Đành rằng mỗi thời đại, mỗi thế hệ cảm nhận về tết cổ truyền khác nhau nhưng với tôi, tết quê thập niên 60, 70 của thế kỷ xx ở miền bắc là những cái tết không thể nào quên được.
Trong hoàn cảnh “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ lúc bấy giờ vô cùng ác liệt, nhưng mỗi khi Tết đến xuân về đều có sự náo nức lạ thường và có những phong tục đẹp mà nay đã không còn nữa.
Chợ Tết ngày xưa (Ảnh minh họa: thethaovanhoa.vn). |
Trước hết, đó là sự chuẩn bị đón Tết chu đáo, đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương, của mọi tầng lớp nhân dân. Trước Tết một tuần lễ, nhân dân ra đường dọn cỏ, dọn rác, phát cây, làm vệ sinh đường sá trong làng xóm sạch sẽ.
Đoàn thanh niên làm nòng cốt cho mọi hoạt động làm vệ sinh này. Bên cạnh từng tốp thanh niên là các cụ phụ lão, các chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi cũng góp sức, góp công làm đẹp đường quê.
Cổng chào, khẩu hiệu cùng với những cây đu được dựng lên. Từng đống rác được đem đi đốt, lấp xuống hố để làm phân xanh bón ruộng… Làng quê khang trang, sáng sủa, bừng lên một không khí rộn ràng.
Dù khó khăn, thiếu thốn cỡ nào nhưng các cửa hàng thực phẩm, lương thực vẫn lo đủ gạo, nếp cho người dân vui Tết. Đêm đêm, nhà nhà quây quần bên nhau gói bánh chưng, làm giò chuẩn bị Tết.
Nồi bánh chưng được bắc lên. những cây củi nhỏ, củi gộc lần lượt cháy đượm. bên nồi bánh chưng sôi thơm ngào ngạt, mọi người cùng lũ trẻ chúng tôi chờ đón phút giao thừa để nghe bác hồ chúc tết qua chiếc đài thu thanh của bố…
Một không khí đầm ấm, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữa chòm xóm với nhau tựa hề như có dải lụa điều thắt chặt tự bao đời!
Những câu chuyện xưa, những bài ca dao đằm thắm tình đôi lứa: “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng”…
Sáng mùng một, chúng tôi sung sướng mặc những bộ quần áo mới còn thơm mùi hồ, mùi vải để đi chúc tết ông bà. cha mẹ dẫn con cái qua nhà ông nội, ông ngoại chúc tết thật nghiêm trang và đầy tình cảm gia đình.
Trưa mùng một, mọi người trong xóm qua nhà chúc tết lẫn nhau. tiếng cười nói, tiếng reo vui trong mùi hương trầm thơm ngát càng thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm…
Ngày mùng hai, bắt đầu đi xem hội cờ người ngoài sân hợp tác xã hoặc ngoài đình làng. Rồi những cây đu thử tài thử sức nam thanh nữ tú của các làng về dự hội. Những cây đu cong vút, những cặp nam nữ cùng đu cao đến chóng mặt trong tiếng reo hò, vỗ tay cổ vũ của mọi người…
Những trận đá bóng giữa các làng càng thêm đông vui người xem. Những cầu thủ chân trần nhưng đá bóng thật hấp dẫn tuổi thơ chúng tôi ngày ấy…
Tết cổ truyền của dân tộc có nhiều phong tục đẹp, đã có tự ngàn xưa. Tết là dịp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cùng thương yêu nhau, cùng đoàn kết.
Nhưng dần dần, do những tác động của kinh tế thị trường, Tết có vẻ đang nhạt dần vì chất sâu đằm, ý nghĩa của Tết không còn như trước…