, tài chính và thị trường. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Nâng cao chất lượng ngành du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá phát triển mạnh mẽ du lịch.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời thiết, chủ động phòng chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm.

Trả lời cầu hỏi của báo chí về tình hình dịch tả lợn Châu Phi và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ -Trung ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng cuối năm như thế nào. Theo Tổng cục Thống kê, để hạn chế ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi tới tăng trưởng của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2019, ngành nông nghiệp nên tăng cường chăn nuôi gia cầm, gieo trồng rau củ quả ngắn ngày, nuôi trồng thủy hải sản. Ưu tiên bảo vệ tốt đàn lợn nái để tái đàn sau dịch bệnh, không tái đàn đối với các cơ sở bị dịch bệnh trước đó.

Đối với Việt Nam, bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ tạo 3 cơ hội: thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước, tạo lợi ích về quan hệ thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với Trung Quốc và với các nước khác.

Tuy nhiên, bối cảnh này cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với hàng Việt Nam, thâm hụt thương mại Việt Nam với các nước sẽ rất lớn, xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn hàng chất lượng cao, chúng ta phải đối phó với gian lận thương mại, tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước...

D.Hải

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/niem-tin-nguoi-tieu-dung-dat-muc-ky-luc-lam-phat-duoc-kiem-soat-thap-nhat-trong-3-nam--n159705.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY