Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nồi nhôm: “Sát thủ” trong bếp

Theo các chuyên gia, sử dụng xoong, chảo nhôm khi nấu ăn có thể gây độc cho gan, tỳ, thận, tổ chức não...

Nồi nhôm - nguy hại khôn lường

Trong một nghiên cứu về sự độc hại của nhôm với cơ thể con người, giáo sư Christopher Exley thuộc Đại học Keele (Anh) cho biết: Bộ não chính là mục tiêu của các phân tử nhôm khi chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Tổng hàm lượng nhôm sẽ tích lũy chất độc thần kinh trong não người từ lúc thụ thai đến khi chết đi. Nó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh Alzheimer cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác liên quan đến gan, thận...

Không chỉ ở các nước phát triển, tín hiệu cảnh báo nguy hiểm về nhôm mới được phát đi, mà ngay tại Việt Nam, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên sử dụng nồi nhôm trong nấu nướng.

GS.TSKH Lê Huy Bá (Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định: “Do nhôm không cần thiết đối với cơ thể trong quá trình xây dựng tế bào hay các cơ quan chức năng, nên chỉ cần một lượng nhỏ ngấm vào cơ thể, nó cũng có khả năng gây độc”.

Ở điều kiện bình thường, GS. Lê Huy Bá cho rằng nhôm hoàn toàn lành tính, tuy nhiên, trong quá trình chế biến, khi phải tiếp xúc nhiều với các gia vị chua, mặn, nhôm bắt đầu xuất hiện các phản ứng hóa học và giải phóng các ion. Khi vào cơ thể, nguyên tố nhôm sẽ ức chế tiêu hóa, đảo lộn sự hấp thụ phốtpho, phá hoại hoạt tính dung môi của dạ dày...

Điều này còn nguy hiểm hơn với nhôm tái chế. Bởi lẽ, theo kết luận của các cơ quan chức năng, hàm lượng chì cũng như tạp chất trong loại nhôm này là khá lớn. Vì chất lượng kém, nên những chất độc hại này dễ dàng thôi nhiễm sang thức ăn, gây độc cho gan, tỳ, thận, tổ chức não...

Hạn chế chất độc - cách nào?

Với khả năng truyền nhiệt nhanh và đều, giúp thức ăn nhanh chín, giữ được hương vị thực phẩm, cũng như tiết kiệm được nguyên liệu, nồi nhôm đã và đang trở thành sự lựa chọn của nhiều bà nội trợ. Dù đã được cảnh báo là nhiều độc hại, tuy nhiên, từ bỏ thói quen này lại không hề đơn giản.

Chị Nguyễn Hồng Thanh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Nghe nhiều người nói nồi nhôm độc hại, tôi đã có thời gian chuyển sang dùng nồi phủ men gốm, tuy nhiên, qua trình sử dụng và quan sát, tôi thấy nếu lớp men chống dính phủ bên ngoài những nồi này bong ra thì nó cũng gây hại cho cơ thể. Đã thế, loại nồi này lại vệ sinh lại rất khó nên sau một thời gian dùng, tôi đã cất xó. Hiện giờ, nhà tôi lại quay lại với nồi nhôm. Tôi nghĩ chỉ cần chú ý khi nấu nướng và bảo quản, chắc nó cũng chẳng gây độc vì bao đời nay, ông bà cha mẹ ta đều dùng loại nồi này mà vẫn khỏe mạnh bình thường đấy thôi. Chỉ có điều, chất lượng nhôm bây giờ chắc không được như xưa”.

Có nên dùng nồi nhôm nữa không, hay vừa dùng vừa lo... là tâm trạng chung của nhiều bà nội trợ. Theo ý kiến GS. Lê Huy Bá, dù lượng nhôm phôi ra từ các dụng cụ như nồi, xoong không nhiều đến mức có thể dẫn đến ngộ độc, song nếu tích lũy lâu ngày, nó có thể gây ra các biểu hiện như: chán ăn, choáng váng, mệt mỏi... thậm chí là những tổn thương nặng nề về hệ tiêu hóa, thần kinh... Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các đồ nhôm đều gây hại, bởi với những loại nhôm đã được xử lý bề mặt trơ và được sử dụng đúng cách khi đun nấu thì vẫn có thể an toàn.

Theo đó, bạn không nên ham những đồ nhôm rẻ, không rõ nguồn gốc mà nên chọn mua của các cơ sở uy tín, đã được chứng nhận an toàn cho sức khỏe. Khi nấu nướng, không nên dùng nồi nhôm để chế biến các thực phẩm có tính axit như dưa muối, canh chua, các loại đồ ăn có sử dụng giấm.

Với thức ăn mặn, bạn không nên giữ trong nồi qua đêm bởi muối sẽ ăn mòn nhôm, làm tăng lượng nhôm trong thức ăn. Đặc biệt, với món trứng, không dùng đồ nhôm để đun nấu vì lòng trắng trứng chứa tính kiềm, dễ hòa tan nhôm. Khi phát hiện dụng cụ bằng nhôm đã có vết xước, không nên tiếp tục dùng sử dụng để nấu ăn hay đựng thức ăn.

Một nghiên cứu cho thấy thịt nướng trong giấy nhôm có hàm lượng nhôm tăng lên từ 89-378%; nếu là gà thì lượng nhôm tăng lên từ 76-214%. Thời gian nấu càng lâu, nhiệt độ càng cao thì lượng nhôm nhiễm vào món ăn càng nhiều. Thế nên, không nên dùng màng nhôm để bao gói, chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao.

Trong quá trình sử dụng đồ nhôm, bạn nên rửa ngay sau xào, nấu để hạn chế sự tấn công của các chất béo hoặc axit. Lúc cọ rửa, nên dùng vải mềm để làm sạch, tránh làm xước bề mặt nhôm. Có như vậy, nồi nhôm mới không biến thành “sát thủ” lạnh lùng trong nhà bếp.

Nhận biết nồi nhôm tái chế:

- Bề mặt có màu xám đen (do có lẫn nhiều tạp chất), không sáng bóng.

- Sau một thời gian dùng có hiện tượng bị xỉn, rỗ mặt, ăn mòn (do hiện tượng ôxy hóa). Khi cọ rửa, có thể phôi ra nước màu đen.

Nguyễn Hiền

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/noi-nhom-sat-thu-trong-bep-21528/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY