Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Rằm Tháng 4 âm lịch Ngày Bồ Tát Thành Đạo

Ngày Rằm tháng 4 âm lịch hay còn gọi là ngày Đại lễ tam hợp Vesak vì nó kỷ niệm 3 Sự kiện lớn- Bồ tát đản sanh- Bồ tát thành đạo- Đức Phật Niết Bàn

1/ Ý nghĩa ngày Rằm Tháng 4 âm lịch
Ngày Rằm tháng 4 âm lịch hay còn gọi là ngày Đại lễ tam hợp Vesak vì nó kỷ niệm 3 Sự kiện lớn
- Bồ tát đản sanh
- Bồ tát thành đạo
- Đức Phật Niết Bàn

Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam Hợp nhằm kỷ niệm ba sự kiện hết sức trọng đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni hay Gotama Buddha) trong cùng một ngày, đó là ngày trăng tròn tháng Vesak hay Vesākha tại Ấn Độ, tương đương ngày rằm tháng Tư Âm lịch!
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một vị Phật lịch sử, ra đời tại Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm, là vị Phật được tất cả các truyền thống Phật giáo lớn hiện nay trên thế giới chấp nhận và tôn thờ!
- Phật giáo Theravāda (Nam Tông hay Nguyên Thuỷ) tiêu biểu của các nước như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Truyền thống này chỉ tôn thờ duy nhất một Đức Phật Thích Ca lịch sử như là một vị thầy cao quý nhất của mình.
- Phật giáo Mahāyāna (Bắc Tông hay Đại Thừa) tiêu biểu của các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Truyền thống này ngoài tôn thờ Đức Phật Thích Ca lịch sử còn tôn thờ nhiều vị Phật và Bồ-tát khác như Phật A-di-đà, Phật Dược Sư, bồ tát Quán Thế Âm …
- Phật giáo Vajrayāna hay Tantrayāna (Kim cương Thừa, hay Mật Tông) tiêu biểu ở các nước như Tây Tạng, Phù Tang, Nepal …). Truyền thống này cũng thuộc về Phật Giáo Đại Thừa nhưng có nhiều nghi lễ và phương thức hành trì khá bí mật và riêng biệt, như trì chú, thiền định, truyền tâm ấn … Truyền thống này ngoài tôn thờ Đức Phật Thích Ca lịch sử cũng còn tôn thờ nhiều vị Phật và Bồ tát khác như Phật Đại Nhật Như Lai, Quán Thế Âm …



Tuy có nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau như vậy nhưng tất cả đều có chung một cội nguồn cao quý, đó là tôn thờ và chấp nhận những lời dạy tinh tuý của Đức Phật Thích Ca lịch sử!
Theo các nhà Phật học phần đông trên thế giới, đức Bồ-tát Sĩ-đạt-ta (Siddhattha), con của đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma-da (Mahāmayā) đản sanh vào năm 624 TCN. Từ đó, Phật lịch (tính năm tịch diệt của Đức Phật) năm nay chính là 2567, Dương Lịch 2023 - nghĩa là đạo Phật đã xuất hiện, tồn tại và trải qua hơn một phần hai chặng đường của thọ mạng (vì theo sớ giải, giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ tồn tại trên thế gian khoảng 5000 năm).
Năm nay, ba sự kiện trọng đại của ngày Đại Lễ Vesak liên quan đến cuộc đời của Đức Từ Phụ Phật Thích Ca Mâu Ni như sau :
- Thứ nhất, kỷ niệm 2647 năm, đức Bồ-tát Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) đản sinh kiếp chót tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapikavathu) thuộc biên giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay.
- Thứ hai, kỷ niệm 2612 năm, đức Bồ-tát Sĩ-đạt-ta (Siddhattha) đã chứng đắc đạo quả Vô Thượng Chánh Giác dưới cội Bồ-đề, nay gọi là Bodh Gaya, tại Ấn Độ, trở thành một vị Phật Toàn Giác trên cõi Châu Diêm Phù Đề (Jampudipa) với danh Hiệu là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha) hay Đức Phật Cồ-đàm (Gotama Buddha).
- Thứ ba, kỷ niệm 2567 năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Vô Dư Niết-bàn, chấm dứt sanh tử luân hồi tại rừng Sa-la, giữa hai cây đại thọ của thành Kusinārā thuộc nước Ấn Độ ngày nay.
Theo truyền thống Phật giáo Nam Tông nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung, ba sự kiện trọng đại ấy của Đức Phật được xảy ra trong cùng một ngày, một tháng và chỉ khác nhau về năm, gọi là ngày trăng tròn tháng Vesak hay Vesākha tức là 15 tháng tư Âm lịch.
Đại lễ Vesak hiện nay không còn là một lễ hội đơn thuần dành riêng cho Phật giáo mà nó đã trở thành một lễ Hội thiêng liêng tiêu biểu cho Hoà Bình của thế giới, vì bản chất và giá trị lời dạy của Đức Phật lịch sử có khả năng khiến người thực hành đoạn tận khổ đau, hướng đến hoà bình và chơn an lạc ngay trong cuộc sống này. Đó là giáo lý Tứ Diệu Đế, là Bát Chánh Đạo, là Tứ Niệm Xứ, là Lý Duyên Khởi v.v…
2. Một số câu hỏi về ngày Vesak

    Hỏi: Tại sao bồ tát lại đản sanh xuống nhân gian?

Đáp: Do ước nguyện trở thành vị phật;

    Hỏi: Bồ Tát từ cõi nào sinh xuống nhân gian?

Đáp: Từ cõi trời Đâu Suất.

    Hỏi: Một vị trời khi sắp chết sẽ có biểu hiện gì?

Đáp: Có 5 tướng suy hiện ra:
• Hoa trên người khô héo;
• Màu sắc Thiên y phai nhạt;
• Nách chảy mồ hôi;
• Màu da đen tối;
• Nhàm chán Thiên dục.

    Hỏi: Trước khi đản sinh Bồ Tát thường xem xét điều gì?

Đáp: Bồ Tát quan sát 5 điều:
• Tuổi thọ: Không quá ngắn, không quá dài;
• Châu lục: Nam Diêm Phù Đề;
• Quốc gia: Trung tâm địa cầu;
• Dòng tộc: Cao quý;
• Mẫu thân: Đức hạnh.

    Hỏi: Bồ Tát còn phiền não: Tham, sân, si không? Tại sao?

Đáp: Còn. Vì đang trên đường tu tập.

    Hỏi: Nếu muốn trở thành một vị Phật thì phải làm gì?

Đáp: Phải hành Bồ Tát đạo.

    Hỏi: Bồ Tát Siddhāttha (Tất Đạt Đa) đản sinh ở đâu?

Đáp: Bồ Tát Siddhāttha (Tất Đạt Đa) đản sinh ở dưới gốc cây sala vô ưu, trong vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini).

    Hỏi: Hoàng hậu Ma Da (Mahamaya) qua đời khi nào và bà tái sinh về đâu?

Đáp: Bà qua đời sau khi sinh thái tử được 7 ngày. Bà tái sinh về cõi trời Đâu Suất.

    Hỏi: Các nhà tiên tri đã tiên đoán như thế nào về tương lai của Bồ Tát?

Đáp: Nếu ở tại gia Người sẽ làm vua Chuyển luân Thánh vương. Nếu xuất gia Người sẽ thành Phật.

    Hỏi: Tên Siddhāttha (Tất Đạt Đa) có ý nghĩa gì?

Đáp: Người sẽ thành tựu được ước nguyện.

    Hỏi: Thái tử Tất Đạt Đa đã cảm nhận điều gì trong buổi lễ hạ điền?

Đáp: Ngài cảm nhận được nỗi khổ của trần gian và hạnh phúc của pháp hành thiền.

    Hỏi: Tại sao Thái tử Siddhāttha lại nhàm chán đời sống dục lạc ở thế gian?

Đáp: Vì ước nguyện thành Phật và các Ba-la-mật đang chín mùi thôi thúc Ngài nhàm chán thế gian.

    Hỏi: Thái tử Siddhāttha đã nghĩ gì khi thấy 4 cảnh: Già, bệnh, chết, người tu?

Đáp: Ngài nghĩ:
• Ta cũng phải già;
• Ta cũng phải bệnh;
• Ta cũng phải chết;
• Ta cũng phải đi tu.

    Hỏi: Tại sao con trai Thái tử lại được đặt tên là La Hầu La (Rāhula)?

Đáp: Vì Ngài nói đứa con này là sợi dây trói buộc.

    Hỏi: Thái tử Siddhāttha đi xuất gia trước ngày Rāhula ra đời hay sau đó?

Đáp: Ngài đi xuất gia ngay trong ngày hôm đó.

    Hỏi: Tại sao Thái tử Siddhāttha lại đi xuất gia trong ngày con trai chào đời?

Đáp: Vì Ngài không muốn bị ràng buộc.

    Hỏi: Tại sao Thái tử Siddhāttha lại không muốn làm vua? Ngài xuất gia để làm gì?

Đáp: Vì làm vua cũng không thoát khỏi già, bệnh, chết. Xuất gia vì muốn giải thoát già, bệnh, chết.

    Hỏi: Tại sao bốn cảnh: Già, bệnh, chết và người tu lại xuất hiện trong chuyến du hành của thái tử?

Đáp: Do các vị chư Thiên biến hiện ra để thức tỉnh thái tử.

    Hỏi: Thái tử Siddhāttha đã làm lễ xuất gia ở đâu? Đáp:

Thái tử Siddhāttha đã làm lễ xuất gia bên bờ sông Anoma.

    Hỏi: Tóc và áo choàng của Ngài đang được tôn thờ ở cõi nào?

Đáp: Tóc của Ngài đang được tôn thờ ở cõi trời Đao Lợi. Áo choàng của Ngài đang được thờ ở cõi Sắc Cứu Cánh Thiên.

    Hỏi: Khi xuất gia, đạo sĩ Tất Đạt Đa đã tu hành trong vương quốc nào?

Đáp: Ngài đã tu hành ở nước Ma Kiệt Đà của vua Bimbisāra.

    Hỏi: Học đạo với vị thầy thứ nhất Bồ Tát có tu được kết quả gì không?

Đáp: Ngài chứng được đến tầng thiền vô sở hữu xứ.

    Hỏi: Đến với vị thầy thứ hai Bồ Tát tu được gì?

Đáp: Ngài chứng được pháp thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ.

    Hỏi: Trải qua 6 năm tu khổ hạnh là tu đúng hay tu sai? Ngài có đắc Đạo được không?

Đáp: Là tu sai. Không đắc Đạo được.

    Hỏi: Tại sao Bồ Tát Siddhāttha phải trải qua 6 năm tu khổ hạnh?

Đáp: Đó là quả báo của nghiệp bất thiện từ kiếp quá khứ: Khi đó Ngài là vị Bà la môn Jotipāla, đã xúc phạm đến Đức Phật Kassapa bằng 6 lần nói: “Việc gì ta phải kính lễ vị sa môn trọc đầu ấy”.

    Hỏi: Mục đích tu khổ hạnh là để làm gì?

Đáp: Để diệt trừ các tâm bất thiện.

    Hỏi: Nhân duyên gì khiến Ngài thức tỉnh con đường trung đạo?

Đáp: Ngài nghe tiếng đàn của Thiên chủ Sakka.

    Hỏi: Đạo sĩ Siddhāttha tu khổ hạnh, vậy sự khổ hạnh ấy là thân khổ hạnh hay tâm khổ hạnh.

Đáp: Thân khổ hạnh.

    Hỏi: Khi tu khổ hạnh như vậy là tạo thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp? Tại sao?

Đáp: Cả hai:
• Chiến đấu với phiền não là thiện nghiệp.
• Cho rằng tu thế này sẽ đi đến giác ngộ là tà kiến (hiểu sai) là ác nghiệp.

    Hỏi: Tại sao 5 người bạn lại bỏ Ngài ra đi?

Đáp: Vì họ thấy Ngài không tu khổ hạnh nữa.

    Hỏi: Ai đã bảo vệ Đức Bồ Tát khi Ngài bị ác ma quấy phá?

Đáp: Các Ba-la-mật mà Ngài đã tạo.

    Hỏi: Ai làm chứng cho các Ba-la-mật mà Ngài đã tạo khi tu Bồ Tát Đạo?

Đáp: Đất làm chứng.

    Hỏi: Bồ Tát bị ác ma quấy phá vậy đó là ma trong lòng hay ma ở bên ngoài?

Đáp: Cả hai.

    Hỏi: Tại sao Bồ Tát lại bị ma trong lòng quấy phá? Đáp:

Do chánh niệm yếu, tà niệm nổi lên. Tà niệm chính là ma phiền não.

    Hỏi: Tại sao Bồ Tát lại bị ma bên ngoài quấy phá?

Đáp: Đó là các vị chư Thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, có tà kiến, muốn mọi chúng sinh ở dưới sự cai quản của mình, không muốn ai hơn mình.

    Hỏi: Làm sao để đối trị được ma trong lòng?

Đáp: Luôn giữ chánh niệm, an trú trong Tứ Niệm Xứ. Hỏi: Đức Bồ Tát đã chiến đấu với ác ma như thế nào? Đáp: Ngài đã tưởng niệm đến các pháp Ba-la-mật.


Riêng đối với truyền thống Phật giáo Nam Tông ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, tuỳ theo điều kiện của mình, mỗi người con Phật có những hoạt động Phật sự phù hợp với thực tế nhằm đem lại lợi ích cho mình và cho người, như làm các việc thiện sự, giúp đỡ người nghèo, nghi thức tắm phật, chiêm bái xá lợi, cúng dường ánh sáng, thọ trì bát quan trai giới, tụng kinh, hành thiền, nghe pháp và thọ đầu đà … nhằm dâng lên Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nhân ngày đại lễ Vesak thiêng liêng này.
Tóm lại, Ngày đại lễ Vesak - Tam Hợp là một ngày hết sức thiêng liêng và cao quý đối với những người con Phật như chúng ta. Thật là hạnh phúc thay cho những ai được sinh làm người, được làm người con Phật và được nghe và thực hành theo lời dạy cao quý của Ngài.
Mong cho tất cả chúng sanh đều được an vui và gặp được chánh pháp để hành trì.

Tác giả: Tiểu Ngọc

Mạng Y Tế
Nguồn: Lịch vạn niên 365 (https://lichvannien365.com/ram-thang-4-am-lich-ngay-bo-tat-thanh-dao.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY