Bài giảng tai mũi họng hôm nay

Tai ngoài: dấu hiệu triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán điều trị tai mũi họng

Vành tai to hay nhỏ quá: có thể gặp vành tai to quá (tai voi) hoặc nhỏ quá (tai chuột), nếu chỉ thấy một bên, tai bên kia bình thường, sẽ ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Dị hình bẩm sinh

Những dị hình bẩm sinh thường gặp ở tai ngoài, ít gặp ở tai giữa và hiếm gặp ở tai trong. Có thể gặp ở vành tai hay ở ống tai, hai dị hình này thường phối hợp với nhau.

Dị hình vành tai

Thường gặp hơn, nói chung ảnh hưởng tới thẩm mỹ, ít hoặc không ảnh hưởng chức năng.

Thể hiện:

Thiếu một phần hay toàn bộ vành tai: có thể gặp ở một bên hay cả hai bên tai. Vành tai hoàn toàn không có hay chỉ có một phần, thường chỉ như một nụ, một cục. Hay gặp kèm theo tịt hoặc chít hẹp ống tai.

Vành tai to hay nhỏ quá: có thể gặp vành tai to quá (tai voi) hoặc nhỏ quá (tai chuột), nếu chỉ thấy một bên, tai bên kia bình thường, sẽ ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Dị hình nắp tai: nắp tai có thể quá to, không có sụn nắp hay có 2 - 3 nắp tai.

Vành tai vểnh ra trước quá nhiều hay sụn quá mềm làm bẹp xuống, mất các gờ nếp.

Phẫu thuật chỉnh hình để tái tạo lại vành tai khó khăn và phức tạp.

Dị hình ống tai

Thường gặp tịt ống tai ngoài hoàn toàn hay một phần làm chít hẹp ống tai. Tịt hay chít hẹp có thể do đơn thuần hoặc cả sụn, xương ống tai, chỉ ở cửa ống tai hay dọc cả ống tai. Dị hình ống tai thường gặp kèm với dị hình vành tai, đôi khi có kèm theo dị hình tai giữa.

Tịt hoặc chít ống tai ngoài gây nghe kém dẫn truyền đơn thuần, có thể gây viêm vì chất tiết ở da ống tai không thoát được ra ngoài.

Cần chụp X- quang để xác định tình trạng của tai giữa và hệ thống xương con.

Phẫu thuật chỉnh hình lại ống tai ngoài hay lấy bỏ các phần chít hẹp, cần ghép da tốt vì dễ gây sẹo chít hẹp lại.

Rò bẩm sinh

Thường gặp nhất là rò gờ trước tai hay rò Helix thường gọi là rò luân nhĩ.

Lỗ rò có thể thấy ở 1 bên hay cả 2 bên, ở trên nắp tai, trước gờ rìa tai. Tiếp theo thường là đường rò, nhiều khi ngoằn ngoèo và đi xa, ra sau tai hoặc vào ống tai…

Do lỗ rò nhỏ, đường rò thường tiết nhầy nên khi bị viêm thường gây sưng tấy vùng trên trước nắp tai, có thể thành áp xe rồi vỡ mủ.

Nếu rò chưa bị áp xe có thể bơm chất ăn mòn như sút loãng (NaOH 20%), hoặc cồn iốt 5% vào làm cháy lớp biểu bì để đường rò dính tịt lại.

Tốt hơn hết là phẫu thuật: bơm xanh mêthylen vào để theo dõi đường rò, qua đó lấy bỏ toàn bộ.

Khi bị áp xe không nên trích rạch quá rộng vì làm mất đường rò sau khó phẫu thuật.

Bệnh tai ngoài

Tai ngoài gồm vành tai và ống tai ngoài. Có lớp tổ chức dưới da mỏng nhưng có hệ thống mạch máu và thần kinh phong phú nên bệnh ở tai ngoài gây đau nhức rõ rệt.

Bệnh tai ngoài có thể ảnh hưởng cả chức năng nghe (ống tai) và thẩm mỹ (vành tai).

Nhọt ống tai ngoài

Là một bệnh thường gặp, nhất là vào mùa hè, do tụ cầu khuẩn.

Nguyên nhân

Do ngoáy tai bằng vật cứng, bẩn, gây xước da ống tai.

Do viêm ở nang lông hay tuyến bã.

Chẩn đoán

Triệu chứng cơ năng:

Đau tai là triệu chứng nổi bật, đau ngày càng tăng dữ dội, đau tăng khi nhai, ngáp, đau nhiều về đêm.

Nghe kém tiếng trầm, thường kèm theo ù tai.

Có thể sưng tấy ở nắp tai hoặc sau tai.

Sốt nhẹ hoặc sốt cao khi viêm tấy lan tỏa.

Triệu chứng thực thể:

Ấn nắp tai hoặc kéo vành tai gây đau rõ rệt.

Ống tai mới đầu thấy gờ đỏ, chạm vào rất đau. Sau đó to dần và che lấp một phần ống tai, xung quanh tấy đỏ, ở giữa mọng mủ trắng. Nhọt ống tai ngoài có thể tự khỏi nhưng hay tái phát.

Xử trí

Tại chỗ: chườm nóng giảm đau. Nếu mới tấy đỏ thì chấm cồn iốt 2%-5% ở đầu nhọt. Khi đã nung mủ trắng dùng dao nhọn hay que nhọn trích nhọt, tháo mủ và sát khuẩn. Kết hợp kháng sinh, giảm đau.

Viêm tấy ống tai ngoài

Thường gặp do bơi lội, tắm biển.

Nguyên nhân

Do sang chấn nhỏ ở ống tai ngoài: ngoáy tay, vật cứng khi có nước hay cát vào tai.

Do dịch hay mủ ở tai giữa bị bít, đọng trong ống tai.

Chẩn đoán

Lúc đầu ngứa trong ống tai sau trở nên nóng, rát như bỏng, vài ngày sau đau dữ dội.

Nghe kém và ù tai.

Kéo vành tai, ấn nắp tai gây đau tằng rõ rệt.

Da ống tai nề đỏ, sau đó ống tai bị chít hẹp lại do sưng nề và ứ dịch vàng, có thể bong từng đám biểu bì trắng.

Nếu không được điều trị sẽ thành mủ, da bị hoại tử gây sẹo chít hẹp hay sùi lấp ống tai ngoài.

Xử trí

Chừơm nóng ngoài tai hoặc chiếu tia hồng ngoại, làm giảm đau tại chỗ, đặt bấc thấm bôrat 2% hoặc Thu*c mỡ kháng sinh vào ống tai ngoài.

Kháng sinh toàn thân.

Chống viêm, giảm đau.

Viêm sụn vành tai

Nguyên nhân: có thể do tụ máu, dịch vành tai, nhưng thường do nhiễm tụ cầu, sau sang chấn (gãi gây xước) hay sau chấn thương (đụng, dập).

Chẩn đoán

Ban đầu chỉ thấy ngứa rát, hơi đau nơi bị sây sát (thường ở phần trên vành tai) sau đó có biểu hiện nóng, sưng, đỏ.

Khi viêm tấy thành mủ đau tăng rõ, sưng ngày càng tăng, sờ nóng, làm mất các nếp sụn ở vành tai.

Viêm sụn hoại tử: đau dữ dội, sưng tấy căng mọng lan rộng cả một phần của vành tai làm mất các hố và nếp của vành tai, cả mặt trước lẫn mặt sau vành tai.

Nếu không được xử trí tốt sụn bị hoại tử, sưng tấy hoá mủ và vỡ mủ làm cho vành tai bị co rúm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Xử trí

Toàn thân: tuỳ theo mức độ và toàn trạng bệnh nhân để sử dụng kháng sinh. Đối với viêm sụn hoại tử cần dùng kháng sinh phối hợp và liều cao, lưu ý cho kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí.

Tại chỗ:

Khi mới viêm tấy da vành tai, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, sát khuẩn vết xước bằng cồn iốt.

Khi đã viêm mủ, hoại tử sụn: phải trích rạch rộng tháo mủ, nạo bỏ hết các mảnh sụn hoại tử.

Để chống viêm, hoại tử sụn có thể chấm nitrat bạc, axít boric, đặt bấc tẩm Betadin hay kháng sinh tại chỗ.

Cần theo dõi sát diễn biến của bệnh, dùng kháng sinh đầy đủ, tránh hoại tử sụn gây hẹp co rúm vành tai.

Chàm ống tai ngoài (Eczema)

Thường gặp ở trẻ nhỏ.

Nguyên nhân

Do mủ, thường mủ nhầy, chảy thường xuyên hay ứ đọng mủ lâu. Chàm từ ống tai lan ra vành tai.

Do dị ứng, chàm có thể từ đầu, cổ lan đến vành tai và ống tai ngoài.

Chẩn đoán

Da vùng tai ngoài ngứa, mẩn đỏ, mọc các mụn phỏng nhỏ chứa dịch nhầy trong. Các mụn phỏng vỡ thành các vẩy màu nâu, mỏng phủ lên trên.

Nếu chàm khô: da ngứa, mẩm đỏ, dày lên, cũng có những mảnh biểu bì nhỏ đục hoặc xám nổi thành vảy dễ bong ra.

Do ngứa nên trẻ thường hay gãi gây xây xước dễ bị nhiễm khuẩn tạo thành chàm nhiễm khuẩn với những mụn loét nhỏ, nóng, có mủ, trên bề mặt có vẩy nâu cứng có thể gây viêm tấy rộng cả tổ chức dưới da vùng sau tai, thái dương.

Xử trí

Tại chỗ:

Lau sạch mủ ở ống tai nếu có.

Rắc bột oxyt kẽm hoặc bôi Thu*c mỡ oxyt kẽm.

Nếu nhiều dịch ướt, bôi bằng dung dịch nitrat bạc 5%.

Nếu có nhiễm khuẩn thành mủ bôi xanh mêthylen.

Bôi mỡ corticoid.

Toàn thân: tăng cường sức đề kháng, dinh dưỡng tốt, chống dị ứng.

Nguồn: Internet.
Mạng Y Tế
Nguồn: Điều trị (https://www.dieutri.vn/bgtaimuihong/benh-hoc-tai-ngoai/)

Chủ đề liên quan:

bệnh học tai ngoài

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY