Trong một công bố vào ngày 28.7 (giờ địa phương), thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks của Mỹ tuyên bố họ sẽ đình chỉ tất cả các quảng cáo trên nhiều nền tảng mạng truyền thông xã hội và tiến hành các cuộc thảo luận với các đối tác truyền thông, các tổ chức dân quyền để chấm dứt sự lan truyền ngôn từ kích động thù địch gây chia rẽ chủng tộc đang lan tràn khắp nơi.
Việc đình chỉ quảng cáo này không bao gồm YouTube do Google sở hữu. Starbucks cho biết họ sẽ tiếp tục đăng lên phương tiện truyền thông xã hội quá trình tẩy chay quảng cáo của mình.
"Chúng tôi chống lại các phát ngôn gây hận thù. Chúng tôi tin vào việc các cộng đồng ngồi lại gần nhau (cả trực tiếp và trực tuyến) để bàn bạc nhiều hơn về việc tạo ra các cộng đồng mạng xã hội thân thiện và toàn diện. Và chúng tôi tin rằng tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cần phải kết hợp với nhau để tác động đến sự thay đổi thực sự”, đại diện Starbucks nói với truyền thông quốc tế.
Chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội với hashtag #StopHateForProfit được tổ chức bởi một nhóm các nhóm dân quyền Mỹ, trong đó chủ lực là các tổ chức Color of Change, ADL (Liên đoàn chống phỉ báng) và NAACP (Hiệp hội về Sự tiến bộ của người da màu) khởi xướng từ ngày 17.6. Ban đầu phong trào này kêu gọi Facebook xây dựng một nền tảng an toàn hơn, đưa ra chính sách quyết liệt hơn để ngăn kẻ xấu phát tán thông tin gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc... thay vì tiếp tục kiếm tiền từ những nội dung gây phẫn nộ.
Hưởng ứng phong trào nói trên, trong tuần qua, hàng loạt các thương hiệu lớn như Unilever, Coca-Cola, Honda, Levi Strauss, Verizon, Pepsi, The North Face... đã tuyên bố tẩy chay quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Tính đến ngày 28.6, đã có hơn 120 công ty tham gia tẩy chay quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội của Mark Zuckerberg.
Dù các thương hiệu lớn đã chính thức tẩy chay hoặc tạm dừng quảng cáo trên các mạng xã hội, nhưng tất cả đều có chung mục đích là gây áp lực lên các công ty sở hữu mạng xã hội, buộc họ phải có chính sách kiểm soát các quảng cáo chính trị, minh bạch thông tin và quản lý xóa bỏ các nội dung mang tính kỳ thị phân biệt chủng tộc.
Chủ đề liên quan: