Dinh dưỡng hôm nay

Rau muống: Xứng danh vua của các loại rau

Nhiều người nghĩ rau muống không lành tính, nên khi bị bất kỳ vấn đề gì đó về sức khỏe họ thường không ăn rau muống. Nhưng kỳ thực rau muống có khá nhiều công dụng thiết thực tốt cho sức khỏe.

Trong 100g rau muống có: 78,2g nước, 85mg canxi, 31,5mg phốtpho, 20g vitamin C và một hàm lượng nhỏ protein (3,2%), sắt, vitamin B1, B2, PP, caroten, axit nicotic…

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam do GS. Đỗ Tất Lợi biên soạn, rau muống chứa nhiều khoáng chất canxi, phospho, sắt và các sinh tố như vitamin C, B1, B2, PP... nên rất tốt cho sức khỏe.

Còn Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết, rau muống trong Đông y có nhiều tên gọi khác nhau như ung thái hoặc uông thái, thông thái, không tâm thái... Dù là gọi theo cách nào thì rau muống có 2 loại được dùng phổ biến trong dân gian và có tác dụng chữa bệnh đó là rau muống tía và trắng. Ngoài ra còn có một loại nữa là rau muống biển nhưng không được sử dụng rộng rãi.

Rau muống giúp thanh nhiệt, giải độcxml:namespace prefix="o" />

Lương y Bùi Hồng Minh cho biết: “Trong Đông y rau muống có vị ngọt, tính lạnh. Rau muống đi vào các kinh: Can (gan), tâm (tim), đại trường (ruột già), tiểu trường (ruột non) có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết thông tiểu… Cũng vì vậy mà vào mùa hè rau muống được mọi người rất ưu dùng từ luộc, xào tỏi, nấu canh… để giải nhiệt cơ thể.

Những trường hợp nóng sốt có thể dùng một nắm rau muống tươi rửa sạch để ráo nước rồi giã, vắt lấy nước uống có thể giảm ho giảm sốt rất hiệu quả. Riêng đối với những người làm việc mệt nhọc bị lao lực trong tâm phiều não có thể dùng nước rau muống để uống hay nấu ăn để thanh nhiệt phục hồi sức khoẻ. Còn trẻ em khi bị rôm sẩy, thuỷ đậu có thể dùng nước rau muống sao khô để hạ thổ và dùng nấu nước tắm sẽ nhanh khỏi.

Không chỉ giải nhiệt, nước rau muống tươi còn được sử dụng để giải độc trong các trường hợp bị ngộ độc: lá ngón, thạch tín, thuỷ ngân, côn trùng, rắn rết cắn…”. Trong trường hợp bị rết cắn, rắn cắn, ong đốt dùng lá rau muống từ 7-9 ngọn (nam dùng 7 ngọn, nữ dùng 9 ngọn) tươi giã nát vắt lấy nước uống bã đắp vết thương côn trùng cắn sẽ nhanh lành.

Rau muống phòng ngừa loãng xương

Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, rau muống có chứa hàm lượng canxi rất cao nên rất tốt để phòng và hỗ trợ trị bệnh loãng xương. Bởi thế với trẻ em, dùng rau muống thường xuyên có thể tránh bệnh còi xương. Phụ nữ dùng để giảm nguy cơ loãng xương, còn những người lao động nặng nhọc, người già có thể sử dụng rau muống để giúp cho xương chắc khoẻ.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý “Những người bị sỏi thận không nên dùng nhiều rau muống vì nó có hàm lượng canxi cao tăng kích thước và thêm sỏi. Nếu những đối tượng này muốn dùng thì nên vắt thêm nước cốt chanh để làm tan calci trong nước rau muống…”

Rau muống tốt cho bệnh tiểu đường

Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh được trong rau muống đỏ có chứa một chất giống như insulin. Vì vậy đối với người mắc bệnh đái tháo đường ăn rau muống thường xuyên sẽ giúp hạ đường trong máu... Lương y Bùi Hồng Minh khuyên “Bệnh nhân đái tháo đường nên ăn 5-10 ngọn rau muống trước bữa ăn khoảng 30 phút”.

Tuy nhiên, rau muống để chữa bệnh cần phải sạch. Những loại rau muống (đặc biệt loại cấy dưới nước) rất dễ nhiễm độc chì, sán lá gan gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bởi thế, lương y Hồng Minh khuyên mọi người nên nếu dùng rau muống sống thì nên tự trồng tại nhà.

Rau muống giúp chữa lành vết thương

Rất nhiều người khi bị thương thường không dám ăn rau muống vì sợ vết sẹo lồi ra. Trước tin đồn này, Lương y Hồng Minh nhấn mạnh: Rau muống còn được dùng chữa các vết thương bị hoại tử, vết thương rộng vì dùng rau muống sẽ nhanh chóng lên da non và liền sẹo.

Nhưng khi dùng cần lưu ý khi vết thương đã đầy thì nên dừng lại. Nếu dùng nhiều thì sẹo sẽ lồi ra trông rất xấu xí, đặc biệt với những người có cơ địa sẹo lồi.

Những trường hợp không nên dùng rau muống

- Huyết áp thấp.

- Suy nhược nặng.

- Đang uống thuốc Đông y, nếu ăn rau muống sẽ làm giã thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.

- Viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong).

- Viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi.

- Điều trị bệnh nội khoa, ngoại khoa nào đó cũng không nên dùng.

T.H

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/rau-muong-xung-danh-vua-cua-cac-loai-rau-15782/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY