Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Số ca mắc Adenovirus gia tăng, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ?

Nhiều phụ huynh đã hết sức lo lắng khi số ca nhiễm Adenovirus ở trẻ em tăng mạnh. Theo thống kê, từ tháng 8 đến nay, số ca nhiễm Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng đột biến. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện ghi nhận số ca nhiễm Adenovirus là khoảng 420 ca (nhiều hơn cả năm 2021), trong đó 7 bệnh nhân đã tử vong.

Vậy bệnh gây ra những triệu gì, dấu hiệu nhận biết ra sao, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ trước tác động của loại virus nguy hiểm này, mời cả nhà cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.

1. Adenovirus là gì?

Có khoảng 50 loại adenovirus gây bệnh ở người.

Adenovirus là một loại virus phổ biến có thể gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng giống như cảm lạnh hoặc cúm, viêm kết mạc (một bệnh nhiễm trùng ở mắt, đôi khi được gọi là mắt đỏ), viêm thanh quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Ở trẻ em, adenovirus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột.

- Nhiễm trùng ở trẻ em có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

- Chúng ta có thể nhiễm Adenovirus ở mọi thời điểm trong năm, nhưng chúng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân – Hè hoặc Thu – Đông.

- Nhiễm trùng đường tiêu hóa phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi.

- Hầu hết trẻ em đã bị nhiễm một loại adenovirus vào năm 10 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được khoảng 50 loại adenovirus có thể lây nhiễm sang người. Hầu hết các nhiễm trùng do Adenovirus đều khá nhẹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều dịch bệnh đang lưu hành, vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém. Một số loại virus có liên quan đến bệnh lý nặng nề hơn.

2. Adenovirus lây lan như thế nào?

Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn.

Những loại virus này phổ biến ở những nơi có đông trẻ em, chẳng hạn như trường học và trại hè. Sau đây là những cách lây truyền adenovirus phổ biến nhất:

- Nhiễm trùng đường hô hấp: Thông thường, Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh hoặc khi người bệnh ho và hắt hơi. Việc sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm khi bơi lội, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Hoặc việc dùng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm virus cũng khiến trẻ tăng nguy cơ nhiễm bệnh.Virus này cũng có thể tồn tại trong nhiều giờ trên các đồ vật vô tri, chẳng hạn như tay nắm cửa, bề mặt cứng và đồ chơi.

- Nhiễm trùng đường ruột: Sự lây truyền chủng virus đường tiêu hóa thường xảy ra khi tiếp xúc qua đường phân-miệng. Thông thường điều này xảy ra do rửa tay không kỹ hoặc do ăn phải thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm.

3. Các triệu chứng của nhiễm trùng adenovirus là gì?

Adenovirus gây ra các triệu chứng như cảm lạnh thông thường.

Hầu hết các trường hợp nhiễm adenovirus đều nhẹ với ít triệu chứng. Dưới đây là các triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng adenovirus. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm:

- Viêm phế quản: Ho, sổ mũi, sốt, ớn lạnh

- Cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác: Ngạt và chảy nước mũi, ho, đau họng và sưng hạch

- Hạch cổ: Ho khan, khó thở, âm thanh the thé khi thở vào

- Nhiễm trùng tai: Đau tai, khó chịu, sốt

- Đau mắt đỏ (viêm kết mạc): Mắt đỏ, chảy dịch từ mắt, chảy nước mắt, cảm giác như có vật gì trong mắt

- Viêm phổi: Sốt, ho, khó thở

- Nhiễm trùng dạ dày và ruột: Tiêu chảy, nôn mửa, nhức đầu, sốt, co thắt dạ dày

- Sưng não và tủy sống (viêm màng não và viêm não): Nhức đầu, sốt, cứng cổ, buồn nôn và nôn (trường hợp này hiếm gặp)

- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nóng rát và đau khi đi tiểu, thường xuyên phải đi, tiểu ra máu.

Hãy đưa trẻ đi khám nếu nhận thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào sau đây:

- Khó thở

- Sưng quanh mắt

- Sốt không biến mất sau vài ngày

- Dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như ít nước mắt hoặc tã ít ướt hơn.

4. Phương pháp điều trị Adenovirus ở trẻ em

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus. Trẻ bị nhiễm Adenovirus sẽ được cách ly ở phòng bệnh riêng. Điều trị bằng cách điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao sức đề kháng của cơ thể và bổ sung vitamin C. Nếu điều trị đúng cách, trẻ có thể khỏi bệnh sau một vài ngày. Tuy nhiên, đối với những trẻ gặp vấn đề nhiễm trùng như viêm phổi, viêm kết mạc mắt… thì có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn.

Điều trị triệu chứng ở trẻ bằng cách:

- Cho trẻ uống nhiều chất lỏng: Trẻ bị mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy, có thể dẫn đến mất nước. Nước hoặc nước trái cây 100% là những lựa chọn tốt nhất để giữ nước cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể thử dung dịch dành cho trẻ em có chất điện giải.

- Vệ sinh mũi thường xuyên: Giúp trẻ xì mũi thường xuyên. Đối với trẻ sơ sinh, hãy nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi. Sau đó hút chất nhầy cho trẻ.

- Bật máy tạo ẩm phun sương: Hơi ẩm sẽ làm dịu sự tắc nghẽn và giúp con bạn thở dễ dàng hơn.

- Hạ sốt. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể cho trẻ dùng acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Motrin) để giảm đau nhức và sốt hay không. Không cho trẻ dùng các sản phẩm có chứa aspirin, có thể dẫn đến một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.

5. Phòng ngừa Adenovirus ở trẻ em bằng cách nào?

Để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ chia sẻ một số biện pháp phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ:

Một chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp tăng sức đề kháng ở trẻ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ giảm được các nguy cơ mắc bệnh, trong đó có các bệnh ở đường hô hấp.

Các chuyên gia Nhi khuyến cáo, mẹ nên cho con bú ngay từ sau khi sinh, bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời đến khi trẻ được 2 tuổi. Khi trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn lên thực đơn hợp lý, bổ sung dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.

- Đảm bảo vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách:

+ Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ mỗi ngày.

+ Hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng cách và nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên.

+ Hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy, không ho và hắt hơi vào tay.

+ Người giữ trẻ và chăm sóc trẻ cần lưu ý rửa tay sạch sẽ và thường xuyên.

+ Chú ý giữ các bề mặt trẻ có thể tiếp xúc như mặt bàn, đồ chơi… được sạch sẽ.

- Không để trẻ nhiễm lạnh, nhất là khi bước vào thời điểm giao mùa.

- Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu trường học có trẻ bị nhiễm Adenovirus, hãy đảm bảo trẻ được cách ly và bảo vệ tuyệt đối đến khi các triệu chứng bệnh biến mất.

- Không đưa trẻ đến những nơi công cộng đang có dịch bệnh như bệnh viện, trường học, nhà trẻ… Trường hợp bắt buộc, hãy đeo khẩu trang đầy đủ.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Virus adeno có nhiều type huyết thanh gây bệnh và tùy theo từng type có thể gây bệnh chủ yếu của cơ quan nào đó. Vì thế, bằng các biểu hiện lâm sàng chúng ta không thể nhận định được mắc type nào, có nguy hiểm hay không.

Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh, nhất là trẻ em có biểu hiện sốt, ho, mệt và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/so-ca-mac-adenovirus-gia-tang-cha-me-can-lam-gi-de-bao-ve-tre-36211/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY