Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Siro ho: Không dễ dùng như bạn tưởng

Vốn được tiếng là dễ dùng nhưng thực chất siro ho yêu cầu bạn phải kiêng kỵ rất nhiều thứ.

Uống gần giờ ngủ = làm mất ngủ

Thành phần chống ho trong siro về mặt cơ bản không có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, nhưng có thể tác động gián tiếp. Siro ho có tác dụng long đờm nên kích thích ho mạnh để tống xuất đờm.

Thường thì tác dụng long đờm sẽ gây tăng phản xạ ho xuất hiện sau khi uống khoảng 20-30 phút và phản xạ này kéo dài chừng 1h-2h. Tác dụng này về mặt điều trị là tốt (vì dễ đẩy được đờm ra ngoài, nhằm dứt nhanh cơn ho) nhưng chính những phản xạ ho kéo dài về tối sẽ làm bạn khó ngủ hơn.

Lời khuyên: Không nên uống khi gần giờ đi ngủ mà nên uống trước khi ngủ 3h đồng hồ.

Dùng cùng rau sống = vô tác dụng

Về nguyên tắc siro cần được hấp thu nhiều nhất là ở ruột non. Nhưng rau sống lại gây khó tiêu, chậm tiêu dẫn tới tình trạng thức ăn cũng như siro ho bị giữ ở dạ dày lâu, và lượng hấp thu ở ruột non giảm.

Lời khuyên: Khi dùng siro ho, bạn nên tránh dùng rau sống, đặc biệt rau muống sống, vì rau muống sống thuộc loại nhiều xơ và khó tiêu nhất.

Uống trước ăn = mất ngon miệng

Uống siro ho ngay trước giờ ăn sẽ giảm cảm giác ngon miệng bởi vì sau khi uống, bạn sẽ ho liên tục. Phản xạ ho dễ gây những cơn nôn ói khiến bạn không muốn ăn hoặc không thấy ngon. Với trẻ nhỏ, uống siro trước ăn sẽ khiến bé trớ thức ăn hoặc không ăn được.

Lời khuyên: Bạn nên uống trước bữa ăn khoảng 1 tiếng và tốt nhất nên uống sau ăn khoảng 30 phút.

Uống khi ho nặng = ho thêm

Siro để trị ho nhưng khi đã ho quá nhiều thì nó không còn tác dụng mà còn gây ho thêm. Thông thường các siro ho không ức chế cơn ho ngoại vi cơn ho trung ương trên não bộ. Siro chủ yếu có tác dụng long đàm dẫn đến trị ho gián tiếp, hết đàm là hết ho.

Thuốc cũng có tác dụng chống ho nhờ vào một số thành phần thuốc chống dị ứng, chống mẫn cảm với gió lạnh nhưng tuyệt đối không có thành phần ức chế ho theo đúng nghĩa. Khi có công dụng long đờm tức là khiến cơ thể dễ bài xuất đờm ra ngoài, và việc bài xuất đàm được biểu hiện bằng cơn ho. Như vậy khi đã ho nhiều, lại dùng siro long đờm tức là khiến cơn ho nhiều thêm nữa khiến người bệnh thêm mệt mỏi.

Lời khuyên: Khi đã ho thành tràng, ho rát cả cổ họng thì tránh dùng siro có tác dụng long đờm. Lúc này nên thuốc có công dụng ức chế ho, đợi giảm ho rồi dùng thêm thuốc siro long đờm.

Bác sĩ Cao Hồng Phúc

(Học viện Quân y)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/siro-ho-khong-de-dung-nhu-ban-tuong-5729/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY