Theo Reuters, hôm qua 18.7, bất chấp các hạn chế giãn cách để phòng dịch COVID-19, khoảng 2.500 người biểu tình chủ yếu là những người trẻ tuổi đã tập trung tại tượng đài Dân chủ của Bangkok để hô khẩu hiệu và giơ biểu ngữ nhằm thể hiện quan điểm bất đồng chính kiến với chính quyền của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Những người biểu tình đã đưa ra ba yêu cầu chính gồm “giải tán Quốc hội”, “chấm dứt quấy rối các nhà phê bình chính phủ” và “sửa đổi Hiến pháp do quân đội soạn thảo”. Cuộc biểu tình nói trên được tổ chức bởi nhóm Thanh niên Giải phóng và là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chính phủ Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3 để ngăn đại dịch COVID-19.
Hiện đám đông người biểu tình đã được giải tán, song các nhà tổ chức biểu tình cho biết họ sẽ tiếp tục xuống đường trong hai tuần nữa nếu những yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Một người biểu tình cầm biểu ngữ có khuôn mặt của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha - Ảnh: Reuters
Được biết, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lần đầu lên nắm quyền Thái Lan trong tư cách người đứng đầu quân đội khi ông lãnh đạo một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2014. Ông tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng vào năm 2019 sau một cuộc bầu cử được xem là tự do nhưng không công bằng, với những điều kiện nghiêng về một đảng do quân đội thống trị cả trước và sau khi bỏ phiếu.
Dưới sự lãnh đạo mang tính bảo thủ sâu sắc của ông, quân đội và giới thượng lưu hoàng gia Thái Lan ngày càng được củng cố quyền lực, dẫn đến gây bất mãn cho các thành phần cấp tiến hơn trong xã hội Thái Lan.
Sự phản đối của người dân đối với Thủ tướng Prayuth gia tăng trong những tháng gần đây. Phán quyết của tòa án hồi tháng 2 giải tán đảng Tương lai mới, đảng đối lập có chính sách thúc đẩy dân chủ được sự ủng hộ đáng kể của giới trẻ Thái Lan, đã dẫn đến những cuộc biểu tình trước đó. Những người ủng hộ đảng này tin rằng nó trở thành mục tiêu tấn công vì được nhiều người ủng hộ và vì chỉ trích chính phủ và quân đội.
Vào thời điểm đó, những cuộc biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan đã thu hút đám đông tham gia ngày càng lớn, nhưng giảm đi nhanh chóng khi một số ổ dịch COVID-19 được xác nhận và luật khẩn cấp được ban hành.
Kể từ đó, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đã giúp Thái Lan ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh đã khả quan hơn, tình trạng khẩn cấp vẫn chưa bị dỡ bỏ. Những người phản đối cho rằng chính phủ đã lợi dụng tình trạng này như một vũ khí chính trị.
Tình hình chính trị nóng lên trở lại vào tháng 6 khi một nhà hoạt động chính trị lưu vong nổi tiếng Thái Lan bị bắt bởi những người đàn ông không rõ danh tính ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Không ai nhìn thấy người đàn ông này kể từ đó. Một số người Thái Lan bất đồng chính kiến ở Lào cũng bị bắt cóc một cách bí ẩn trong những năm gần đây. Thi thể của ba người sau đó được tìm thấy trên sông Mekong.