Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tắc ruột do thường xuyên uống trà sữa và những điều cần biết về loại đồ uống này

Nam bệnh nhân L. có thói quen ăn uống không khoa học, nghiện trà sữa và thường xuyên uống trà sữa thay cơm. Sau một thời gian dài, L. đau bụng dữ dội phải nhập viện. Tại đây, bác sĩ kết luận, L. bị tắc ruột do bã thức ăn không tiêu.

Mới đây, Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, nam bệnh nhân Trần Nhật L., 20 tuổi, trú tại huyện Hạ Hoà, Phú Thọ được chuyển đến cấp cứu do uống quá nhiều trà sữa. Bác sĩ kết luận, L. bị tắc ruột do bã thức ăn không tiêu.

Thông thường, với các khối bã trong dạ dày, bác sĩ có thể nội soi, tách nhỏ khối bã rồi khắp ra, tuy nhiên do khối bã của L. quá rắn chắn, không thể tán nát nên bác sĩ buộc phải mổ mở cả dạ dày và ruột, lấy ra 2 khối bã lớn màu đen trong dạ dày và ruột non.

BS Trần Thanh Tùng, Phó trưởng đơn vị Ngoại, Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, với trường hợp tắc ruột nghiêm trọng như này, nếu không được lấy ra nhanh, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng rồi tử vong.

Được biết, L. có thói quen ăn uống không khoa học, nghiện trà sữa và thường xuyên uống trà sữa thay cơm. Sở dĩ L. có thói quen này do trước đây từng làm nhân viên tại một quán trà sữa.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, chúng ta nên tìm hiểu kỹ về một số đặc điểm và tác hại của trà sữa trân châu để người dùng cân nhắc trước khi sử dụng:

Thành phần của trà sữa cơ bản thường gồm 3 thành phần chính:

Trà: Các loại trà cơ bản thưng được sử dụng trong trà sữa bao gồm trà đen, trà xanh, trà trắng và trà ô long. Nếu sử dụng trà thật, chúng có chứa rất nhiều các chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm và chống ung thư. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng lại thường tẩm thêm hương liệu (hương nhài, hương sen) vào trà để trà có thêm hương vị quyến rũ.

Nếu không sử dụng đúng loại trà hoặc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rất có thể những loại hương liệu này sẽ có chứa các hóa chất độc hại (hóa chất hương nhài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P - dimethoxy penzin, đều là những chất độc hại gốc hữu cơ).

Sữa: Trừ những thương hiệu nổi tiếng sử dụng các loại sữa tươi, sữa đặc thì đa số thương hiệu nhỏ đều sử dụng kem béo (không phải sữa). Loại kem béo này so với sữa thì lượng canxi, vitamin A, D, hàm lượng protein so với sữa cũng rất thấp. Kem béo này chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể gây tác động tiêu cực tới sức khỏe như làm tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.

Trân châu: Thành phần chủ yếu của hạt trân châu chủ yếu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein. Do thành phần chủ yếu là từ tinh bột, nên mặc dù nhìn những hạt trân châu này rất nhỏ bé, nhưng lại có chứa rất nhiều năng lượng. Một hạt trân châu có thể chứa tới 5-14 kcal mỗi viên. Thông thường, một cốc trà sữa sẽ thường được thêm 2 thìa trân châu, có thể cung cấp tới 100 kcal. Tuy nhiên, về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.

Đường: Một ly trà sữa trân châu có thể sẽ chứa tới 50 g đường (cung cấp 200 kcal). Đó là chưa kể tới lượng calo mà sữa và trân châu đem lại.

Các loại topping: thành phần của trà sữa không chỉ có trân châu mà còn được bổ sung thêm nhiều loại đồ đi kèm (thường được gọi là topping), ví dụ như pudding trứng, kem phô mai, thạch… Tùy từng loại mà lượng calo trong mỗi loại sẽ tăng lên hoặc giảm đi, so với trân châu, kem phô mai có thể sẽ chứa nhiều năng lượng hơn, thạch có thể sẽ chứa ít năng lượng hơn.

Ngoài ra, nếu uống trà sữa có hương vị hoa quả, các cửa hàng còn cho thêm siro trái cây. Đây cũng là một nguồn cung cấp calo cho cơ thể. Tổng cộng, một ly trà sữa trân châu có thể cung cấp tới 335 kcal.

Ngoài bị tắc ruột như bệnh nhân nói trên, trà sữa còn có những tác hại khôn lường khác:

Gây béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng

Trên thực tế món chúng ta gọi là “trà sữa”đó không chứa sữa cũng không có trà. Thành phần của nó đa phần là kem béo pha lẫn với bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu chế tác thành.

Được biết, “sữa” ở trong trà sữa trân châu nếu so sánh với sữa thật thì thiếu canxi, các loại vitamin B và vitamin A, D; hàm lượng protein cũng rất thấp.

Những chất dinh dưỡng có ở trong sữa thì trà sữa đều không có mà ngược lại trà sữa chứa đựng một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa lớn, những thành phần này đều rất không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, thành phần chủ yếu của hạt trân châu chủ yếu là tinh bột lọc, đường cô đặc, hương liệu thực phẩm. Đường cô đặc là một loại chất phụ gia thực phẩm, nhưng hàm chứa nhiều nguyên tố độc hại như thủy ngân (Hg), chì (Pb) và thạch tín (As).

Gây tổn thương gan, thận

Vì lợi ích, nhiều cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Khi uống sẽ không khác với trà tự nhiên nhưng thực tế nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hoá học.

Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng không thường xuyên thì không nguy hại nhiều tới sức khoẻ.

Tuy nhiên, nếu thêm các chất phụ gia vượt ngưỡng hoặc uống quá nhiều sẽ là gánh nặng cho gan, thận. Nếu dùng thường xuyên, thời gian tích tụ lâu dài, sẽ gây thương tổn nặng cho chức năng của gan, thận.

Tăng khả năng gây vô sinh

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thành phần chủ yếu của các loại trà sữa chủ yếu là dầu thực vật hydro hoá, một loại axit béo có dạng trans...

Loại axit này sẽ làm giảm hooc môn ở nam giới làm ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản của chị em, loại axit này làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, ung thư và vô sinh.

Chúng ta nên uống trà sữa như thế nào là hợp lý:

Thực tế, bạn không thể biết được nguồn gốc, nguyên liệu đầu vào của những loại thành phần có trong trà sữa.

Giải pháp tối ưu là chọn những quán trà sữa lớn, có danh tiếng và đảm bảo chất lượng để thưởng thức trà sữa.

Chỉ nên uống 1 ly trà sữa/tuần.

Tự làm trà sữa tại nhà chỉ là cách làm giúp bạn kiểm soát độ an toàn vệ sinh nhưng khi kết hợp trà với sữa hoàn toàn phản khoa học.

Cảm giác sau mỗi khi uống trà sữa hơi tức và trướng bụng là những triệu chứng cơ bản của chứng khó tiêu mà trà sữa gây ra. Để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe, uống trà sữa càng ít càng tốt.

Ánh Dương (T.H)

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tac-ruot-do-thuong-xuyen-uong-tra-sua-va-nhung-dieu-can-biet-ve-loai-do-uong-nay-27611/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY