Hội đền Kiếp Bạc là một trong những lễ hội truyền thống lớn của người dân Việt Nam, đây không chỉ là lễ hội văn hóa mà còn là lễ hội mang tính lịch sử.
► Mời các bạn: Tra cứu ngày âm lịch hôm nay chuẩn xác theo Lịch vạn sự |
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào mùa thu khi tiết trời tuyệt đẹp với nắng vàng và gió nhẹ, cụ thể là vào khoảng thời gian từ ngày 15 tới ngày 20 tháng 8 Âm lịch, thu hút hàng vạn du khách từ khắp mọi miền đất nước về Hải Dương trẩy hội.
Đền Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương là một vùng non nước hữu tình. Nơi đây thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Khu di tích đền Kiếp Bạc nằm đối diện với sông Phả Lại, phía sau đền là núi Dược Sơn có hình cánh cung như ôm trọn cả khu di tích. Đền gồm có Thượng Điện, lăng mộ Trần Quốc Tuấn, bàn thờ mẹ và hai con gái, con rể, cùng bàn thờ Yết Kiêu và Dã Tượng - hai vị tướng tài giỏi thân thiết của Trần Quốc Tuấn. Những cụ già trong vùng kể lại rằng, trước đây, vào ngày hội đền hàng năm, đều có đại diện của triều đình về dự tế rất long trọng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, những hoạt động chính trong ngày hội thường thiên về cúng bái, phù chú, lên đồng... vì người ta tin rằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là người có công cứu nước, giải phóng dân tộc mà còn là vị thần phù hộ đối với phụ nữ và trẻ em, có tài bắt ma trừ yêu và chữa được những bệnh nan y… Ngày nay, sự mê tín đã giảm đi nhiều nên ý nghĩa của ngày hội trở nên trong sáng hơn nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống, thiêng liêng và đặc sắc.
Hội đền Kiếp Bạc diễn ra tại đền Kiếp Bạc, ngày chính hội là ngày 19 tháng 8 Âm lịch rất náo nhiệt và đông vui. Ngày hội được mở đầu bằng lễ dâng hương của chính quyền địa phương. Đại diện chính quyền đọc diễn văn ca ngợi công đức của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, ca ngợi thắng lợi của cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giữ lại không khí oanh liệt, hào hùng của dân tộc hơn bảy trăm năm trước, đồng thời biểu dương tinh thần đại đoàn kết và lòng yêu nước của nhân dân ta. Lễ dâng hương kết thúc là đến phần hội bao gồm những trò chơi dân gian lôi cuốn nhiều người tham dự, trong đó đặc sắc nhất là trò bơi trải – đua thuyền. Những chiếc thuyền đầy màu sắc lướt nhanh như tên bắn giữa dòng nước trong tiếng reo hò, cổ vũ náo nhiệt của người đứng xem hai bên bờ thu hút hàng vạn người xem.
Bên cạnh lễ hội thì
đền Kiếp Bạc cũng là một danh lam thắng cảnh mà du khách không thể bỏ qua. Đi thuyền trên sông Phả Lại sẽ được ngắm toàn bộ cảnh quan nơi này. Nếu bạn lên núi Dục Sơn, bạn có thể ngồi tâm tình với người thân yêu trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, dưới những tán cây râm mát trong màu vàng nhạt của nắng mùa thu. Du khách còn được xem phim, xem kịch, xem chèo có nội dung gắn với lễ hội hoặc chứng kiến tận mắt những chiếc cọc đã từng đâm thủng chiếc thuyền của tướng Ô Mã Nhi hay sơ đồ những trận đánh của Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn trong bảo tàng trưng bày truyền thống của quân dân nhà Trần… Từ hội đền Kiếp Bạc trở về, bạn có thể mua những chiếc khánh, hay vòng bằng đồng, bằng gỗ hoặc xâu bằng những hạt cườm nhiều màu để làm kỷ niệm hay làm quà tặng người thân, bạn bè…
TH.Linh thiêng không khí ngày Quốc lễ - Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịchTưng bừng lễ hội Lồng Tồng – Giá trị văn hóa giàu bản sắcLễ hội đền Hai Bà Trưng - nhân dân Đồng Nhân tưng bừng ngày hội