Chuyên ngành hôm nay

Chuyên ngành

Phòng ngừa polyp đại tràng tái phát

Polyp đại tràng là một tổn thương nhỏ lành tính có hình dạng giống như khối u...

Đa số polyp là lành tính nhưng một số có khả năng hóa thành ác tính (ung thư).

Sự hình thành là kết quả sự tăng sinh bất thường của tế bào. Bình thường quá trình tăng sinh tế bào chịu sự kiểm soát của 2 nhóm gene: nhóm gene gây ung thư và nhóm gene ức chế khối u. Đột biến ở bất kỳ gene nào trong số này đều có thể khiến tế bào phân chia quá mức. Ở đại tràng và trực tràng, sự tăng sinh này sẽ tạo thành những khối polyp và về lâu dài một số polyp có thể trở thành ung thư.

Có 2 dạng polyp thường gặp nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, hay gặp ở đoạn cuối đại tràng và ít khi trở thành ác tính. Đối với polyp tuyến thì khoảng 2/3 là polyp tuyến. Thường thì polyp càng lớn, khả năng ung thư hóa càng cao, do đó các polyp lớn cần phải sinh thiết hoặc cắt bỏ hoàn toàn và gửi đi làm giải phẫu bệnh học.

Polyp rất thường gặp ở cả nam lẫn nữ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hình thành polyp đại tràng, trong đó yếu tố dinh dưỡng và môi trường có thể đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của chúng. Chế độ ăn nhiều chất béo; ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ; hút Thu*c lá; béo phì... có thể dẫn đến hình thành polyp.

Ung thư đại trực tràng hiếm gặp trước tuổi 40. Có đến 90% các trường hợp xảy ra sau tuổi 50, tỷ lệ nam nữ bằng nhau, do đó nên khám tầm soát ung thư khi đến tuổi 50 và thường thì phải mất khoảng 10 năm để một polyp nhỏ phát triển thành ung thư.

Mặt khác, yếu tố gia đình cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều trường hợp polyp và ung thư đại trực tràng xảy ra trong gia đình.

Khi có biểu hiện đi ngoài ra máu nên đi thăm khám, nội soi để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương ở đường ruột.

Polyp thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu người bệnh gặp các triệu chứng như: đau bụng, có trường hợp polyp quá lớn gây ra triệu chứng bán tắc ruột hoặc tắc hoàn toàn, khi đó biểu hiện rất điển hình là cơn đau do tắc ruột, kèm theo nôn và bí trung đại tiện. Đại tiện phân lỏng, đối với những polyp nằm ở đoạn trực tràng thấp gần hậu môn, nhất là khi polyp to hoặc bị loét gây ra những triệu chứng ruột bị kích thích như đi ngoài ngày nhiều lần, có khi xuất hiện đau quặn, mót rặn nên có thể chẩn đoán nhầm với hội chứng lỵ. Đi ngoài phân có máu, có thể thấy máu tươi thành vệt loang ra trên khuôn phân hoặc phân lầy nhầy máu màu nâu đen hoặc nhờ nhờ máu cá. Theo nghiên cứu, có hơn 2/3 bệnh nhân không có triệu chứng, còn lại thường có biểu hiện dễ bị tiêu chảy, có người bị tiêu chảy xen kẽ táo bón hoặc đại tiện phân có lẫn máu, một số ít trường hợp đi đại tiện bình thường nhưng lại biểu hiện đau quặn bụng dọc theo khung ruột già. Một số trường hợp có biểu hiện giống viêm dạ dày mạn tính với triệu chứng đầy hơi khó tiêu.

Vì thường không có triệu chứng đặc biệt nên thường hay được phát hiện khi kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư hoặc sau khi xét nghiệm phân thấy có máu ẩn hay chụp đại tràng cản quang. Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng vì nó giúp thầy Thu*c quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và cắt polyp nếu phát hiện ra chúng.

Hầu hết đều được cắt bỏ để ngăn ngừa ung thư. Những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng nên khám sàng lọc định kỳ. Nếu thấy thấy có biểu hiện nêu trên cần đi khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Vì bệnh lý viêm mạn nói chung và polyp trực tràng nên rất dễ bị kích thích và nhạy cảm với các loại thức ăn. Người bệnh cần có chế độ ăn uống, nếu nhạy cảm với những loại thức ăn như: đồ sống, rượu bia, cà phê hoặc sữa tươi...

Để nguy cơ phát triển thêm polyp hoặc chuyển sang ác tính, người bệnh cần theo dõi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, điều trị ngoại khoa (cắt bỏ polyp) khi có chỉ định, thay đổi lối sống và chế độ ăn phù hợp.

Trước tiên nên bỏ Thu*c lá, hạn chế rượu bia ở mức không quá 2 đơn vị cồn/ngày (1 đơn vị cồn tương đương 1 lon bia, 1 ly rượu nho hay 1 chung rượu mạnh), không để thừa cân béo phì và hạn chế chất béo bão hòa (có trong thịt động vật, trừ mỡ cá và sữa nguyên kem).

Người bệnh cần tăng cường ăn rau xanh, củ quả nhiều chất xơ. Các nghiên cứu tiền cứu theo dõi bệnh nhân mắc trong 26 năm cho thấy thực phẩm giàu chất xơ giảm được nguy cơ phát triển thêm polyp và phát triển thành ung thư bao gồm rau xanh nấu chín, các loại đậu hạt, trái cây khô và gạo lứt.

Người tiêu thụ rau xanh nấu chín ít nhất 1 lần/ngày giảm 24% nguy cơ phát triển thêm polyp so với người tiêu thụ rau xanh nấu chín dưới 5 lần/tuần. Nguy cơ phát triển thêm polyp giảm 26% ở người tiêu thụ trái cây khô ít nhất 3 lần/tuần so với người tiêu thụ trái cây khô dưới 1 lần/tuần. Nguy cơ phát triển thêm polyp giảm 40% ở người tiêu thụ gạo lứt (gạo nâu, gạo xay xát dối còn giữ lại lớp cám) ít nhất 1 lần/tuần so với người không bao giờ ăn.

Ngoài ra, cần thể tập thể dục hoặc chạy bộ hàng ngày cũng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh. Tránh căng thẳng và thức quá khuya. Bổ sung vitamin D (uống Thu*c hoặc tranh thủ phơi ít nắng buổi sáng khoảng 10-15 phút/ hàng ngày).

Khi có các biểu hiện như: có máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện kéo dài trên 1 tuần hoặc đau bụng thì nên đi nội soi vì có thể polyp đã mọc lại. Trung bình sau cắt polyp khoảng 3 - 5 năm người bệnh cần nội soi kiểm tra lại, nếu thấy thì cắt bỏ ngay.

Người bệnh cũng cần tầm soát polyp và ung thư được thực hiện đối với mọi người bắt đầu từ tuổi 50. Đối với những người có nguy cơ cao, việc tầm soát phải tiến hành sớm hơn (ở tuổi 40).

BS. Nguyễn Văn Trọng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/phong-ngua-polyp-dai-trang-tai-phat-n161586.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY