Dịch Covid-19 đã lan rộng trên nhiều quốc gia và các viện/ nhóm nghiên cứu đứng đầu thế giới đang chạy đua tìm vắc-xin cho chủng virus đang hoành hành này.
Nhưng có một điều là chúng ta không thể dừng thế giới lại thêm nữa, trẻ con vẫn cần được học hành, mọi nhu cầu cơ bản của cuộc sống vẫn cần diễn ra.
Những ngày này, trẻ phải chấp nhận với việc học ở nhà. Làm việc hay không dễ với người lớn, huống chi là trẻ nhỏ.
Đã đến lúc cha mẹ cần thực sự giúp các con vào khuôn khổ để vạch định cần làm gì, làm như thế nào, việc ăn - chơi - học ra sao trong những ngày chống dịch.
Dù gì, cha mẹ chúng ta cũng cần phải có bước chuẩn bị và dưới đây là những điều mà bác sĩ Anh Nguyễn, đồng thời cũng là tác giả cuốn sách Làm mẹ không áp lực lưu ý cho cha mẹ để chuẩn bị cho con học tập tại nhà tốt nhất, có nhất.
Do đó, thời điểm này có thể nhiều phụ huynh cảm thấy lúng túng khi tạo lịch sinh hoạt cụ thể ở nhà cho trẻ. Nhưng, đó là phần quan trọng nhất của kế hoạch.
Trẻ con ở trường "buộc" phải theo lịch trình, nhưng ở nhà các bé tự cho là "được tự do", do đó, suy nghĩ này sẽ làm trẻ xem nhẹ các công việc liên quan. Đó là lý do tại sao nếu không có lịch trình, việc học ở nhà của trẻ sẽ thất bại.
Cách viết lịch trình: cần cụ thể từng giờ, tuân thủ và cho trẻ biết luật lệ và hình phạt cũng như phần thưởng nếu đạt chỉ tiêu.
Cách lên lịch trình: nên cố gắng bám theo thời khóa biểu của trẻ trên lớp sẽ giúp trẻ thích nghi tốt hơn.
Trẻ < 3 tuổi: bữa ăn cần ít nhất 60 phút gồm chuẩn bị, thời gian ăn và dọn dẹp, chuyển tiếp.
Trẻ từ 3 tuổi -10 tuổi: giờ ăn chỉ nên cần 30 phút, quy định luật ăn trong lúc ăn: không màn hình, không trò chuyện và tập trung ăn.
+ Giờ học: mỗi độ tuổi sẽ có mức tập trung khác nhau, mức tập trung cũng phụ thuộc vào công việc mà trẻ đang làm.
Thông thường, có thể tính toán bằng công thức sau: sự tập trung (tính bằng phút) = [số tuổi của trẻ] x [2 - 5]. Khoảng từ 2-5 sẽ tỷ lệ nghịch với mức độ công việc mà ở đó trẻ sử dụng bao nhiêu sức lực để tư duy.
Ví dụ: trẻ 5 tuổi có thể mức tập trung của trẻ giao động 10, 15, 20 và 25 phút, tương ứng với học toán, viết chữ, vẽ tranh và chơi tự do.
Đó là 1 ví dụ cho bạn hiểu rằng, việc giao cho trẻ 1 công việc/bài tập, mình nên phân chia thời gian hợp lý tùy mức độ trẻ cần tư duy đến đâu.
Để nâng cao khả năng sử dụng thời gian tập trung tối đa, công việc cần được tương tác giữa cha mẹ và trẻ, phân chia lượng công việc hợp lý.
Nếu công việc mới/ khó khăn nên cho phép trẻ nghỉ ngơi giữa giờ bằng cách chia nhỏ công việc chẳng hạn, nhưng vẫn lên mục tiêu để trẻ hoàn thành đúng giờ.
Cách tăng hoạt động làm bài hay học tập của trẻ: thiết lập mục tiêu theo ngày bằng các bảng sticker khen thưởng.
Cuối ngày, để trẻ tự tay dán sticker mặt cười vào những mục tiêu đã hoàn thành, mặt buồn vào mục tiêu chưa hoàn thành. Điều này thích hợp cho các trẻ từ 3 tuổi để trẻ học được khả năng suy nghĩ phản ánh, rất cần cho sự tiến bộ của trẻ.
+ Giờ tự do: thông thường là thời gian cho phép trẻ được tự do làm điều trẻ muốn. Thời gian là 5 phút nếu trẻ dùng nó để chơi điện thoại hay Ipad và 10 phút nếu trẻ dùng nó làm điều khác mà không dính đến màn hình và các thiết bị điện tử.
NHỮNG GIA ĐÌNH CÓ CHA MẸ PHẢI ĐI LÀM TRONG NGÀY, có thể xếp lịch trình cho trẻ trong 4 tiếng buổi chiều tối. Khi hoàn tất, dán lịch trình ở nơi dễ nhìn thấy nhất, ví dụ như cửa tủ lạnh.
Sau khi thiết lập lịch sinh hoạt - học tập, nhiều cha mẹ bỏ mặc trẻ với những luật lệ. Điều này là không nên vì trẻ sẽ dễ dàng "trốn việc".
Giống như người lớn, viết danh sách và mục tiêu cần làm trong 1 tờ giấy thật đẹp, tự nói là sẽ thực hiện, dán ở nơi dễ nhìn thấy.
Nhưng, kết cục bạn vẫn có hàng nghìn cái cớ để "trốn việc", trừ khi có ai đó luôn hỏi thăm tiến độ của bạn. Trẻ con cũng vậy!
Trẻ cần cha mẹ quan tâm, nhưng đừng tạo quá nhiều áp lực cho con. Có 1 vài cách quan tâm cha mẹ có thể tham khảo như:
- Đưa công việc với mục tiêu nhỏ cần hoàn thành và thời gian hoàn tất. Nên nhớ, mục tiêu là phù hợp để trẻ hoàn tất, đừng đưa quá khó hay phải mất thời gian quá lâu.
- Dành thời gian cho trẻ kể lại quy trình và cảm nhận của con về công việc vừa trải qua. Cha mẹ nên cho lời khuyên và khuyến khích trẻ.
Cha mẹ nên gọi điện cho nhà trường để nắm vững lịch học của con, quan tâm liệu trẻ có đang làm bài hay không, có khó khăn gì không và khuyến khích con nộp bài đúng giờ.
Khi trẻ học ở nhà, có 1 thứ đặc biệt mà chỉ khi trẻ ở nhà mới có được, đó là "thời gian của cha mẹ". Nhưng hãy biến thời gian này thành tri thức của trẻ.
Do đó, hãy dùng thời gian này để đọc sách cùng trẻ và trò chuyện về những vấn đề trẻ thắc mắc. Lựa chọn 1 quyển sách để đọc cho con mỗi tuần. Dành 15-30 phút ngoài lịch trình ở trên để hỏi đố hay trò chuyện với con.
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy).
Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Chủ đề liên quan:
anh sẽ báo cáo công việc lên cấp trên thế nào áp lực BS ANH NGUYỄN công việc mới đạt chỉ tiêu hiệu quả học ở nhà làm mẹ lưu ý Nếu là giám đốc nhu cầu cơ bản ở nhà phòng chống dịch quan trọng sử dụng thời gian tác giả Thiết lập mục tiêu thời khóa biểu ứng viên