Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, chị Minh Hương (Ba Đình, Hà Nội) cũng lo lắng cho sức khỏe khi chuẩn bị bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Những cơn bốc hỏa, sự sụt giảm nồng độ estrogen, da lão hóa… là những vấn đề chị rất quan tâm.
Nghe nhiều người mách bảo và tìm hiểu thông tin trên mạng, chị được biết uống sữa đậu nành chính là cách hoàn hảo để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể trong giai đoạn quan trọng này. Vui mừng khi tìm ra “phương thuốc” cho sức khỏe và sắc đẹp, ngày nào chị cũng uống sữa đậu nành: buổi sáng sau khi ăn xong, buổi trưa và buổi tối, hay thậm chí lúc nào khát chị cũng uống.
Những ngày đầu chị cảm thấy rất thoải mái, khỏe mạnh, nhưng một tuần sau đó, chị cảm thấy lúc nào bụng cũng no, khó chịu và đau dâm dẩm. Không nghĩ nguyên nhân là do sữa đậu nành nên chị vẫn tiếp tục uống, mấy ngày sau, chị bị tiêu chảy không dứt, tới khám bác sĩ thì được kết luận do uống quá nhiều sữa đậu nành.
Mỗi ngày nên uống bao nhiêu?
Trao đổi với phóng viên SKGĐ, tiến sĩ, bác sĩ Hồ Thu Mai (Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết: “Sữa đậu nành có hàm lượng chất đạm cao hơn thịt. Ngoài ra, trong đậu nành có nhiều loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là có hàm lượng canxi dồi dào (165mg/100g)”.
Chính bởi những giá trị dinh dưỡng trên, tiến sĩ Mai cho biết, việc uống sữa đậu nành thường xuyên cũng là một thói quen tốt, giúp mọi người bổ sung thêm canxi, nhưng việc dùng sữa đậu nành hàng ngày và coi nó như một biện pháp hoàn hảo thì cũng cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, để đảm bảo việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, chúng ta cần phải sử dụng thêm nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Nhiều chị em cho rằng, uống sữa đậu nành thường xuyên sẽ giúp ngực nở, eo thon, da đẹp, tăng cường sinh lý, tăng ham muốn… và sử dụng nó như một thức uống thay thế nước.
Thế nhưng, tiến sĩ Mai cho hay: “Lượng sữa đậu nành nên uống hàng ngày là bao nhiêu còn tùy thuộc vào thể trạng, nhu cầu của mỗi người cũng như độ đậm dặc của sữa. Thường cứ 200g đậu nành sẽ làm được 1.5 lít sữa và mỗi người chỉ nên uống 2 lần/ngày, mỗi lần 250ml.”
Sữa đậu nành kỵ gì?
Mặc dù sữa đậu nành có nhiều dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu không uống đúng cách, nó cũng gây ra nhiều tác dụng phụ. Dưới đây là những nguyên tắc khi uống sữa đậu nành mà TS Mai khuyến cáo:
Kỵ | Vì sao? |
Uống với trứng | Lòng trắng trứng khi kết hợp với men trypsin trong sữa đậu nành tạo thành hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu và làm mất đi những chất dinh dưỡng của cả hai. |
Uống với thuốc | Một số thuốc kháng sinh như tetracycline, erythromycine có tác dụng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành.
|
Uống với đường đỏ | Trong đường đỏ có chứa nhiều axít hữu cơ như axit lactic, axit acetic… có tác dụng kết hợp các chất protein, canxi tạo thành các hợp chất biến tính làm mất đi các chất dinh dưỡng của sữa đậu nành, đồng thời ảnh hưởng tới sự hấp thu và tiêu hóa của cơ thể. |
Uống khi đói | Uống sữa đậu nành khi đói làm cho các protein và dinh dưỡng trong sữa không được hấp thu triệt để. Khi uống nên kết hợp với một chút điểm tâm như bánh mì, bánh bao… hay các sản phẩm chế phẩm của tinh bột. Tinh bột sẽ làm cho các dịch vị được tiết ra giúp các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành được hấp thu và tiêu hóa tốt hơn. |
Uuống quá nhiều | Đối với người lớn, một lần không nên uống quá 500ml/ngày, nếu uống quá nhiều dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành không được hấp thu hết. |
Đựng sữa đậu nành trong bình giữ nhiệt | Nhiệt độ của bình giữ nhiệt làm cho vi khuẩn rất dễ sinh trưởng, phát triển trong sữa đậu nành. Sau 3-4 giờ sữa đậu nành sẽ bị biến chất và không sử dụng được |
Ai không nên sử dụng?
Áp dụng đúng nguyên tắc khi uống sữa đậu nành cũng chưa chắc đã mang lại sức khỏe cho bạn, bởi không phải ai cũng có thể uống được và hấp thu được dinh dưỡng từ loại sữa này.
TS Mai cho biết: Theo Y học cổ truyền, đậu nành có tính thiên hàn, hoạt lợi, vì vậy những người tỳ vị hư hàn, sau ăn hay đầy bụng, chướng hơi, ợ hơi, ợ chua, dễ bị đi ngoài, người có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều… đều không hợp dùng, vì dễ làm cho các triệu chứng trên nặng lên.
Bên cạnh đó, những người bị ung thư vú, suy giảm chức năng thận, sỏi thận, những người bị viêm dạ dày, bệnh gout không nên uống sữa đậu nành vì dễ gây ra những tác dụng ngược không mong muốn. Ngoài ra, không dùng sữa đậu nành thay thế sữa cho trẻ bú và những phụ nữ mang thai cũng không nên uống nhiều.
Lê Lam
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: