Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Tăng tiết mồ hôi - căn bệnh khiến người mắc tự ti và làm suy giảm chất lượng cuộc sống

Quần áo đẫm mồ hôi, lòng bàn tay ướt, bàn chân ướt hay một khuôn mặt nhiều dầu do ra quá nhiều mồ hôi khiến mọi người cảm thấy khó chịu, thiếu tự tin trong giao tiếp cũng như trong công việc. Chúng ta hãy cũng tìm hiều nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục của hội chứng ra mồ hôi quá nhiều ở bài viết dưới đây.

1. Ra mồ hôi quá nhiều là bệnh gì?

Tăng tiết mồ hôi có thể gây ra mùi hôi bất thường - (Ảnh: Freepik).

Đổ mồ hôi là một phản ứng bình thường khi cơ thể bạn vận động mạnh như tập thể dục hoặc khi thời tiết quá nóng và cơ thể cần tự hạ nhiệt. Sự bốc hơi chất lỏng từ da tạo ra hiệu ứng làm mát, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, bạn tiết mồ hôi ngay cả khi cơ thể không cần được làm mát thì đây là tình trạng tăng tiết mồ hôi.

Tăng tiết mồ hôi có thể gây ra tình trạng mùi mồ hôi bất thường (mùi mồ hôi của cơ thể). Bạn có thể đổ mồ hôi quá nhiều đến mức thấm qua quần áo, và có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày và gây lo lắng hay bối rối cho người bệnh.

2. Bệnh tăng tiết mồ hôi có mấy loại?

Có hai dạng cơ bản của chứng đổ mồ hôi quá nhiều: chứng tăng tiết mồ hôi cục bộ và chứng tăng tiết mồ hôi toàn thân.

a. Đổ mồ hôi cục bộ: tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát gây ra mồ hôi ở một bộ phận nhất định của cơ thể, như bàn tay - (Ảnh: Freepik).

Dạng tăng tiết mồ hôi phổ biến nhất là chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát. Dạng tăng tiết mồ hôi này ảnh hưởng đến khoảng 1% đến 3% dân số, và thường bắt đầu ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên.

Tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát không gây bệnh. Về cơ bản, bạn chỉ đổ mồ hôi quá mức. Mặc dù đây là một tình trạng bệnh lý, nhưng nó không phải là dấu hiệu của bệnh tật hoặc tương tác thuốc. Những người mắc bệnh này đều khỏe mạnh.

Các triệu chứng của tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát khá cụ thể, nó chỉ ảnh hưởng đến các bộ phận cụ thể của cơ thể, chẳng hạn như dưới cánh tay, bẹn, đầu, mặt, bàn tay hoặc bàn chân. Các triệu chứng cũng có xu hướng đối xứng, xảy ra ở cả hai bên như nhau.

b. Đổ mồ hôi tổng quát: tăng tiết mồ hôi tổng quát thứ cấp

Tăng tiết mồ hôi thứ cấp ít phổ biến hơn này gây ra mồ hôi khắp cơ thể - không chỉ ở bàn tay hoặc bàn chân. Tình trạng này cũng nghiêm trọng hơn về mặt y tế. Nó được gọi là thứ phát vì nó được gây ra bởi một cái gì đó khác, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.

Một dấu hiệu đáng chú ý của chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát là đổ mồ hôi toàn thân quá nhiều vào ban đêm.

Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân cường giáp (tình trạng lượng hormone tuyến giáp tăng quá mức trong máu). Lượng hormone làm đẩy nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi nhiều. Những dấu hiệu thường thấy của bệnh cường giáp như cảm giác nóng trong người, hay cáu gắt khó chịu, tăng sự thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại sụt cân nhanh, mắt lồi, hay mệt mỏi và gặp khó khăn trong giấc ngủ.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh tăng tiết mồ hôi là gì?

Tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát

Các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân gây ra tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát, nhưng cho biết chúng có thể bắt nguồn từ một trục trặc nhỏ trong hệ thần kinh. Và tình trạng này cũng có thể xảy ra do di truyền, khi một trong những người thân trong gia đình có tiền sử bệnh tật này.

Tăng tiết mồ hôi tổng quát thứ cấp

Tăng tiết mồ hôi tổng quát thứ cấp có thể xảy ra do một số tình trạng y tế và bệnh tật khác nhau, bao gồm:

- Thời kỳ mãn kinh

- Thai kỳ

- Các vấn đề về tuyến giáp

- Bệnh tiểu đường

- Nghiện rượu

- Các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao

- Bệnh Parkinson

- Viêm khớp dạng thấp

- Đột quỵ

- Suy tim

- Các bệnh ung thư như bệnh bạch cầu và ung thư hạch

Những người thường xuyên lo lắng hoặc bị rối loạn lo âu cũng có thể đổ mồ hôi nhiều hơn những người khác.

Bên cạnh đó, cũng có một số loại thuốc có thể gây đổ mồ hôi bao gồm:

- Một số loại thuốc tâm thần

- Một số loại thuốc huyết áp

- Một số loại thuốc trị khô miệng

- Một số thuốc kháng sinh

- Một số chất bổ sung

4. Dấu hiệu và triệu chứng của tăng tiết mồ hôi

Các triệu chứng của bệnh tăng tiết mồ hôi là đổ mồ hôi nhiều ở chân, tay và nách hoặc cả ba. Đôi khi các phần khác trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Đổ mồ hôi có thể gây ra ngại ngùng, lo lắng hay bối rối trong giao tiếp và đôi khi có mùi hôi. Áo, vớ và giày có thể bị biến màu.

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng sau:

- Đổ mồ hôi ban đêm: nếu bạn thức dậy với mồ hôi lạnh hoặc bạn thấy áo gối và ga trải giường của mình bị ướt vào buổi sáng.

- Đổ mồ hôi tổng thể: nếu bạn đổ mồ hôi khắp cơ thể, không chỉ từ đầu, mặt, nách, bẹn, bàn tay hoặc bàn chân.

- Đổ mồ hôi không đối xứng: nếu bạn nhận thấy rằng bạn chỉ đổ mồ hôi từ một bên của cơ thể, chẳng hạn như một bên nách.

- Thay đổi đột ngột: nếu tình trạng đổ mồ hôi của bạn đột ngột trở nên tồi tệ hơn.

- Khởi phát muộn: nếu bạn bị ra mồ hôi nhiều khi ở tuổi trung niên trở lên. Chứng tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát (không gây nguy hiểm cho cơ thể, không phải dấu hiệu của bệnh lý khác) thường bắt đầu ở thanh thiếu niên và thanh niên.

- Các triệu chứng sau khi thay đổi thuốc: nếu tình trạng đổ mồ hôi nhiều bắt đầu khởi phát sau khi bạn bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới thì bạn nên đi gặp bác sĩ để trao đổi về tình trạng này.

- Đổ mồ hôi kèm theo các triệu chứng khác, như mệt mỏi, mất ngủ, khát nước nhiều hơn, đi tiểu nhiều hơn hoặc ho.

5. Những ảnh hưởng của bệnh tăng tiết mồ hôi đến cuộc sống của người bị bệnh

Tăng tiết mồ hôi khiến người bệnh tự ti và lo lắng - (Ảnh: Freepik).

Tăng tiết mồ hôi có thể khiến người mắc luôn cảm thấy xấu hổ, ái ngại, tự ti và hạn chế giao tiếp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thật vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của tăng tiết mồ hôi đối với chất lượng cuộc sống bằng hoặc lớn hơn bệnh vẩy nến, mụn trứng cá nặng, bệnh bạch biến và ngứa mạn tính. Bên cạnh những khó chịu về thể chất khi luôn ra nhiều mồ hôi, tăng tiết mồ hôi cũng có những tác động tiêu cực đến tâm lý của người bệnh. Dưới đây là một số thống kê được báo cáo trong các tài liệu y khoa liên quan đến các tác động xã hội và cảm xúc của tăng tiết mồ hôi:

- Giảm sự tự tin và trầm cảm được báo cáo trong số những người mắc bệnh tăng tiết mồ hôi.

- Tỷ lệ lo lắng và trầm cảm cao hơn đáng kể ở những người mắc tăng tiết mồ hôi so với những người không mắc.

- 75% những người bị đổ mồ hôi quá nhiều cho biết tình trạng này có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, cảm giác hạnh phúc và sức khỏe tinh thần và tinh thần của họ.

- 5% người mắc bệnh tăng tiết mồ hôi cho biết họ dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu do đổ mồ hôi.

6. Cách kiểm soát chứng tăng tiết mồ hôi và mùi cơ thể

Những phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi và mùi cơ thể phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Bác sĩ có thể xác định thông qua kiểm tra và xét nghiệm thể chất của bạn. Phương pháp điều trị bao gồm:

- Sử dụng chất chống tiết mồ hôi bôi tại chỗ như thuốc xịt, kem dưỡng da và thuốc lăn đặc biệt không kê đơn hoặc theo toa có thể giúp kiểm soát các triệu chứng

Chúng hoạt động bằng cách kéo mồ hôi trở lại tuyến mồ hôi. Khi cơ thể nhận được tín hiệu rằng các tuyến mồ hôi đã đầy, việc sản xuất mồ hôi sẽ giảm. Nếu thuốc chống mồ hôi không kê đơn không giúp kiểm soát mồ hôi của bạn, bác sĩ có thể kê một sản phẩm khác theo toa. Đây là những giải pháp mạnh mẽ hơn để chống tiết mồ hôi. Tuy nhiên, nó có thể gây đỏ da, sưng và ngứa ở một số người.

- Chất khử mùi

Ngoài vai trò khử mùi hôi, nó cũng giúp giảm tiết mồ hôi. Chúng thường có chứa cồn và làm cho da bạn có tính axit. Do đó ít thu hút vi khuẩn hơn. Chất khử mùi thường chứa nước hoa có mục đích che dấu mùi hôi.

- Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể loại bỏ các tuyến mồ hôi từ dưới cánh tay hoặc ngăn các tín hiệu thần kinh đến các tuyến mồ hôi.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Bạn có thể tự làm một số việc sau để giảm mồ hôi và mùi cơ thể. Các đề xuất sau đây có thể giúp ích cho bạn:

Vệ sinh cơ thể mỗi ngày có thể giúp kiểm soát tình trạng tăng tiết mồ hôi quá mức - (Ảnh: Freepik).

- Vệ sinh cơ thể mỗi ngày

Tắm thường xuyên, đặc biệt là với xà phòng kháng khuẩn, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn trên da của bạn.

- Chọn quần áo phù hợp

Thường xuyên giặt quần áo, mặc quần áo sạch và phù hợp với hoạt động của bạn. Đối với trang phục hàng ngày, chọn các loại vải tự nhiên, chẳng hạn như cotton, len và lanh. Những chất liệu này cho phép làn da thở. Đối với trang phục tập thể dục, có thể sử dụng các loại vải tổng hợp dễ thấm mồ hôi.

- Thay đổi chế độ ăn uống

Lựa chọn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất từ các loại thực phẩm chứa nhiều chất kẽm như ngũ cốc, hạt bí ngô, đậu phộng, hàu, cua, thịt cừu, thịt bò, thịt gà, cá hồi hay gan động vật... và các thực phẩm như dâu tây, nho... có nhiều chất silic có thể giảm thiểu tình trạng ra nhiều mồ hôi và mùi hôi của cơ thể.

Đồ uống chứa caffein và thức ăn có mùi mạnh có thể khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn hoặc có mùi cơ thể mạnh hơn bình thường. Hạn chế thực phẩm cay và tỏi trong chế độ ăn. Hạn chế ăn thịt đỏ. Loại bỏ những thực phẩm này có thể giúp giảm tiết mồ hôi một phần.

- Uống nhiều nước để làm mát cơ thể

Nếu uống đủ nước, cơ thể sẽ không bị nóng và không cần phải thoát nhiệt nên không phải đổ mồ hôi để thoát khỏi cái nóng nữa vì lượng nước ở trong người đã đủ để giữ nhiệt độ cơ thể luôn mát mẻ. Có thể uống các loại nước hoa quả mỗi ngày để làm giảm mồ hôi. Nhiều người quan niệm rằng, càng uống nhiều nước thì càng đổ nhiều mồ hôi. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

- Quản lý căng thẳng

Căng thẳng là nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi. Những biện pháp như thiền, yoga có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng. Từ đó giúp giảm tiết mồ hôi có mùi khó chịu.

Tăng tiết mồ hôi là hội chứng gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người mắc. Vì vậy, nếu đang gặp tình trạng này, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân rồi từ đó tìm kiếm các cách điều trị phù hợp nhất.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/tang-tiet-mo-hoi--can-benh-khien-nguoi-mac-tu-ti-va-lam-suy-giam-chat-luong-cuoc-song-31370/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY