Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Qua từng giai đoạn phát triển của thai nhi, mẹ hiểu bé đang học hỏi điều gì?

Chúng ta đều nghĩ rằng, các bé cưng chỉ nằm trong bụng chờ đến ngày chào đời. Nhưng bạn có biết bé đã và đang học được rất nhiều thứ từ mẹ ngay khi vẫn còn nằm trong bụng

Thai nhi học cách thích ứng với các loại thực phẩm

Những thay đổi về hormone trong thời gian mang thai khiến nhiều thai phụ xuất hiện những cơn thèm ăn bất thường. Để chiều theo ý mẹ, thai nhi cũng đành phải học cách để thích nghi với tất cả những loại thực phẩm mẹ tiêu thụ.

Bắt đầu từ tuần tuổi thứ 20, tất cả những thức ăn được mẹ dung nạp vào thai nhi đều có thể cảm nhận rất rõ mùi vị. Đó là nguyên nhân tại sao các chuyên gia khuyên các mẹ bầu nên có thói quen ăn uống lành mạnh và đa dạng ngay trong thai kỳ để bé sinh ra sẽ dễ dàng hơn trong chuyện ăn uống. Ngoài ra, khi bạn nếm những mùi vị khó chịu, thai nhi cũng phản ứng lại bằng cách đạp bụng mẹ.

Thai nhi học cách vượt qua những căng thẳng

Trong một nghiên cứu của trường Đại học Durham và Lancaster ở nước Anh, các nhà khoa học đã cho biết, thai nhi trong bụng mẹ sẽ phản ứng dữ dội với trạng thái tinh thần căng thẳng của người mẹ. Cụ thể, mỗi khi mẹ rơi vào trạng thái căng thẳng, thai nhi sẽ dùng tay che mặt như một cách chống lại những tình huống xấu đang diễn ra. Vì thế, các nhà khoa học luôn khuyến cáo các thai phụ cố gắng tạo cho mình môi trường sống và tâm lý ổn định nhất khi bước vào thai kỳ.

Thai nhi học cách biểu cảm trên khuôn mặt

Thông qua những bằng chứng từ hình ảnh siêu âm 4D, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Durham và Lancaster đã chứng minh thai nhi biết cười ngay từ lúc được 24 tuần tuổi. Các biểu cảm phức tạp và đa dạng hơn như nhăn mặt, cau có, nhíu chân mày, nhún mũi, ngáp lớn… có thể xuất hiện ở tuần tuổi thứ 36.

Thai nhi học thuộc lòng

Các nhà khoa học của Đại học Florida, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu bằng cách các mẹ sẽ đọc 2 lần một câu thơ cho thai nhi vào mỗi ngày trong tuần. Kết quả cho thấy sau 2 tuần liên tiếp thực hiện, nhịp tim của thai nhi đều có dấu hiệu chậm lại khi mẹ hoặc bất cứ ai đó đọc câu thơ này. Điều này chứng minh được thai nhi có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin được nhắc lại nhiều lần.

Tương tự, các nhà khoa học cũng nhận thấy trẻ sơ sinh có phản ứng tích cực với đoạn nhạc được mở cho nghe thường xuyên khi còn trong bụng mẹ.

Thai nhi tập bú tay vào những tháng cuối thai kỳ

Cũng theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Durham và Lancaster cho thấy thai nhi khi vào đến giai đoạn cuối thai kỳ thường mở miệng rộng, có động tác đút tay vào miệng để tập mút.

Bé đã bắt đầu học hỏi từ ngay trong bụng mẹ, vậy nên giai đoạn mang thai rất quan trọng, là nền tảng phát triển cho bé sau khi chào đời.

Thanh Quế

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình, NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/qua-tung-giai-doan-phat-trien-cua-thai-nhi-me-hieu-be-dang-hoc-hoi-dieu-gi-24182/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY