Bài giảng tai mũi họng hôm nay

Polyp mũi: dấu hiệu triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán điều trị tai mũi họng

Polyp phát triển chậm, do ngày càng to ra, choán dần hốc mũi nên gây triệu chứng chính là ngạt mũi. Ngạt mũi ngày càng tăng dần đưa tới tắc mũi.

Là u lành tính rất hay gặp, có thể là đơn thuần ở hốc mũi, có thể trong các xoang mặt hay cả ở mũi, xoang.

Polyp mũi thực ra không phải là khối u mà là thoái hoá cục bộ của niêm mạc mũi hay xoang mà chủ yếu là lớp tổ chức đệm.

Về cấu trúc: bên ngoài là lớp biểu mô với tế bào trụ, vuông hay thành tế bào lát bẹt, bên trong là tổ chức liên kết với các tế bào xơ tạo thành một lớp lỏng lẻo, chứa các chất dịch hay chất nhầy, cũng thấy một số tế bào lympho, đơn nhân hoặc ái toan. Do đó polyp là khối mềm, nhẵn, mọng trong, màu hồng nhạt.

Nguyên nhân

Có thể gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Do viêm: thường gặp trong viêm xoang, mủ trong xoang chảy ra qua ngách mũi giữa làm niêm mạc vùng này thoái hoá thành polyp.

Do dị ứng: thường gặp trong dị ứng mũi xoang, tuy nhiên polyp không phải là một bệnh tích của dị ứng.

Còn do rối loạn vận mạch, rối loạn nội tiết hay do cơ địa tạo nên.

Chẩn đoán

Chẩn đoán xác định

Polyp phát triển chậm, do ngày càng to ra, choán dần hốc mũi nên gây triệu chứng chính là ngạt mũi. Ngạt mũi ngày càng tăng dần đưa tới tắc mũi. Nếu polyp ở cả hai hốc mũi làm không thở được bằng mũi, mất ngửi, nói giọng mũi kín.

Có thể chảy nước mũi trong khi thay đổi thời tiết như trong viên mũi dị ứng hoặc chảy mũi đặc, đau nhức vùng xoang khi do viêm xoang mủ.

Khám mũi: thấy khối u mềm, nhẵn bóng, mọng, màu hồng nhạt, thường ở ngách mũi giữa. Nếu để lâu thấy một hoặc nhiều khối thành chùm lấp kín hốc mũi, ló ra ngay ở cửa mũi sau, lan cả ra vòm.

Nếu do viêm xoang, thấy quanh các khối polyp có nhiều mủ bám nhưng mặt polyp không bao giờ bị hoại tử. Ngoài polyp thông thường có thể gặp các thể sau:

Polyp đơn độc Killian: chỉ có một khối polyp, có thể mọc từ ngách mũi giữa, cuốn mũi hay vách ngăn, triệu chứng duy nhất là ngạt tắc mũi.

Polyp chảy máu: thường có chân bám ở vách ngăn, vùng điểm mạch Kisselbach nên dễ gây chảy máu.

Bệnh Woakes: polyp có trong xoang sàng cả hai bên, gây biến dạng xương chính mũi, làm gốc mũi bè rộng ra, rãnh mũi-mắt bị đẩy phồng, hai khoé trong mắt xa nhau hơn.

Chẩn đoán phân biệt

Cuốn mũi giữa thoái hoá: do viêm xoang mạn tính gây ra, cuốn mũi giữa thoái hoá thanh một khối mềm, nhẵn, màu hồng nhạt giống như polyp, vì cũng có cùng cấu trúc. Khi dùng que thăm dò thấy chân cứng do xương xoăn. Khi trong hốc mũi có cả polyp, cả cuốn mũi giữa thoái hoá to, lấp kín hốc mũi, rất khó phân biệt.

U xơ vòm mũi họng: khi polyp phát triển ra cửa mũi sau vào vòm hoặc trường hợp u xơ phát triển vào hốc mũi có thể nhầm lẫn. U xơ thường gặp ở tuổi dậy thì, khối màu trắng, đục, không mọng, mật độ chắc hơn và dễ gây chảy máu.

Ung thư sàng hàm: cũng phát triển khối u mềm như polyp mũi, nhưng khối u không nhẵn, thường có chỗ sùi, mật độ không đều, hay có hoại tử bề mặt, rất dễ chảy máu và có chảy mủ lẫn máu mùi hôi.

Điều trị

Lấy bỏ khối polyp trong mũi bằng nội soi, không gây chảy máu, nhưng nếu sót sẽ tái phát nhanh.

Nếu có viêm xoang, cần thực hiện mở xoang lấy hết bệnh tích đồng thời, lấy bỏ polyp.

Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/bgtaimuihong/benh-hoc-polyp-mui/)

Chủ đề liên quan:

bệnh học polyp mũi

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY