TS. BS. Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Quân đội 354, Hà Nội) cho biết: Nếu đã được gọi là thuốc thì loại nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Nếu dùng đúng cách, nó sẽ trở thành biệt dược cho sức khỏe của bạn. Nếu dùng bừa bãi, nó sẽ trở thành độc dược khiến bạn khốn đốn.
Thuốc nhuận tràng cũng vậy. Nếu bạn dùng chúng không đúng theo chỉ định của thầy thuốc thì có thể dẫn tới hiện tượng tiêu chảy, đau bụng, mất nước quá nhiều dẫn đến suy nhược, thậm chí là tử vong nếu mất nước quá nhiều mà không được tiếp nước kịp thời.
Tự tạo phương thuốc nhuận tràng
Để phòng chống chứng táo bón, BS. Vũ Đức Chung khuyên: Sẽ không có loại thuốc nhuận tràng nào sánh được một chế độ ăn uống điều độ và giàu chất xơ thực vật. Đây chính là phương thuốc nhuận tràng tuyệt diệu bạn có thể làm cho chính mình và người thân.
Không quá khó để bạn tìm chất xơ khi nó có rất nhiều trong gạo, ngũ cốc toàn phần, rau các loại và trái cây khô. Nhưng cần lưu ý, khi ăn bạn nên nhai kỹ để nghiền nhỏ thực phẩm và giúp các men tiêu hóa trong dạ dày và ruột được tiết ra đầy đủ.
Ngoài ra, người bị chứng táo bón nên uống nhiều nước, từ 1,5-2 lít/ngày và hạn chế dùng các chất kích thích ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa như: trà, cà phê, thuốc lá, nước có ga… Tránh stress, tham gia luyện tập thể dục thể thao đều đặn cũng nằm trong lời khuyến cáo nên làm để chóng táo bón.
Bên cạnh đó bạn cũng nên tập cho mình thói quen massge vùng bụng liên tục theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại chừng 15 phút mỗi ngày. Thói quen này sẽ kích thích các nhu động ruột, giúp việc đẩy phân ra ngoài trở nên dễ dàng hơn.
Cần lưu ý tác hại của thuốc nhuận tràng
BS. Vũ Đức Chung đã cảnh báo những tác hại nguy hiểm của thuốc nhuận tràng như sau:
1. Gây lệ thuộc thuốc
Nếu bạn dùng thuốc nhuận tràng sai mục đích, dùng lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến màng nhầy và hoạt động cơ năng của ruột, khiến ruột trở nên chai mòn mất khả năng tự vận động, không chịu co bóp vì đã lệ thuộc quá nhiều vào thuốc. Nhiều người sau thời gian dài dùng thuốc nhuận tràng đã không thể đi ngoài được nếu không có thuốc.
2. Gây rối loạn tiêu hóa, trầm cảm
Loại thuốc này chỉ có tác dụng ngắn hạn, người bị táo bón chỉ nên dùng trong 2-3 ngày. Nếu lạm dụng quá lâu, thuốc sẽ ảnh hưởng không tốt lên màng nhày ruột gây rối loạn tiêu hóa làm cho người bệnh thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón, khi ăn sẽ không thấy ngon miệng, khả năng hấp thụ thức ăn kém hơn, người gầy yếu, xanh xao. Bệnh càng diễn ra lâu ngày thì người bệnh càng dễ bị căng thẳng thần kinh và bị trầm cảm.
H.D
Chủ đề liên quan: