Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Paracetamol - thần dược hay độc dược?

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện, Paracetamol đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí độc tôn trên thị trường thuốc giảm đau, hạ sốt. Nhưng những phát hiện mới cho thấy, nếu Paracetamol có công bao nhiêu thì tội lỗi cũng bấy nhiêu.

Dấu ấn của thần dược của Paracetamol

Cuối thế kỷ 19, các bác sĩ thường dùng ký ninh để hạ sốt và salicylate cho tác dụng giảm đau. Những loại thuốc này đều có nguồn gốc từ thiên nhiên: ký ninh được bào chế từ vỏ cây canh-ki-na còn salicylate được tổng hợp từ vỏ cây liễu. Khi nguồn cung cấp từ thiên nhiên ngày càng trở nên khan hiếm, các nhà nghiên cứu đã cố công tìm kiếm những hợp chất nhân tạo có công dụng tương tự với chi phí rẻ hơn.

Năm 1886, Acetanilide ra đời và một năm sau đó, Phenacetin cũng xuất hiện. Cả hai loại thuốc này đều có ưu điểm vượt trội so với ký ninh vì chúng vừa có tác dụng giảm đau lại vừa có tác dụng hạ sốt.

Năm 1878, nhà hóa học người Mỹ, Harmon Northrop Morse trở thành người đầu tiên tổng hợp ra Paracetamol. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, vẫn chưa có ai coi Paracetamol như một loại thuốc điều trị.

Bạn nên biết

- Tỷ lệ suy thận do paracetamol tăng từ 28% vào năm 1998 lên 51% vào năm 2003.

- Chỉ cần 10g, tương đương với 20 viên loại 500mg paracetamol đã có thể gây suy thận cấp và đủ để gây chết người trong khi mức tối đa cho phép là 8 viên.

- Sử dụng paracetamol ít nhất 4 lần mỗi tuần liên tục trong vòng 4 năm trở lên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các chứng bệnh lên khoảng 2%.

Năm 1893, Paracetamol được tìm thấy trong nước tiểu của bệnh nhân uống Phenacetin. Năm 1899, các nhà khoa học tiếp tục khám phá ra rằng Paracetamol cũng là một chất chuyển hóa qua đường tiết niệu của Acetanilide. Mặc dù vậy, phải đến năm 1948 - gần 50 năm sau phát hiện về mối liên hệ giữa Paracetamol với Phenacetin và Acetanilide, Brodie và Axelrod - hai nhà hóa sinh học người Mỹ mới xác minh được rằng Paracetamol là chất chuyển hóa chính của cả Phenacetin lẫn Acetanilide.

Vài năm sau, các nhà nghiên cứu chứng minh được rằng, mặc dù bản thân Phenacetin cũng có thể giúp hạ sốt và giảm đau nhưng do phần lớn chất này đều được chuyển hóa thành Paracetamol khi đi qua gan nên tác động dược lý chủ yếu có được là nhờ Paracetamol.

Từ sau những phát hiện đó, Paracetamol bắt đầu được sử dụng trong điều trị với sản phẩm đầu tiên được bán ra thị trường năm 1955 là thuốc giảm đau hạ sốt dành cho trẻ em có tên gọi Tylenol Elixir do McNeil Laboratories (nay thuộc hãng Johnson & Johnson) sản xuất. Kể từ đó, Paracetamol (còn được biết đến với cái tên Acetaminophen) đã liên tục giữ ngôi vị độc tôn trên thị trường thuốc giảm đau với đủ loại chế phẩm, trong đó có những cái tên đã trở nên vô cùng quen thuộc như Panadol, Tylenol, Efferalgan...

Với cùng một lượng thuốc, Paracetamol mang lại hiệu quả ngang với Aspirin hay salicylate nhưng lại an toàn hơn nhiều: không gây hại cho dạ dày, tá tràng, không ảnh hưởng đến cơ chế đông máu, ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, an toàn cho phụ nữ mang thai 3 tháng cuối... Chính sự vượt trội về độ an toàn so với các loại thuốc giảm đau và hạ sốt khác mà tại Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới, Paracetamol được bán rộng rãi không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ.

Paracetamol - khi thần dược thành độc dược

Nhưng, bất chấp những ưu điểm trên, Paracetamol cũng gây ra những tác hại khôn lường một khi ta lạm dụng nó như: tăng dần liều hàng ngày, vô tình sử dụng quá liều quy định vì dùng thêm các biệt dược khác có cũng chứa Paracetamol mà không biết hoặc bệnh nhân trẻ em nhưng lại dùng các biệt dược chứa Paracetamol của người lớn...

Việc lạm dụng Paracetamol có thể gây ra những tổn thương tức thời như ngộ độc thuốc với những biểu hiện như buồn nôn, chán ăn, đau bụng, toát mồ hôi... hoặc những tổn thương tiềm tàng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong như:

1. Hen suyễn, tắc nghẽn phổi mãn tính và suy phổi

Năm 2005, TS. Tricia M. McKeever, Bệnh viện City Nottingham (Anh) đã thực hiện cuộc thí nghiệm Paracetamol trên động vật. Kết quả cho thấy, Paracetamol làm giảm hoạt động chống ôxy hóa ở phổi gây tổn thương mô phổi.

Cuối năm 2010, nghiên cứu được tiến hành với 1.500 trẻ tại New Zealand cũng cho thấy trẻ nhỏ lạm dụng Paracetamol có nguy cơ cao bị bệnh hen suyễn và dị ứng. Trẻ dùng Paracetamol trước 15 tháng tuổi có nguy cơ bị dị ứng gấp 3 lần và bị hen suyễn gấp 2 lần so với những trẻ không dùng loại thuốc này.

2. Gây tổn thương gan

Khi sử dụng Paracetamol, ngay với liều dùng thông thường, cơ thể chúng ta cũng đã mất đi một lượng đáng kể glutathion (một hoạt chất trong gan giúp thải trừ và vô hiệu hóa chất độc, làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ não, tim, gan, thận, hồng cầu..., giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhất là các bệnh hiểm nghèo như ung thư, nhiễm khuẩn, nhiễm virus…).

Vì vậy, việc dùng Paracetamol trong nhiều ngày sẽ làm cạn kiệt glutathion, khiến cơ thể suy yếu sức đề kháng. Khi đó, chỉ cần một lượng vi khuẩn, virus nhỏ cũng đủ làm chúng ta đổ bệnh.

3. Ung thư máu

Đầu tháng 5 vừa qua, nhóm chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) đã đưa ra kết luận rằng, uống thuốc giảm đau Paracetamol thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu ở người trên 50 tuổi.

Theo thành viên của nhóm nghiên cứu thì người ở độ tuổi trên 50 có 1% nguy cơ mắc một trong các dạng ung thư máu trong vòng 10 năm. Nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng Paracetamol ít nhất 4 lần mỗi tuần liên tục trong vòng 4 năm trở lên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lên khoảng 2%.

Mặc dù giới chuyên môn cho rằng chưa có bằng chứng nào chứng minh được Paracetamol có thể gây ung thư và con số tăng 1-2% nguy cơ trong 10 năm là không đáng kể, kết quả nghiên cứu này vẫn khiến người ta thêm lo ngại về những nguy cơ mà Paracetamol có thể gây ra.

4. Suy thận cấp

Tháng 12/2005, các nhà khoa học Mỹ đưa ra cảnh báo rằng Paracetamol chính là thủ phạm hàng đầu gây suy thận ở Mỹ. Nhóm nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học Mỹ đã phân tích dữ liệu trên hơn 600 bệnh nhân suy thận cấp từ năm 1998 tới 2003. Trong số 257 ca bệnh liên quan đến thuốc giảm đau Paracetamol, 48% là do vô tình, 44% là do cố tình tự tử, số còn lại không rõ nguyên nhân.

Paracetamol, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Để Paracetamol thực sự phát huy công dụng, ta cần đánh giá công bằng lợi ích và tác hại tiềm ẩn của nó. Chìa khóa then chốt của vấn đề chính là phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Nhưng thật đáng tiếc, vì không phải ai cũng thực hiện theo đúng chỉ dẫn đó. Nhiều nghiên cứu ở các nước cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc hạ sốt sai liều vẫn chiếm gần 50%. Một thống kê từ Úc cho thấy khi sử dụng Paracetamol, chỉ có 16% người dùng chịu đọc kỹ nhãn thuốc, khoảng 44% đã đọc nhãn thuốc và biết mình đang sử dụng quá liều nhưng vẫn chấp nhận để đẩy lùi cơn đau.

Những người bị bệnh gan, thận, suy dinh dưỡng, thiếu máu, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải đặc biệt thận trọng và cũng chỉ sử dụng khi được bác sĩ kê đơn.

Nguy cơ gây ngộ độc cũng tăng cao khi Paracetamol được sử dụng cho những bệnh nhân nhịn đói, bệnh nhân uống nhiều loại thuốc cảm cúm một lúc, người nghiện rượu hoặc uống rượu khi dùng thuốc.

Dùng Paracetamol sao cho đúng?

Liều dùng cho người lớn: dùng Paracetamol không quá 3g/ngày, chia thành 3-4 lần/ngày. Riêng đối với người cao tuổi, liều dùng thấp hơn do chức năng gan đã kém.

Liều dùng cho trẻ em: Paracetamol dùng cho trẻ em được tính theo cân nặng của trẻ, không quá 15mg/kg thể trọng cho mỗi lần uống, không quá 60mg/kg thể trọng/ngày. Khoảng cách tối thiểu giữa hai lần uống là 4-6 giờ.

Hoàng Khánh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/paracetamol--than-duoc-hay-doc-duoc-18097/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY