Dinh dưỡng hôm nay

Rượu Xuân: Vui có chừng, dừng đúng lúc

Vào ngày cận Tết và Tết, việc uống rượu bia là điều khó tránh khỏi, thế nhưng uống như thế nào để giảm thiểu tác hại của bia rượu đối với sức khỏe là điều chúng ta có thể làm được.

Tết quá chén, xuân hết vui

Chúc nhau một chén rượu đầu năm vốn là thói quen, phong tục xưa nay của người Việt. Nếu như dùng có chừng mực với liều lượng vừa phải thì rượu mừng xuân vừa có ý nghĩa vừa tốt cho sức khỏe.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo giới hạn chất cồn là 1-2 đơn vị quốc tế/ngày, trong đó 1 đơn vị = 25ml thức uống có cồn 40 độ, hoặc 50ml thức uống có cồn 20 độ. Với liều lượng này, uống mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và đột quỵ.

Trái lại, bất cứ ai uống quá giới hạn đó, thì những tác hại bắt đầu xảy ra: gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan là 3 căn bệnh do cồn gây ra, có thể xảy ra cùng một lúc, hoặc diễn tiến từ từ theo thời gian. Nguy hiểm nhất là xơ gan - là một trong những nguy cơ lớn nhất gây ung thư gan. Vì vậy, ngày Tết điều quan trọng là phải nhắc mình biết điểm dừng trước bia rượu.

Theo Ths. Vũ Thị Tuyết Mai - bác sĩ đa khoa, Bộ Y tế, uống nhiều rượu bia ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như thận, gan, dạ dày, tụy, não… Trong đó, gan là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất.

Ths. Tuyết Mai phân tích, khi uống rượu, chất cồn được hấp thu nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Toàn bộ lượng máu ở đường tiêu hóa đều phải đi qua gan trước khi về tim. Vì vậy, gan là nơi tập trung nồng độ cồn cao nhất. Tế bào gan có hệ thống men (enzyme) chuyển hóa cồn, biến đổi cồn qua một chuỗi phản ứng hóa học để cuối cùng cho ra CO2 và nước, thải ra ngoài qua nước tiểu và phổi. Song khả năng của gan chỉ có hạn, nó chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Nếu bạn uống quá mức, nồng độ cồn sẽ tăng dần trong máu.

Theo đó, Ths. Tuyết Mai khuyến cáo rằng đừng bao giờ để xảy ra bệnh rồi mới bắt đầu bỏ rượu. Tốt nhất hãy bỏ hẳn hoặc hạn chế uống rượu bia, trong giới hạn khuyến cáo: nam chỉ uống không quá 4 đơn vị/ngày và dưới 21 đơn vị/tuần. Nữ: giới hạn là 3 đơn vị/ngày và 14 đơn vị/tuần. Đối với phụ nữ mang thai thì tuyệt đối không uống rượu.

Ảnh minh họa

Mẹo hạn chế tác hại của rượu, bia

Ăn lót dạ trước khi nhập cuộc: Trước khi gia nhập vào một cuộc nhậu nhẹt nào đó, bạn nên ăn chút trứng gà, đặc biệt là phải ăn cả lòng trắng, bởi lượng protein trong lòng trắng giúp kết tủa chất cồn, giảm lượng cồn bị ngấm vào máu, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của rượu. Bạn cũng có thể ăn một ít hoa quả có tính acid cao như xoài, bưởi hoặc ăn giá đậu xanh (ăn cả phần lá mầm), uống nước vỏ đậu xanh… vì chúng giúp “xử lý” bớt chất cồn.

Hâm nóng rượu trước khi uống: Hâm nóng rượu cảm giác dễ chịu và ngon hơn. Dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi, từ đó giảm được những tác động xấu của rượu tới sức khỏe cơ thể. Muốn hâm nóng phải hâm cách thuỷ chứ không đổ rượu ra đun. Nhiệt độ thích hợp để hâm nóng là 30-40 độ C.

Uống nhiều nước: Khi uống rượu, rượu làm cho cơ thể bị mất nước và thường gây cảm giác nôn nao, khó chịu. Đây là lý do chính khiến bạn cần phải uống thật nhiều nước trước và trong khi uống rượu. Uống nhiều nước cũng sẽ khiến bạn đi vệ sinh nhiều hơn, giúp đẩy nhanh quá trình đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện, hạn chế cơn say khi uống rượu.

Chọn đồ nhắm an toàn: Nên chọn loại đồ nhắm có hàm lượng vitamin C, B1, B6 cao như những chế phẩm từ đậu, trứng vịt, gan lợn, khoai tây, rau xanh, mướp đắng, cà chua, củ cải. Hạn chế dùng nhiều cá to, thịt ngon, cao lương mĩ vị.

Giải độc sau khi uống: Chanh là một gợi ý hoàn hảo cho bạn giúp lấy lại thần sắc sau mỗi cuộc nhậu nhẹt. Vắt nửa quả chanh vào một ly nước và uống. Bằng cách này, nước chanh sẽ giúp cơ thể lấy lại được sự cân bằng hóa học và đào thải các độc tố cũng như làm tiêu tan các chất béo. Ngoài ra, trong thiên nhiên có nhiều loại trà giải độc rất tốt như trà gạo lứt, trà xanh… bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng chúng.

Siêng vận động: Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tại ĐH Bath được công bố trên tờ The Journal of Physiology mới đây đã khẳng định có thể giảm bớt tác hại do những bữa nhậu liên tiếp gây ra vào những ngày nghỉ liên tục như dịp lễ Tết bằng cách tập thể dục cường độ cao trong buổi tập khá lâu. Theo đó, bạn nên duy trì một chế độ vận động thường xuyên để tăng sức đề kháng, bảo vệ mình trước tác hại của bia rượu.

Rượu nhâm nhi, bia uống nhanh:

Nhiệt độ bia quá thấp hay quá cao đều không tốt sau uống cảm giác đầy ấm ách trong bụng. Nhiệt độ thích hợp cho bia 12-15 độ C, nếu lỡ để bia quá lạnh nên đặt bia vào nước nóng 30 độ C để nhiệt độ đạt đến 12-15 độ C là thích hợp.

Khi uống nên uống nhanh không uống nhâm nhi như rượu. Uống chậm sẽ làm mất chất anhydrit cacbonic do vậy giá trị giải nhiệt sẽ giảm, uống ngụm nhỏ ngậm lâu trong miệng làm nhiệt độ bia nóng lên nên có cảm giác nóng và mất ngon.

Áp dụng nguyên tắc “3 KHÔNG”

KHÔNG uống rượu khi đói: Khi bụng đói, lượng acid trong dạ dày tăng lên, khi kết hợp với chất cồn trong rượu sẽ làm bạn dễ say hơn, kèm theo đó là cảm giác nôn nao, khó chịu.

KHÔNG dùng nhiều loại rượu cùng lúc: Mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi uống lẫn lộn sẽ dễ say hơn.

KHÔNG uống nhiều một lúc: Uống rượu từ từ cũng là cách giảm cơn say của bạn vì khi một lượng cồn lớn bất ngờ "đổ bộ" vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới choáng và nhanh say hơn.

Thực phẩm tuyệt đối cần tránh khi uống rượu:

- Các món chứa phèn chua

- Thức ăn hun khói và có chứa chất bảo quản

- Đồ nướng

- Sữa và các sản phẩm từ sữa

- Sầu riêng, hồng, cà rốt.

Quyên Quyên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/ruou-xuan-vui-co-chung-dung-dung-luc-20736/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY