Thực tế ý tưởng dùng plasma của bệnh nhân COVID-19 đã hết bệnh để điều trị bệnh nhân COVID-19 đang mắc đã được một số nước châu Âu, Canada, Mỹ, Trung Quốc thử nghiệm từ tháng 2 và tháng 3 năm nay. Người ta lý luận, kháng thể chống vi rút SARS-CoV-2 có trong plasma sẽ tạo cơ chế miễn dịch thụ động giúp bệnh nhân nặng vượt qua giai đoạn nguy kịch.
Một ghi nhận hồi tháng 2 tại Trung Quốc, ba bệnh nhân mắc COVID-19 cực nặng ở TP.Vũ Hán đã được cải thiện đáng kể triệu chứng lâm sàng chỉ sau 12 - 24 giờ sử dụng plasma.
Tuy nhiên, vào ngày 24.8 tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), TS Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại cho rằng không đủ bằng chứng cho thấy plasma hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
“Đến thời điểm này, bằng chứng nhận được có chất lượng rất thấp. Do đó chúng tôi đề nghị đây vẫn là một trị liệu thực nghiệm và cần tiếp tục được đánh giá bằng những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được thiết kế chặt chẽ”, TS Soumya nói.
Trong thực tế có sự mâu thuẫn về bằng chứng. Trong khi một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy plasma thu được từ bệnh nhân hồi phục khỏi coronavirus không tạo ra khác biệt cho bệnh nhân nhập viện, thì một nghiên cứu khác lại cho thấy nó có thể làm giảm nguy cơ Tu vong.
Mới nhất, đầu tháng này, một nghiên cứu do bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) thực hiện với sự tài trợ của Các viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cũng khiến giới khoa học nghi ngờ. Nghiên cứu thực hiện trên hơn 35.000 bệnh nhân phát hiện việc sử dụng nhanh plasma đã cải thiện đáng kể nguy cơ Tu vong của bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Thế nhưng nghiên cứu này lại không có nhóm chứng và người ta cũng không rõ việc điều trị được đánh giá ra sao. Chưa kể kết quả nghiên cứu chỉ mới được công bố tạm trên một trang mạng chứ chưa thông qua hệ thống bình duyệt khoa học quy chuẩn.
Theo TS Swaminathan, một thách thức trong sử dụng plasma là tính thay đổi do nó được lấy từ nhiều bệnh nhân khác nhau, tạo ra một sản phẩm ít chuẩn mực hơn so với kháng thể đơn dòng được xử lý trong phòng thí nghiệm.
Ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO cũng thêm rằng, không nói đến hiệu quả, bản thân plasma cũng có nhiều nguy cơ an toàn tiềm ẩn cần được nhận diện. “Nó gây ra một số tác dụng phụ”, Aylward nói, từ sốt nhẹ đến tổn thương phổi nghiêm trọng hay quá tải tuần hoàn. “Vì lý do này kết quả thử nghiệm lâm sàng là cực kỳ quan trọng”.
Quay trở lại việc FDA cho phép sử dụng plasma điều trị bệnh nhân COVID-19, tờ New York Times cho rằng cơ quan này đã bị sức ép của Tổng thống Donald Trump trong việc đẩy nhanh tiến độ ứng phó với đại dịch.
Benjamin Corb, chuyên gia của Hội Sinh học phân tử và sinh hóa Mỹ nói: “Ông Trump một lần nữa đã đặt những mục tiêu chính trị lên trên sức khỏe và lợi ích của công chúng Mỹ”.
Tại Việt Nam, ý tưởng sử dụng plasma điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được một số chuyên gia đề xuất từ tháng 4. Đầu tháng này, đề án đã được Bộ Y tế thông qua và các nhà nghiên cứu bắt đầu lựa chọn người hiến plasma.
Trong 16 người tình nguyện hiến tặng, đến nay nhóm nghiên cứu mới lấy được plasma của 4 người với số lượng 2-3 khối plasma/người, tức ít nhất 500 ml.
Chủ đề liên quan: