Bước tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang cận kề. Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch thực hiện hành động chống lại các nhà sản xuất và ứng dụng Trung Quốc “không đáng tin cậy”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump không cho biết cách thực hiện cụ thể ngoài việc tuyên bố sẽ ngăn các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cài sẵn hoặc tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất Mỹ trên thiết bị của mình.
Cụ thể hơn, Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo đã đưa ra 5 biện pháp đàn áp công nghệ Trung Quốc để "bảo vệ tài sản của Mỹ" gồm:
- Đảm bảo các nhà mạng không đáng tin cậy Trung Quốc không được kết nối với các mạng viễn thông Mỹ.
- Xóa các ứng dụng không đáng tin cậy khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.
- Ngăn chặn các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc không tin cậy cài đặt sẵn hoặc tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ.
- Ngăn chặn công dân Mỹ, thông tin cá nhân nhạy cảm và các công ty sở hữu trí tuệ không bị lưu trữ và truy cập trên các dịch vụ dựa trên đám mây của Trung Quốc.
- Đảm bảo các tuyến cáp dưới biển kết nối Mỹ với internet toàn cầu không bị xâm phạm để thu thập thông tin bởi tình báo của Trung Quốc.
Hôm 6.8, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch của Mỹ với ByteDance và Tencent, công ty mẹ của TikTok và WeChat, sau 45 ngày tới. Theo đó, người Mỹ không được thực hiện giao dịch kinh doanh với TikTok và WeChat thuộc Trung Quốc từ sau ngày 20.9. Điều đó có nghĩa là TikTok sẽ bị đóng cửa nếu không bán lại cho công ty Mỹ. Nếu vậy, nhiều khả năng TikTok sẽ bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple và Google.
Thuật ngữ “không đáng tin cậy” là cực kỳ rộng, như cảnh báo tất cả nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp dự phòng ngay bây giờ. Những tuyên bố cho đến nay từ Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo gây liên tưởng đến ngôn ngữ mà Chính phủ Hoa Kỳ từng sử dụng trước khi có hành động chống lại Huawei, công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc.
Lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với Huawei vào giữa 2019 gây xôn xao khắp thế giới. Trong đó, Huawei có tên trong danh sách thực thể của Mỹ, có nghĩa là một số công ty Mỹ và các hãng công nghệ có nguồn gốc từ nước này không được phép tự do kinh doanh với Huawei.
Một loạt biện pháp hạn chế, trừng phạt tương tự có thể ảnh hưởng đến các thương hiệu smartphone chạy Android khác từ Trung Quốc và họ cần phải chuẩn bị để đối mặt với những thách thức tương tự hoặc có thể tồi tệ hơn rất nhiều.
Google là một trong những công ty Mỹ quan trọng nhất buộc phải cắt đứt mối quan hệ với Huawei. Việc mất hệ điều hành Android và Google Play Store chắc chắn là đòn giáng mạnh vào công ty Trung Quốc. Tất cả các smartphone và máy tính bảng gần đây của Huawei đều không có các ứng dụng và dịch vụ Google quen thuộc như Chrome, Maps, Search, YouTube, Play Store.
Vị thế của Huawei trên thị trường toàn cầu vẫn vững chắc, nhưng chủ yếu được duy trì bởi doanh số bán smartphone ở Trung Quốc, nơi Google bị hạn chế hoạt động.
Điều tương tự có thể xảy đến với các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khách nếu Mỹ quyết định rằng tất cả các thương hiệu nước này đều “không đáng tin cậy”, từ OnePlus, TCL đến Oppo và Xiaomi. Ngôn ngữ mơ hồ được chính quyền ông Trump sử dụng có nghĩa là không thương hiệu nào là an toàn.
Một cách để giảm thiểu tác động tiềm ẩn của việc mất Google là gửi các thiết bị để được đại gia công nghệ này chứng nhận càng sớm càng tốt. Đây không phải là cách chắc chắn để vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ và về cơ bản chỉ cố trì hoãn chuyện xấu không thể tránh khỏi, nhưng động thái này có nghĩa là các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) Trung Quốc có thể thiết lập danh mục thiết bị mới và sắp ra mắt với các dịch vụ Google nhằm đề phòng lệnh cấm xảy ra.
Một giải pháp khác ít được mong đợi hơn là các hãng Trung Quốc bị ảnh hưởng sẽ đổi thương hiệu cho các thiết bị hiện có. Một ví dụ là Huawei hồi sinh chiếc Huawei P30 Pro đã ra mắt hơn 1 năm trước có cài đặt sẵn Google Play Store và bán ra với tên mới P30 Pro New Edition ở thị trường châu Âu. Tuy vậy, lựa chọn này giống như sơn lại một ngôi nhà hơn là cải tạo nó. Có thể lớp sơn mới trông rất tuyệt nhưng ngôi nhà vẫn như cũ và người dùng am hiểu sẽ ít khi mua smartphone dạng này.
Lệnh cấm thương mại của Mỹ với các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc không chỉ đơn giản là mất đi hệ điều hành Android. Quyền truy cập vào loại phần cứng hình thành nền tảng của rất nhiều thiết bị Android cũng sẽ gặp nguy hiểm.
Hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể hạn chế hoặc cắt đứt nguồn cung cấp các bộ vi xử lý quan trọng cho các OEM Trung Quốc như Oppo, OnePlus và Xiaomi. Không thương hiệu nào trong số này có khả năng thiết kế chip nội bộ đáng kể, giống như bộ phận HiSilicon chịu trách nhiệm về chipset Kirin của Huawei, vì họ đều sử dụng SoC (system-on-a-chip) Qualcomm (Mỹ) hoặc MediaTek (Đài Loan).
Oppo đã xác nhận đang phát triển trong lĩnh vực này nhưng chắc chắn vẫn đi sau các nhà thiết kế chip khác nhiều năm. Chẳng hạn ngay cả khi công ty như Oppo có thể thiết kế chipset cho riêng mình thì vẫn sẽ bị tụt hậu so với đối thủ về sức mạnh, tính năng và hiệu quả so với loại silicon mới nhất và tốt nhất của Qualcomm.
Giả sử có một phép lạ là Oppo hay Xiaomi sẽ thiết kế một chip tiên tiến, cạnh tranh thì họ vẫn cần một công ty thực sự để chế tạo những chip đó. Trên thực tế, đó chính xác là tình huống mà Huawei đang gặp phải. TSMC (hãng sản xuất chip bán dẫn hàng đầu) đã bị cấm làm chip cho HiSilicon do lệnh trừng phạt từ Mỹ, khiến Huawei xác nhận rằng dòng Mate 40 có thể sẽ là chiếc flagship chạy vi xử lý Kirin cuối cùng của hãng.
Nếu các biện pháp tương tự được Mỹ thực hiện trên quy mô rộng hơn, nhiều OEM Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển sang các nhà sản xuất chip kém tiếng hơn không sử dụng công nghệ của Mỹ.
Bạn thử tưởng tượng chiếc flagship mới của OnePlus không dùng bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon mới nhất. Đó là kịch bản có thể xảy ra. Đặt cược tốt nhất trong ngắn hạn là các nhà sản xuất bắt đầu dự trữ chipset và các thành phần khác từ các nhà cung cấp ngay lập tức, dù điều này sẽ không đảm bảo sự tồn tại trong dài hạn.
Các công ty cũng lưu ý rằng ít nhất 70% smartphone của Huawei trong quý 2/2020 (quý mà hãng này vượt qua Samsung để dẫn đầu về thị phần smartphone toàn cầu) đến Trung Quốc. Với sự thống trị tại thị trường trong nước, nguồn lực dồi dào và việc tiếp tục đầu tư vào Huawei Mobile Services nhằm thay thế cho Google Mobile Services (GMS) ngày càng khả thi, Huawei đang ở vị trí tốt nhất để vượt qua cơn bão hơn bất kỳ nhà sản xuất smartphone Trung Quốc nào khác.
Xiaomi và Realme đang đầu tư rất nhiều vào Ấn Độ, OnePlus là một trong số ít hãng smartphone Trung Quốc ở Mỹ không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19. Tất cả sẽ đều rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu không được tiếp cận với sức mạnh của vi xử lý tiên tiến và các dịch vụ Google. Bạn chỉ cần nhìn vào những gì ZTE phải trải qua khi nhận các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ Mỹ trong vài tuần của năm 2018 để biết những thiệt hại có thể xảy đến với các công ty nhỏ hơn.
Một giải pháp khả thi là các thương hiệu Trung Quốc hình thành mặt trận thống nhất chống lại bất kỳ hành động nào của Mỹ. Nghe có vẻ kỳ lạ khi nghĩ các công ty đối thủ làm việc cùng nhau, nhưng chúng ta đã thấy những ví dụ về loại hình hợp tác này trong thực tế.
Đầu năm nay, rộ tin Xiaomi, Oppo, Vivo đã hợp lực để thành lập Liên minh dịch vụ nhà phát triển toàn cầu (GDSA) nhằm đối đầu với Google Play Store, tạo ra nền tảng để các nhà phát triển bên ngoài Trung Quốc có thể tải ứng dụng lên các cửa hàng ứng dụng của mỗi nhà sản xuất một cách đồng thời. Mối quan hệ hợp tác này được hình thành với mục đích hợp thức hóa việc tải nội dung từ nước ngoài lên cửa hàng ứng dụng của mỗi nhà sản xuất ở các thị trường toàn cầu, đồng thời giúp các nhà phát triển quảng bá ứng dụng đó dễ dàng hơn.
Sẽ còn nhiều thách thức hơn nữa trên con đường này, chẳng hạn như việc triển khai và quy định pháp lý, nhưng GDSA mang đến cho giải pháp tốt nhất có thể cho việc thiếu các dịch vụ Google với bất kỳ công ty nào có tham vọng ngoài Trung Quốc.
Thêm bằng chứng rằng các thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc có thể hợp tác tốt với nhau là Oppo, Vivo và Xiaomi gần đây ra mắt Liên minh truyền tải ngang hàng để hỗ trợ chia sẻ file cục bộ giữa các thiết bị, một tính năng Android mà Google đã bỏ qua cho đến gần đây.
Ngoài ra, còn có Liên minh thông báo đẩy thống nhất - giải pháp thay thế cho dịch vụ thông báo đẩy của Google tại Trung Quốc – với các thành viên như Huawei, OnePlus, Oppo, Vivo, Xiaomi, Realme và thậm chí cả Samsung.
Tất cả các sáng kiến trên cho thấy rằng các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc ( thậm chí Samsung của Hàn Quốc) có thể hợp tác cùng nhau để giải quyết các vấn đề mà Google không thể hoặc sẽ không tham gia. Kế hoạch trên diện rộng nhằm trừng phạt các OEM Trung Quốc bằng biện pháp mạnh của Mỹ có thể thúc đẩy họ hợp tác với nhau hơn nữa.
Liệu các thương hiệu Trung Quốc có thể tiến thêm một bước nữa và đoàn kết để xây dựng một giải pháp thay thế cho Android, thậm chí tham gia cùng Huawei trong việc thúc đẩy phát triển hệ điều hành Harmony? Harmony - hệ điều hành “cây nhà lá vườn” của Huawei vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho smartphone, nhưng có thể chắc rằng công ty muốn các thương hiệu khác hỗ trợ nền tảng này để mang lại tính hợp pháp và mở rộng phạm vi tiếp cận của nó.
Hơn nữa, phương pháp tiếp cận thiết bị bất khả tri của Harmony đồng nghĩa là hệ điều hành này còn được thiết kế dành cho thiết bị đeo được, IoT và TV.
Tại thời điểm này, không có dấu hiệu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ giảm leo thang. Bên trên là các lựa chọn đáng suy nghĩ nếu các OEM Trung Quốc muốn vượt qua cơn bão sắp tới.