Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Quần áo đang âm thầm hại chúng ta như thế nào?

(SKGĐ) Trang phục để bảo vệ làm đẹp cho con người. Nhưng đôi khi chính chúng bị “cướp cò” gây thương tích cho chủ nhân.

Thời trang gây án

Quần áo và chứng bệnh vô sinh

Những trang phục thời trang, bó sát khiến người ta trở nên sexy hơn. Nhưng chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến con người mất khả năng duy trì nòi giống. Các bác sĩ ở bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho rằng với những chiếc quần sịp chật chội, nóng bức khiến cho việc sản xuất tinh trùng của nam giới bị hạn chế. Đó là vì nhiệt độ tinh hoàn luôn phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2-4 độ C nhưng quần lót chật sẽ làm nhiệt độ ở đây tăng lên, khiến tinh binh ít hơn bình thường.

Còn đối với nữ giới thì nội y chật khiến vùng kín nóng hoặc khó thoát mồ hôi gây nên viêm nhiễm. Đồng thời vì nội y khiến cơ thể bị bó sát nên máu khó lưu thông, làm đau vùng xương chậu.

Làn da trập trùng

Các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu cho thấy váy ngắn và áo hở rốn là thủ phạm khiến cho da nhanh chóng bị sần vỏ cam (cellulite). Nguyên nhân là do khi phần cơ thể hở ra bị lạnh thì da phản ứng chống lại thời tiết khiến chúng trở nên mấp mô sần sùi.

Mặt khác, trang phục hở cổ, hở rốn dễ khiến cơ thể nhiễm lạnh gây bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản… Một chứng bệnh phổ biến hơn mà quần áo gây ra đó là tình trạng dị ứng như ngứa, mề đay. Khi gặp chứng bệnh này, mọi người nên hạn chế mặc đồ nhiều nilong, không dùng chất vải dặm, cứng.

Phá vỡ cấu trúc xương

Theo BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc (Bệnh viện Bạch Mai) thì bàn chân có cấu trúc vòm khiến trọng lượng cơ thể được phân bố đều trên cả diện tích bàn chân. Tuy nhiên khi dùng giày cao gót, cơ chế vòm của bàn chân bị phá vỡ.

Chính vì thế nếu đi chúng thường xuyên sẽ gây tổn thương như phù sưng bàn chân, giãn dây chằng, thoái hóa sớm, mọc gai xương gót… Những chiếc giày dép quá chật cũng có thể khiến bạn chai sần da bàn chân. Ngược lại nếu chọn kích cỡ quá rộng có thể khiến bạn luôn mất thăng bằng, dễ ngã.

Secondhand và bệnh truyền nhiễm

Rẻ, đẹp, lạ là ba tiêu chí thường có trong các mặt hàng secondhand. Tuy nhiên yếu tố cũ đã khiến chúng trở nên đáng lo ngại. Bạn có dám chắc người từng mặc nó không bị nấm da, ghẻ lở… Và chắc chắn nếu không được xử lý sạch sẽ thì người dùng sau có nguy cơ lây bệnh rất cao.

Các siêu vi dạng tiềm ẩn có thể tồn tại lâu dài trên bề mặt vải và lây bệnh. Để tránh tình trạng này, bạn cần luộc quần áo, giặt và phơi khô và để vài ngày và là ủi trước khi dùng.

Màu sắc quần áo và sức khỏe

Tại sao cùng một dáng váy, chất liệu, cùng size nhưng khác màu thì khi mặc lên bạn thấy cảm giác khác nhau. Đó là bởi màu sắc trong trang phục có thể tác động lên cảm xúc, tâm tính của con người. Đồng thời nó ảnh hưởng tới não bộ của những người đối diện.

Từ những năm 1900, TS. Max Luscher (Mỹ) đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của màu sắc với hành vi con người và đó là có sở liệu pháp chữa bệnh tâm lý bằng màu sắc. Trong liệu pháp này, người ta thiết kế trang trí căn phòng theo những màu sắc đặc biệt tùy thuộc vào từng bệnh. Màu sắc trên trang phục cũng có thể khiến mỗi người thoải mái hoặc căng thẳng hơn.

Theo đó màu đỏ giúp người ta trở nên sôi động đầy sức sống và quyến rũ tính dục. Màu vàng thể hiện sự thân thiện tự tin sáng sủa. Nhưng nếu thái quá thì hai màu sắc này sẽ kích thích phản ứng ngược khiến người mặc bị căng thẳng mất kiên nhẫn nhất là lúc đang bực bội mệt mỏi thì cần tránh màu sắc này và hãy tìm tới màu mát như xanh trời, xanh lá cây.

Màu tím làm dịu hệ thần kinh, gợi trí tưởng tượng nhưng nếu quá nhiều có thể khiến người ta trầm cảm. Màu hồng gợi cân bằng cảm xúc, hòa bình và thư thái.

Đồng thời màu sắc trang phục kết hợp với thời tiết cũng tác động lớn tới thể chất. Đó là bởi màu sắc có tính phản xạ hoặc hấp thụ ánh sáng. Những trang phục tối màu hoặc quá lòe loẹt bắt nắng nhiều hơn và hấp thụ chúng tạo thành nhiệt năng.

Do đó nếu ngày nắng, bạn diện trang phục màu đen hay nâu hay các loại tối màu khác, những tia nhiệt sẽ được hấp thụ khiến bạn nóng bức, ngột ngạt hơn. Mùa đông thì những trang phục tối màu lại giúp bạn ấm áp hơn.

Thời trang - kho độc chất

Quần áo có thể tồn đọng nhiều hóa chất gây hại nếu quá trình gia công không “sạch”. Các hóa chất tồn dư trong quá trình trồng bông và cả quá trình nhuộm, thuộc như azo, formadehyd, độ pH… có thể gây dị ứng, nhiễm trùng, phát ban, đặc biệt với da nhạy cảm.

TS. Dick Irwin (Chuyên gia độc chất tại Mỹ) khẳng định rằng, hóa chất trên quần áo ngày càng nhiều. Những loại vải tổng hợp như polyester, nylon… thì “xuất thân” từ những thùng hóa chất. Còn các loại chất liệu từ bông thì cũng đã không còn tinh khiếu khi người ta “nã” xuống các cánh đồng này hàng triệu tấn thuốc bảo vệ thực vật.

Ông đã nghiên cứu quá trình trồng, thu hoạch bông đến hoàn thiện vải và quá trình sản xuất vải tổng hợp tại Mỹ và kết luận: ngay cả những loại vải giàu chất liệu tự nhiên ngày nay không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Lời khuyên ông đưa ra là hãy chọn mua chất liệu vải ở những thương hiệu đáng tin cậy, có ghi các thành phần rõ ràng, hãy giặt sạch trước khi sử dụng để hạn chế tác hại.

Còn tại Việt Nam, các loại quần áo Trung Quốc khá phổ biến và đã từng kiểm nghiệm thấy độ pH cao vượt ngưỡng trên 8 và tồn dư chất hoàn thiện formadehyd, các kim loại nặng gây nhiễm trùng hô hấp và các bệnh về da. Tuy nhiên việc nhận biết bằng mắt thường các hóa chất này rất khó khăn và hiện nay các tiêu chuẩn đánh giá này ở Việt Nam còn chưa được chuẩn hóa.

Tạ Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/quan-ao-dang-am-tham-hai-chung-ta-nhu-the-nao-16860/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY