Năm 2019, hai ngôi sao bóng đá được người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng lớn nhất là Công Phượng và Văn Hậu sang châu Âu chơi bóng tại Bỉ và Hà Lan, hai nền bóng đá hạng khá ở châu Âu. Nhưng cả Hậu và Phượng đều không trụ được và phải lần lượt quay về.
Dưới góc độ của người làm bóng đá tại châu Âu, ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch người Việt của CLB FK Sarajevo (FKS) nhà vô địch giải Bosnia & Herzegovina đã có những phân tích riêng.
Trước hết, ông Nam khẳng định việc cầu thủ Việt xuất ngoại là cần thiết vì đó là hướng đi đúng, mang nhiều lợi ích cho bóng đá Việt Nam. Ngoài việc giúp cầu thủ nâng tầm về mọi mặt, từ thể lực, sự cọ xát, tư duy chiến thuật cho đến tính chuyên nghiệp thì còn giúp bóng đá Việt Nam hội nhập sâu hơn, rộng hơn đối với các nền bóng đá hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, có hướng đi đúng vẫn chưa đủ mà phải biết chọn bước đi đầu tiên đúng. Theo ông Nam, việc xuất ngoại ra ngay các nền bóng đá hàng đầu châu Âu là đốt cháy giai đoạn khiến các cầu thủ gặp khó trong việc tìm chỗ đứng.
“Chúng ta nên có một bước đệm ở các giải vô địch châu Âu ít tiếng tăm hơn như Bồ Đào Nha, Hungary hay Bosnia & Herzegovina... Nếu chơi tốt tại các giải đấu này thì việc chuyển tiếp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ví dụ nhiều cầu thủ chơi tại giải vô địch Bosnia & Herzegovina sau đó qua các giải nổi tiếng hơn như cầu thủ Edin Dzeko hiện đang chơi cho AS Roma (Ý), Miralem Pjanic mới về Barcelona (Tây Ban Nha), thủ môn Asmir Begovic thi đấu cho AC Milan (Ý) hay Sead Kolasinac đầu quân cho CLB Arsenal (Anh)”, ông Nam nêu quan điểm.
Theo ông Nam thì một cầu thủ khi ra nước ngoài cần nỗ lực để được thi đấu (chứ không phải tập luyện) khoảng 2.000 phút mỗi mùa. Rất tiếc khi các cầu thủ của ta chưa làm được điều đó. Về những cầu thủ gần đây ra nước ngoài không thành công thì ông Nam cho rằng đó cũng là bước tiến của những người mở đường và chúng ta cần cảm ơn họ.
Thực tế chỉ ra rằng cầu thủ Việt Nam sang châu Âu thi đấu thành công nhất là Lê Công Vinh ở giải Bồ Đào Nha. Thực ra thì trình độ của Bồ Đào Nha còn nhỉnh hơn Hà Lan hay Bỉ nhưng Công Vinh cũng không thể là trụ cột khi còn khoác áo Leixoes. Có lẽ giải Bosnia thì mới ở đẳng cấp thấp hơn so với giải Bỉ hay Hà Lan nhưng ông Nam cho rằng ngay cả Văn Hậu có đến CLB của ông cũng sẽ chịu cạnh tranh gay gắt.
Ông Nam kể: “Chúng tôi có profile của Hậu, như bao cầu thủ xuất sắc khác. Khi xem băng hình, ban huấn luyện đều khẳng định đẳng cấp Hậu hoàn toàn có thể chơi bóng ở nhiều CLB châu Âu hay Sarajevo, nhưng ở vị trí của Hậu, CLB Sarajevo đã có 3 cầu thủ chơi xuất sắc, trong đó dự bị là một tuyển thủ U.21 Bosnia & Herzegovina”.
Do vậy, mục tiêu thực tế cho bóng đá Việt Nam để vươn tầm ra các nền bóng đá đỉnh cao là cần phải trở thành thế lực ở châu Á. Ông Nam lý giải: "Khi bóng đá Việt Nam trở thành thế lực của châu Á thì cầu thủ Việt Nam sẽ dễ dàng hơn. Để trụ lại tại các CLB nước ngoài của một nền bóng đá mạnh thì không còn gì khác ngoài chuyên môn. Chuyên môn đây bao gồm thể lực, kỹ chiến thuật, độ bền bỉ và tính chuyên nghiệp. Nếu Việt Nam ở top đầu châu Á thì cầu thủ sẽ thuận lợi khi ra nước ngoài vì sẽ được đánh giá cao về chuyên môn. Từ đó cầu thủ Việt Nam mới cạnh tranh với các cầu thủ khác cùng vị trí sở trường một cách sòng phẳng và trở thành một trong hai cầu thủ tốt nhất ở vị trí đó trong CLB".
Chủ đề liên quan: