Dinh dưỡng hôm nay

Tác dụng của rau mồng tơi mà ít người biết đến

Rau mồng tơi khá dồi dào vitamin và khoáng chất. Nổi bật nhất là hàm lượng sắt, canxi, vitamin A, C và các vitamin nhóm B. Đây đều là những yếu tố vi lượng cần thiết cho cơ thể giúp nâng cao sức đề kháng cũng như có giá trị trong một số vấn đề về sức khỏe.

Giảm cholesterol

Chất nhầy của rau mồng tơi có tác dụng hấp thu cholesterol, cholesterol nội sinh và ngoại sinh đều bị giữ lại trong ruột. Vì cholesterol bị khóa hoạt tính nên chất béo trong thực phẩm không ngấm được qua màng ruột, cholesterol sẽ bị thải ra ngoài qua phân. Người mập phì muốn giảm cân nên ăn rau mồng tơi vì nó có khả năng sinh nhiệt thấp, lại thông tiểu và nhuận tràng.

Chữa yếu sinh lý nam giới

Rau mồng tơi, rau ngót, rau má, bộ lòng gà hay vịt, nấu canh ăn nóng sẽ giúp trị chứng yếu sinh lý ở nam giới hiệu quả.

Giúp da tươi nhuận, hồng hào

Lá mồng tơi còn có tác dụng dưỡng da. Ăn rau mồng tơi giúp lưu thông khí huyết, nhuận tràng, giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ. Hoặc để dưỡng da, làm mịn nếp nhăn ở mặt, chống thô ráp có thể lấy vài lá mồng tơi non giã lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.

Làm vết thương, tốt cho xương khớp

Nước cốt từ rau mùng tơi có thể làm mau lành vết bỏng, hầm mùng tơi với chân giò thêm chút rượu để ăn hàng ngày sẽ giúp trị đau nhức xương khớp.

Trị núm vú sưng: Dùng rau mồng tơi giã nát đắp chữa vú sưng, nứt, giải độc.

Trị hơi thở nóng khó chịu

Nếu bị chứng mũi thở phì phò ra hơi nóng rất khó chịu thì nấu canh rau mồng tơi thái nhỏ cùng cua đồng giã nát lọc bã ăn vào các buổi trưa.

Chữa chảy máu cam

Mồng tơi tươi giã nát rồi lấy bông thấm vào nước cốt nhét vào lỗ mũi bên chảy máu, máu sẽ cầm ngay.

Trị đầy bụng

Rau mồng tơi 50g, rau đay 50g, khoai sọ 1 củ (bóc vỏ thái nhỏ) nấu canh ăn vài ba ngày. Hoặc dùng 4 loại rau sau đây với lượng bằng nhau nấu canh: mồng tơi, đay, rau khoai, rau má.

Trị bệnh trĩ

Nếu bạn bị trĩ nhẹ thì có thể sử dụng mồng tơi như sau: lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát nhuyễn cùng vài hạt muối đắp vào chỗ trĩ sưng, đồng thời nấu canh mồng tơi ăn với cá diếc (ăn cả nước và cái).

Tăng sữa cho sản phụ sau sinh

Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn. Trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt nên tốt cho thai phụ… Món ăn nấu từ mồng tơi với gà ác, đậu đen ninh nhừ ăn nóng sẽ giúp sản phụ nhiều sữa, mau hồi phục sức khỏe, có làn da hồng hào, tóc đen mượt.

Trị táo bón

Đối với những người có biểu hiện đã nhiều ngày không đi ngoài hoặc mỗi lần đi đều cảm giác khó khăn, hoặc phân ra được nhưng khô cứng và ít, cảm giác của người mắc phải các triệu chứng này khi đó rất khó chịu, thường xuyên có biểu hiện nặng bụng hoặc sôi bụng, có khi là đau quặn bụng vùng dưới hoặc quanh rốn.

Việc sử dụng rau mồng tơi trong vài ngày cũng cho người bệnh những hiệu quả khá tích cực vì chất nhầy có trong rau giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, nó kích thích các nhu động ruột và có tác dụng nhuận trường tốt. Nhưng nếu đối tượng là những người đang bị các bệnh về đại tràng cấp hoặc mạn tính thì việc sử dụng thuốc và điều trị chuyên khoa là điều mà người bệnh không thể bỏ qua.

Thanh nhiệt, giải độc

Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt trung, tán nhiệt, lợi đại tiện. Khi dùng lá tươi nấu canh dùng trong bữa ăn có thể giúp thanh nhiệt, nhuận trường.

Say nắng

Giã nát lá mồng tơi đắp vào thái dương và trán. Sau đó dùng vải bó lại để giữ nguyên vị, để bệnh nhân nằm ngủ một giấc dậy sẽ khỏi.

Chữa chứng đi tiểu nóng buốt

Khi tiểu tiện thấy nóng buốt và khó lấy một nắm lá mồng tơi cho vào cối sạch giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội uống ngày vài lần.

Những người không nên hoặc cần hạn chế ăn rau mùng tơi:

Tuy là thực phẩm lành, không độc, nhưng trong một số trường hợp, ăn mùng tơi không có lợi. Đó là khi bạn mắc những bệnh sau:

- Khi đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng:

Dân gian thường dùng rau mùng tơi làm rau ăn cho mát, thêm tân dịch, khỏi khô háo và chống táo bón do mùng tơi có tính hàn lại nhuận tràng.

Nhưng cũng tính vì đặc tính này mà người đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng không nên ăn. Nếu cố tình ăn phải, mùng tơi sẽ là nguyên nhân khiến cho bệnh càng thêm nặng.

- Cũng chính vì đặc tính trên, người có tỳ vị hư hàn (lạnh bụng) hay bị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa không nên ăn nhiều.

- Người bị sỏi thận:

Đối với người bị sỏi thận, nên tránh ăn rau mùng tơi vì mùng tơi chứa nhiều purin - một hợp chất hữu cơ khi vào cơ thể sẽ biến thành acid uric.

Hàm lượng acid uric cao sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận và làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng to và trầm trọng.

Ánh Dương

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/tac-dung-cua-rau-mong-toi-ma-it-nguoi-biet-den-27367/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY