Với Quảng Bình trong chiến tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược, xã Cự Nẫm là một trong những địa danh trở thành thành trì kiên cường khi người dân từ già đến trẻ đào hầm bí mật, hố chiến đấu, đặt bẫy, gài chông... để bảo vệ làng trước giặc ngoại xâm. Cự Nẫm thời điểm đó được coi là làng chiến đấu kiểu mẫu.
Bia công tích nằm ở đầu làng Cự Nẫm thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) chia sẻ: Bố Trạch là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được xem là "trái tim" du lịch của tỉnh, Bố Trạch là một trong những địa phương có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.
Việc chuyển tải các giá trị văn hóa vào sản phẩm du lịch theo định hướng sản phẩm du lịch kết hợp với các sản phẩm du lịch để phục vụ cho việc phát triển du lịch là cách tiếp cận hữu hiệu vừa "đa dạng hóa" và vừa "đặc thù hóa" sản phẩm du lịch cho địa phương.
Giếng Choi được xây dựng cuối thế kỷ 19 nhằm lấy nước phục vụ sinh hoạt cho người dân Cự Nẫm.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại các xã vùng đệm của Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn chưa phát huy được các giá trị tài nguyên và lợi thế cạnh tranh cũng như gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
"Xã Cự Nẫm là xã có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu nổi bật hàng đầu trên địa bàn tỉnh với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng với những giá trị văn hóa độc đáo của vùng "địa linh nhân kiệt", làng chiến đấu hào hùng trong kháng chiến… do đó Cự Nẫm phù hợp để phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, chuyển tải đầy đủ các giá trị đời sống sản xuất - sinh hoạt, văn hóa ký ức và hiện sinh của xã Cự Nẫm đến với du khách gần xa là xây dựng Làng Văn hóa Du lịch theo mô hình "Làng Du lịch", ông Hồng cho hay.
Tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt đề án "Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm" tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch với mục tiêu đến 2025 đủ điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh, trở thành điểm đến tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung Bộ với mong muốn xây dựng nơi đây thành khu vực có tính nổi bật, đại diện và ấn tượng gắn với đặc trưng nông nghiệp và làng nghề truyền thống và các giá trị văn hoá của địa phương.
Trong đó các khu check-in gắn với các tượng gốm trái cây biểu trưng vùng. Không gian chụp ảnh này sẽ được bố trí ở các địa điểm như điểm dừng chân, điểm bán hàng, Công viên chủ đề hoặc khu vực đầu các thôn, các điểm check-in thể hiện tính đặc trưng sản phẩm nông nghiệp của Làng.
Một Homestay được xây dựng để du khách đến nghỉ ngơi và chụp ảnh lưu niệm.
Điều đặc biệt trong đề án này đó chính là việc thiết kế xây dựng không gian lưu giữ ký ức của du khách: Với thế mạnh về thiên nhiên và được định danh là "Làng chiến đấu", không gian lưu giữ ký ức của du khách được thiết kế tại làng nghề truyền thống ở thôn Hạ Môn.
Bên cạnh đó, những hộ gia đình khác trong khuôn viên Làng văn hoá du lịch Cự Nẫm sẵn sàng tham gia vào hoạt động du lịch nhằm lưu giữ ký ức của du khách khi đến Làng trên nền tảng phát huy thế mạnh về làng nghề truyền thống và hoạt động nông nghiệp của địa phương.
Phối hợp với hộ dân thực hiện các khu canh tác đặc thù tạo sự phong phú đa dạng cho nhu cầu khách hàng và thúc đẩy phát triển bền vững cho canh tác nông nghiệp tại Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm với những Organic Farm phát triển nguồn gốc cây trồng hay các Family Farm; Eco Tourist Farm…
Vĩnh Quý - Phúc An
Chủ đề liên quan:
làng du lịch