Nhận diện tam thất
Củ tam thất thường nhỏ (thường phải đến 85 củ to = 1kg), vỏ cứng xù xì màu đen, có vị đắng pha ngọt, tính ấm. Tam thất đạt chất lượng khi chỗ cắt cho thịt củ mịn màu xanh xám, còn thịt trắng vàng thì chất lượng kém hơn. Hiện nay tam thất cũng được nhân giống trồng đại trà cho củ bé hơn và da nhẵn, ít đắng thường được đánh giá là tam thất hạng 3.
Công dụng của tam thất
Tam thất có hai tác dụng chính là cầm máu và bổ dưỡng cơ thể do chứa saponin triterpen là ginsenozid. Gần đây, tam thất còn được dùng hỗ trợ trong điều trị chữa ung thư phổi, tuyến tiền liệt, vòm họng, vú… với kết quả thu được rất khả quan.
Ngoài việc được chỉ định dùng theo bài thuốc của các lương y bác sĩ, tam thất còn được khuyên dùng ở dạng bột (rịt lên vết thương để cầm máu), cắt lát hay hãm trà, chế biến cùng món ăn để tăng cường thể trạng cho người già, người ốm cần hồi phục và trẻ nhỏ.
Ảnh minh họa |
Cách dùng tam thất
Nếu dùng tam thất sống dưới dạng bột hoặc mài với nước uống hoặc dạng lát cắt thì nên ngậm nhai rồi nuốt để chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi sinh, kiết lỵ ra máu, khối u (ung thư).
Củ tam thất hấp cho mềm, thái mỏng hoặc sao khô, tán bột rồi hầm với thịt gà, thịt chim, ăn hằng ngày trong vài tuần. Có thể ngâm rượu uống. Đơn giản thì hãm tam thất với nước sôi như pha trà, uống làm nhiều lần vừa dễ làm, tiện lợi, vừa giữ được hương vị, hoạt chất. Nước hãm tam thất pha với sữa dùng cho trẻ em cũng rất tốt.
Có thể phối hợp với nhân sâm trong trường hợp uống riêng tam thất thấy có cảm giác "nóng", nhất là đối với những người mà khí huyết đều suy kiệt. Tuy nhiên, nên uống hỗn hợp sâm - tam thất vào ban ngày và uống riêng tam thất vào buổi tối vì nhân sâm sẽ làm cho tỉnh táo, khó ngủ.
Tam thất còn có thể phối hợp với kỷ tử, cúc hoa chữa các chứng bệnh về mắt; với hoa hòe hoặc rutin trong những trường hợp chảy máu; với linh chi lại tăng cường miễn dịch, chống stress, cải thiện trí nhớ.
Món gà hầm tam thất rất được ưa thích để bồi bổ sức khỏe. |
Bồi bổ cơ thể với tam thất
Người bị ung thư: ngoài các thuốc đặc trị có thể dùng thêm tam thất sống (chưa sao) hỗ trợ điều trị: Tam thất rửa sạch, thái lát. Các món ăn cho vài lát tam thất nấu cùng. Ngày ăn 30-40g tam thất.
Người suy nhược cơ thể và thần kinh: Tim lợn 1 quả, tam thất 30g, long nhãn 16g, đương quy 6g, đảng sâm 16g, hạt sen 20g. Hấp cách thủy 30 phút.
Đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Tam thất 20g, đan sâm 20g sắc uống hoặc lấy nước nấu cháo. Ăn liên tục trong vài tháng.
Trường hợp bị nội thương, tức ngực, ho ra máu, rong kinh rong huyết, chảy máu cam: Dùng bột tam thất hòa nước ấm uống hàng ngày, mỗi ngày 20g.
Phụ nữ yếu sau sinh: Gà ác 1 con, tam thất thái lát 30g, đương quy 08g, kỷ tự 16g, đại táo 20g. Các vị thuốc nhồi vào bụng gà, hầm cách thủy 2 tiếng. Món ăn có tác dụng bồi bổ cơ thể, tiêu huyết ứ, huyết xấu trong cơ thể sản phụ, hồi phục nhanh sức khoẻ.
Thống kinh (đau bụng khi hành kinh): Tam thất 20g hòa với nước ấm hoặc cháo loãng uống 10 ngày trước kỳ kinh. Tam thất có tác dụng hoạt huyết, chỉ đau.
Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng tam thất.
Lê Nga
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: