Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phó Hiệu trưởng ở Đà Nẵng có con thi trượt lớp 10: Bỏ thể diện và danh tiếng, sẽ tìm ra giải pháp tốt hơn

MangYTe - Cô giáo Trần Thị Kim Hạnh đã viết một bức thư chan chứa yêu thương và mang tính giáo dục gửi cho cậu con trai vừa thi trượt vào lớp 10. Và điều đặc biệt, bức thư này, cô Hạnh chia sẻ công khai trên face book cá nhân của mình.

Bức thư của cô giáo Trần Thị Kim Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) được đăng tải chiều tối 6/8 vừa qua.

Ngay sau đó, bức thư của cô Hạnh đã nhận được rất nhiều sự tán dương, đồng cảm lẫn cảm phục của những người thân quen và cả những bậc làm cha mẹ chưa một lần được gặp cô. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng, hiếm người ở trong hoàn cảnh đó có thể bình tĩnh và nhìn nhận vấn đề thấu đáo như cô.

Họ nể phục cô bởi sự hiểu biết, tình thương và sự kiên nhẫn, cách chấp nhận và đối diện với vấp ngã của con trong những bước hành trang đầu đời.

Cô Trần Thị Kim Hạnh cùng các học sinh của mình.


"Em rất phục chị vì có lẽ chị là người duy nhất đã nói lên được điều mà không phải bất cứ người mẹ nào dám kể. Các bạn đều khoe con mình đậu trường như mong ước... như em đây, con chỉ đậu nguyện vọng 2, em không dám kể trên facebook. Em vẫn nói với con, đường đời không có học cái này sẽ học cái khác, nếu con không đậu cấp 3 con vẫn có hướng đi khác, cuộc sống vẫn tiếp tục, không phải không đậu cấp 3 là con mất tất cả" - tài khoản Minh Thị Hồng Lương chia sẻ.

Còn Trần Tâm - một đồng nghiệp của chị Hạnh tâm sự "Mình thấy mình may mắn khi được làm việc với chị ấy, một Phó Hiệu trưởng đáng yêu và là người chị tâm lý tuyệt vời. Có rất nhiều chuyện học từ chị, về cách nhìn nhận mọi việc mà không phải ai cũng làm được".

Phóng viên Báo Gia đình và Xã hội đã có cuộc trao đổi với cô giáo Trần Thị Kim Hạnh.

Thương những đứa trẻ gặp sự cố lại gặp phiền trách của ba mẹ

- Chào chị. Thật sự, chị có bất ngờ với việc con không đỗ vào trường cấp 3 mà chị dự tính là vừa sức với con?

Mình cũng bất ngờ thật vì đó là một trường tốt, thầy cô vừa tâm lý, vừa dạy tốt nhưng những năm gần đây, điểm chuẩn của trường đều thấp. Tuy nhiên, năm nay, điểm chuẩn của trường tăng đột biến vì được lựa chọn nhiều nên con đã không vào được.

- Khi biết kết quả, con trai chị phản ứng như thế nào? Chị có nhớ, câu đầu tiên mà vợ chồng chị nói với con trai mình không ạ?

Khi biết kết quả, ban đầu, cả nhà lo con bị sốc nên bảo nhau khoan nói cho con. Tuy nhiên, một lúc sau, khi đã bình tĩnh hơn, mình quyết định sẽ nói cho con thông tin này vì con cần phải biết để chịu trách nhiệm và bắt đầu đối diện với kết quả của mình. Mình đơn giản chỉ nói số điểm chuẩn của trường con muốn vào thôi.

Khi biết tin, con biến sắc và bộc lộ sự căng thẳng rất nhiều. Nhưng giờ đây, con đã bình tĩnh, có nhiều suy nghĩ sâu sắc về bản thân và chặng đường sắp đến. Con biết ơn sự cố này đã giúp con thay đổi.

- Trước khi đăng tải lên facebook công khai bức thư này, chị suy nghĩ ra sao? Chị có sợ nó sẽ ảnh hưởng đến uy tiếng của một Phó Hiệu trưởng không?

Buổi tối công bố điểm chuẩn, sau khi nói chuyện với con, mình đã nghĩ sẽ viết gì đó cho con nhưng hơi e ngại vì sợ ảnh hưởng đến con, cũng có thoáng nghĩ về việc mình là giáo viên, lại là Phó Hiệu trưởng, người ta lại bảo hay ho gì mà nói ra nên chần chừ chưa viết.

Tuy nhiên, khi con chia sẻ, giờ con ngại nhất là đi đâu cũng bị hỏi học trường nào, mình quyết định viết để động viên con. Ban đầu, mình chỉ định để ở chế độ riêng tư rồi tag nick con vào vì nghĩ đây là chuyện riêng của nhà mình. Thế nhưng, như có một mách bảo nào đó, mình đã nhấn nút public. Lúc đó, mình nghĩ, có thể những gia đình đang như mình sẽ có thêm một góc nhìn để bớt căng thẳng hơn.

Mình thương những đứa trẻ khi đã gặp sự cố này lại phải chịu thêm gánh nặng phiền trách của bố mẹ nữa. Thay vì trách móc, bố mẹ hãy tĩnh tâm, giúp con tìm ra ý nghĩa, lợi ích của sự cố này với sự trưởng thành của con, động viên và cùng con bàn kế hoạch "trong tình hình mới". Mình chỉ mong mọi người có cách nhìn khoan dung và thấu cảm với các con nhiều hơn, không chỉ bố mẹ mà cả những người xung quanh con.

Thật sự, mình thấy, khi được sống trung thực với chính mình, mình được tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc về thể diện hay danh tiếng nọ kia, mình cũng sẽ đối diện với vấn đề thoải mái hơn và tìm ra giải pháp tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.

Cô Trần Thị Kim Hạnh (thứ hai từ phải qua trái) cùng các đồng nghiệp của mình.


- Các đồng nghiệp phản ứng ra sao sau khi bức thư của chị được nhiều người biết đến?

Các đồng nghiệp của mình có sự đồng cảm rất lớn. Đã có cô giáo chia sẻ bài báo và kể, cô cũng đã từng rớt lớp 10 nhưng nhờ đó cô đã cố gắng hơn và bây giờ cô thường kể cho học sinh nghe trải nghiệm đó để nói với các con rằng "việc này không phải đáng tự hào nhưng có được bài học sau những lần mình không được như ý".

Cũng có nhiều cô giáo inbox cho mình chia sẻ: "Nếu sau này con em có vấp ngã như thế, em cũng sẽ học cách hiểu và giúp con đối diện thực tế như chị." Hay có một bạn (cũng là quản lý như mình) xin share bài để "chia sẻ bài viết với 1 số bạn bè em - những người đang ngày đêm áp lực lên vai con trẻ". Điều đó khiến mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi có nhiều người làm giáo dục đang có mong muốn yêu trẻ đúng cách hơn.

Phụ huynh phải tỉnh táo trước khi quyết định cho con học tiền lớp 1

- Trong bức thư đăng tải, chị có nói con trai đã từng trải qua sự cố trước khi vào lớp 1?

Hồi đó, sau khi học xong mầm non, mình gửi con cho một cô giáo có tiếng là rèn giũa học sinh bài bản. Tuy nhiên, do con không thể viết bài nhiều như yêu cầu nên con hay bị cô đánh mắng. Lúc đó con đã bị stress, mỗi lần chở đến nhà cô là con khóc. Vì nhiều lý do, con vẫn phải học đến hết hè. Đó là trải nghiệm đầu đời với việc học nhưng lại gieo vào tiềm thức con sự sợ hãi. Do đó, sau này con sợ học và sợ viết.

Mình chia sẻ việc này với mong muốn những ai đọc được sẽ có sự tỉnh táo trước khi quyết định cho con học tiền lớp 1. Thay vì cho con học chữ thì cần dạy con kĩ năng học đường, rèn sự tập trung, sự khéo léo, dẻo dai của bàn tay và các ngón tay bằng các hoạt động khác như: làm việc nhà, vẽ trên cát, ăn bằng đũa, lặt rau, xé dán,... Điều này tốt hơn cho trẻ rất nhiều.

Trẻ cần được yêu thương và tôn trọng thì mới có thể học tập tốt. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập với đặc điểm khác nhau về phong cách học tập, khả năng não bộ, nhịp độ tiếp thu nên không thể bắt tất cả trẻ đều học theo một kiểu với tốc độ như nhau được. Làm sao để trẻ có những trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc với việc học để nuôi dưỡng hứng thú học tập quan trọng hơn việc con viết đẹp hay xấu, viết được ít hay nhiều.

- Chị có nhắc đến con gái đầu của chị. Xin chị cho biết, con đầu chị hiện tại theo học ở trường nào? Cháu có phản ứng ra sao khi biết thông tin em trai mình thi trượt?

Con gái đầu của mình hiện đang học tại một trường THPT ở Đà Nẵng. Khi biết thông tin em thi trượt, cháu lo lắng cho em rất nhiều, chỉ dám thì thầm nói chuyện với mẹ mà thôi vì sợ em biết. Giờ thì cô chị vừa có những câu nói mạnh mẽ khiến em phải tỉnh ngộ, vừa có những chia sẻ với em. Con gái mình đã có kế hoạch dạy em kiến thức lớp 10 trong thời gian nghỉ hè để hỗ trợ em học tốt hơn khi vào năm học mới. Nhờ vậy, mối quan hệ chị em biết trở nên tốt đẹp hơn trước (trước đây, hai chị em vẫn hay chòng ghẹo nhau và không hiểu hết được tình cảm dành cho nhau).

Cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Kim Hạnh

Thay vì thất bại, hãy xem nó là một cơ hội

- Xin chị cho biết kế hoạch cụ thể sắp tới của vợ chồng chị dành cho con trai mình?

Trước mắt, ba mẹ vừa động viên con, vừa đặt câu hỏi để con phải suy ngẫm, đúc kết bài học từ sự cố vừa qua. Từ đó, lập mục tiêu và kế hoạch để đạt đến mục tiêu đó. Cái con cần hiện nay là rèn sức mạnh nội tâm để ứng phó với thất bại và những cám dỗ trong giai đoạn sắp đến.

Biện pháp để rèn của mình là: Con cần lập ra những việc cần làm trong thời gian nghỉ hè này và tuân thủ, tham gia những khóa học phát triển bản thân online, đọc sách hay và không xem ti vi, hạn chế tối đa việc dùng các thiết bị thông minh.

Việc chọn trường sẽ để con tự quyết định. Ba mẹ chỉ là người phát hiện vấn đề, đặt câu hỏi để con tự trả lời và đưa ra quyết định chính xác cho sự lựa chọn của mình. Gia đình cùng cháu tìm hiểu thông tin về TTGDTX, trường Cao đẳng nghề, cho con làm bài test thiên hướng nghề nghiệp giúp con khám phá bản thân. Khi con chọn lựa chính xác và hài lòng với sự lựa chọn của con thì con có động lực phấn đấu đồng thời giúp con tự tin vào đời sau này.

- Từ trường hợp của con mình, chị có nhắn gửi và chia sẻ gì đến các bậc cha mẹ trong quá trình cùng con vượt qua vấp ngã?

Khi con vấp ngã, người suy sụp nhất là con. Bố mẹ cần mạnh mẽ, bình tĩnh, sáng suốt, vượt qua được những vấn đề cá nhân của chính mình (lo lắng cho tương lai của con, lo lắng cho thể diện bố mẹ, danh dự gia đình,...) để làm người dẫn dắt và đồng hành cùng con.

Thay vì xem đây là thất bại, hãy xem nó là một cơ hội: Cơ hội để con có trải nghiệm ứng phó với thất bại một cách bình an và sáng suốt, cơ hội trau dồi lòng tự tin và tự trọng cho con, cơ hội để con trưởng thành, cơ hội để kết nối với con, cơ hội để giáo dục con, cơ hội để bộc lộ tình yêu thương vô điều kiện ba mẹ dành cho con, cơ hội để củng cố tình cảm và gắn kết của gia đình,...

Cách nhìn tích cực của bố mẹ về thất bại của con là một bài học vô cùng quý báu. Đó chính tài sản vô giá bố mẹ trao truyền cho con, là hành trang đi theo con suốt cả chặng hành trình dài phía trước, để con có được một cuộc sống vững vàng, hạnh phúc cho mình, cả hiện tại và tương lai.

Chân thành cảm ơn chia sẻ của chị.

Kim Vân

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/pho-hieu-truong-o-da-nang-co-con-thi-truot-lop-10-bo-the-dien-va-danh-tieng-se-tim-ra-giai-phap-tot-hon-20200808234324221.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY