Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Tại sao Hội chứng thận hư được coi là nguy hiểm?

Hội chứng thận hư xuất hiện khi thận bị tổn thương. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, tình trạng này kéo dài sẽ gây ra một loạt bệnh lý và biến chứng nguy hiểm.

Thận hư là gì?

Thận hư là một nhóm các triệu chứng có thể xuất hiện nếu thận của bạn không hoạt động bình thường - (Ảnh: Internet).

Hội chứng thận hư không phải là một căn bệnh. Đó là một nhóm các triệu chứng có thể xuất hiện nếu thận của bạn không hoạt động bình thường.

Các mạch máu nhỏ trong thận của bạn hoạt động như một bộ lọc, loại bỏ chất thải và nước thừa ra khỏi máu. Chất thải và nước đó kết thúc trong bàng quang và thoát ra khỏi cơ thể bạn dưới dạng nước tiểu. Những mạch này là một phần của "cầu thận", bộ phận lọc của thận.

Khi cầu thận bị hư hỏng, quá nhiều protein sẽ trượt qua các bộ lọc vào nước tiểu của bạn. Kết quả là gây ra hội chứng thận hư.

Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, hội chứng này hoàn toàn có thể điều trị được.

Ai có nguy cơ mắc hội chứng thận hư?

Bất cứ ai cũng có thể mắc hội chứng thận hư nhưng bệnh này phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Ở trẻ em, hội chứng xảy ra thường xuyên nhất trong độ tuổi từ 2 đến 6. Bên cạnh đó, có những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ của bạn. Bạn có nhiều khả năng mắc hội chứng thận hư nếu bạn:

- Mắc bệnh ảnh hưởng đến thận như viêm cầu thận xơ hoá khu trú từng phần hay viêm cầu thận phân đoạn khu trú (FSGS), lupus hoặc tiểu đường

- Dùng một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) hoặc thuốc kháng sinh

- Bị nhiễm trùng như HIV, viêm gan B và C hoặc sốt rét

Ở trẻ em, nhiễm liên cầu khuẩn không được điều trị cũng có thể dẫn đến thận hư.

Các triệu chứng của hội chứng thận hư là gì?

Phù nề chân, đôi khi ở bàn tay có thể là triệu chứng của suy thận - (Ảnh: Internet).

Bạn có thể không biết rằng mình bị hội chứng thận hư cho đến khi bạn đi xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ. Kết quả xét nghiệm có thể cho thấy bạn có quá nhiều protein trong nước tiểu (hay còn gọi là protein niệu), nồng độ albumin trong máu thấp (giảm albumin máu) hoặc quá nhiều chất béo hoặc cholesterol trong máu (tăng lipid máu).

Các dấu hiệu của hội chứng thận hư mà bạn có thể nhận thấy là:

- Sưng ở chân, bàn chân, mắt cá chân, đôi khi ở mặt và bàn tay

- Tăng cân

- Cảm thấy rất mệt mỏi

- Nước tiểu có bọt hoặc sủi bọt

- Không cảm thấy đói.

Nguyên nhân gây thận hư

Hội chứng thận hư xảy ra khi bạn mắc một căn bệnh nào đó làm hỏng các bộ lọc trong thận khiến chúng không hoạt động như bình thường. Có những nguyên nhân chính và thứ phát gây ra hội chứng thận hư.

1. Nguyên nhân chính của hội chứng thận hư là những bệnh chỉ ảnh hưởng đến thận. Một số tình trạng có thể làm hỏng cầu thận của bạn bao gồm:

- Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu, là nguyên nhân chính gây ra hội chứng thận hư ở trẻ em. Mô thận của những người mắc bệnh này trông tương đối bình thường dưới kính hiển vi. Các bác sĩ vẫn chưa rõ tại sao căn bệnh này khiến thận không hoạt động bình thường. Một số nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh bao gồm nhiễm trùng do vi rút, phản ứng dị ứng, dùng một số loại thuốc và sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

- Xơ vữa cầu thận đoạn khu trú, hoặc FSGS, là một bệnh gây sẹo ở cầu thận. Đây là nguyên nhân chính phổ biến nhất của hội chứng thận hư ở người lớn. FSGS có thể do vi rút, chẳng hạn như HIV hoặc thuốc gây ra.

- Bệnh thận màng, bệnh khiến màng của cầu thận dày lên. Nguyên nhân có thể bao gồm ung thư, sốt rét, viêm gan B và lupus.

2. Nguyên nhân thứ phát của hội chứng thận hư là các bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả thận.

- Nguyên nhân thứ phát phổ biến nhất của hội chứng thận hư ở người lớn là bệnh tiểu đường. Nó có thể gây tổn thương thận, được gọi là bệnh thận do tiểu đường.

- Lupus (lupus ban đỏ hệ thống), một bệnh mãn tính của hệ thống miễn dịch, có thể làm tổn thương thận nghiêm trọng.

- Amyloidosis, xảy ra khi tích tụ các chất protein amyloid trong máu. Điều này có thể làm hỏng thận của bạn.

Biến chứng của hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau:

Suy dinh dưỡng

Protein trong máu có vai trò rất quan trọng trong nuôi dưỡng các tế bào của cơ thể, việc thiếu hụt lượng lớn protein máu sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị giảm cân, tuy nhiên khi cân có thể không thấy sụt hoặc thậm chí tăng cân do cơ thể tích nước.

Triệu chứng rõ nhất của suy dinh dưỡng do hội chứng thận hư là cơ thể mệt mỏi, xanh xao, thiếu năng lượng. Khi xét nghiệm sẽ thấy giảm lượng tế bào hồng cầu trong máu, Vitamin D và canxi cũng đồng thời giảm.

Tăng cholesterol trong máu

Khi nồng độ Protein Albumin trong máu giảm do thất thoát từ thận, để bù đắp gan sẽ sản xuất nhiều albumin hơn, điều này cũng làm tăng cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Khi chất béo trong máu tăng, các cục đông hình thành bên trong tĩnh mạch và động mạch, có thể gây đau tim hoặc đột quỵ.

Cao huyết áp

Thận hư không được điều trị có thể dẫn đến cao huyết áp ác tính - (Ảnh: Unsplash).

Giải thích cho cơ chế tại sao viêm cầu thận lại tăng huyết áp, các bác sĩ cho rằng tăng huyết áp gây tắc nghẽn “động mạch đi” ở trong thận, dẫn đến việc thay đổi kích thước thận và sưng phồng các tiểu cầu thận. Sự chít hẹp này kích hoạt bộ máy gần tiểu cầu thận và khiến huyết áp tăng lên, thậm chí có trường hợp còn xuất hiện tăng huyết áp ác tính. Hội chứng thận hư càng nghiêm trọng thì cơ thể càng tích nước và ứ muối, huyết áp cao dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là tim mạch. Bệnh nhân cao huyết áp cần được theo dõi ngừa biến chứng đột quỵ, suy tim,…

Suy thận cấp

Tổn thương cầu thận kéo dài có thể khiến thận mất khả năng lọc máu, khiến chất thải trong máu tăng lên trở thành chất độc cho toàn cơ thể. Bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy thận cấp phải lọc máu nhân tạo khẩn cấp.

Nhiễm trùng

Ở bệnh nhân mắc hội chứng thận hư, sự thiếu hụt một số protein giữ vai trò như kháng thể chống lại nhiễm trùng của cơ thể mất đi, khiến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Đặc biệt khi đối tượng mắc bệnh là trẻ em thì nguy cơ biến chứng do nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Bệnh thận mãn tính

Hội chứng thận hư thường tiến triển từ từ, khiến thận dần mất chức năng lọc máu, đến mức độ nào đó suy thận sẽ khiến bệnh nhân buộc phải lọc máu nhân tạo thường xuyên hoặc ghép thận thay thế.

Một số biến chứng có thể gặp khác bao gồm: Đái tháo đường, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tâm thần, hội chứng giả cushing, rối loạn điện giải,...

Các biện pháp giúp ngăn ngừa thận hư

Tập thể dục rèn luyện cơ thể có thể bảo đảm chức năng thận hoạt động ổn định, tránh suy thận - (Ảnh: Unplash).

Đối với người lành

- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: không sử dụng quá nhiều muối, bổ sung cân bằng các chất dinh dưỡng. Không nên uống quá nhiều rượu bia. Hạn chế lượng Protein, và tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong mỗi bữa ăn giúp hỗ trợ phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe.

- Sinh hoạt điều độ: cung cấp đủ nước cho cơ thể, không nên nhịn tiểu vì bất kỳ lí do gì. Không thức khuya, đi ngủ đúng giờ để đảm bảo các hoạt động sinh lý ở thận diễn ra bình thường, ổn định.

- Duy trì các hoạt động rèn luyện cơ thể: thừa cân, béo phì có thể làm suy giảm các chức năng thận, do phải làm việc quá sức để đào thải các chất độc. Vì vậy, việc thường xuyên tập thể dục có thể giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, từ đó đảm bảo chức năng thận hoạt động luôn ổn định.

- Tinh thần: cần duy trì tâm trạng ổn định, lạc quan, tránh những cảm xúc tiêu cực, stress có thể ảnh hưởng đến huyết áp và sức khỏe tim mạch của bạn.

Đối với người có tiền sử hoặc đang mắc chứng thận hư

Thay đổi cách bạn ăn uống cũng có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của mình. Khi bạn bị hội chứng thận hư, chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên thay đổi lượng protein (đạm), natri (muối) và chất béo mà bạn ăn.

- Protein: cần bổ sung đạm để bù đắp lượng protein bị đào thải qua nước tiểu bằng các thực phẩm như hải sản (tôm, cua, cá,…), thịt nạc (bò, gà,…), sữa tách béo, một số loại hạt và ngũ cốc,…

- Muối: hạn chế lượng muối trong các bữa ăn, tránh sử dụng các món ăn muối chua (mắm, dưa muối, cải muối,..), hải sản phơi khô (tép rang, mực, cá khô,...), chỉ nên ăn nhạt để duy trì huyết áp và nồng độ natri máu ổn định.

- Chất béo: cần đặc biệt hạn chế các chất béo có trong mỡ, nội tạng động vật, bơ, phô mai, các thức ăn đóng gói sẵn, chiên xào, nhiều dầu mỡ,…

- Tinh bột: bạn có thể sử dụng và bổ sung lượng tinh bột qua những thực phẩm như gạo lứt, yến mạch, khoai, mì,…

- Tăng cường rau xanh và trái cây để cung cấp đủ lượng vitamin và chất khoáng giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và nâng cao thể trạng.

- Nên chia nhỏ nhiều bữa ăn trong này thay vì ăn nhiều món ăn cùng một lúc. Hâm nóng thức ăn trước khi dùng, tránh sử dụng thức ăn nguội lạnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người bệnh cũng nên sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi nhiều hơn, cần tránh những hoạt động gắng sức, tuy nhiên bạn vẫn có thể rèn luyện thân thể qua các bài tập nhẹ nhàng (làm việc nhà, đi dạo,...). Luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, lạc quan để tránh các tác động xấu đến huyết áp, tim mạch,... Đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt để giúp các hoạt động tại thận diễn ra bình thường và ổn định.

Hội chứng thận hư có tính chất mạn tính, tái phát cao. Nếu không sớm điều trị, hội chứng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, nếu phát hiện bất cứ triệu chứng thận hư nào, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cải thiện tình trạng bệnh, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/tai-sao-hoi-chung-than-hu-duoc-coi-la-nguy-hiem-31483/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY