Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thận trọng khi thử nghiệm vắc xin lao chống Covid-19

Việc thử nghiệm vắc xin phòng lao trên người lớn có nguy cơ biến chứng lớn, phải rất thận trọng

Lãnh đạo Bệnh viện Phổi T.Ư (Hà Nội) vừa cho biết, sẽ thực hiện nghiên cứu lâm sàng tiêm vắc xin phòng lao (BCG) trên khoảng 800 cán bộ y tế để đánh giá mối liên quan của vắc xin này với bệnh Covid-19.

Than trong khi thu nghiem vac xin lao chong Covid-19
Bộ Y tế chưa đồng ý nghiên cứu thử nghiệm vắc xin phòng chống lao trên bác sĩ. Ảnh minh họa

Trước thông tin này, GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Úc) cho rằng ý tưởng trên không đủ tính thuyết phục.

Ông cho biết, cơ sở khoa học đằng sau ý tưởng nghiên cứu BCG trong việc phòng chống dịch Covid-19 là những quan sát mang tính 'ecologic correlation' – tương quan nhóm. Đó là một báo cáo phân tích thống kê cho thấy những nước 'nghèo' có chương trình tiêm chủng BCG (Nhật) có tỉ lệ bị nhiễm Covid-19 thấp hơn những nước không có chương trình tiêm BCG (Ý, Bỉ, Mĩ, Hà Lan). Mối liên quan như vậy cũng được thấy ở Tu vong liên quan đến Covid-19. Tuy nhiên, vị GS lưu ý, ở đây là tương quan ecologic, tức là theo nhóm, không phải theo cá nhân. Vì thế, tương quan ecologic được xem là một sai lầm trong khoa học. Không ai trong khoa học xem những mối tương quan này là tương quan sinh học.

Ngoài ra, vị GS cho biết còn có một nghiên cứu với kết quả cho thấy không có liên quan gì giữa BCG và Tu vong do Covid-19. Các tác giả cũng cảnh báo cần phải cẩn thận với những nghiên cứu kiểu 'ecologic correlation'.

Tuy nhiên, tại Úc, một nhóm nghiên cứu vẫn thử nghiệm BCG trên nhân viên y tế để đánh giá hiệu quả của BCG trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Từ diễn biến trên, GS Nguyễn Văn Tuấn khẳng định ngay là Việt Nam không cần phải thử nghiệm lại loại vắc xin này trên các y bác sĩ khi mà Úc đã làm rồi. Càng không nên vì nhân viên y tế vốn đã mỏng cho một thử nghiệm như thế.

Hơn nữa, với mẫu thử trên 800 người thì rất khó có kết quả thuyết phục được. Ở Úc họ thí nghiệm trên 4170 người mới đủ 'power' (độ nhạy thống kê), thì con số 800 sẽ không đủ để cho một kết quả đáng tin cậy.

Mặt khác, số người đã được tiêm vắc xin BCG tại Việt Nam rất đông. Nếu muốn thử nghiệm chỉ cần đánh giá được trong số những ca mắc Covid-19 thì có bao nhiêu người đã từng được tiêm vắc xin BCG và có thể đối chiếu với những người nghi mắc nhưng không chuyển thành ca bệnh sau 14 ngày.

Vì điều này, vị GS tái khẳng định "không cần phải làm thí nghiệm và thử nghiệm lại trên các y bác sĩ".

Phải thận trọng

Trao đổi với Đất Việt về những thông tin trên, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho biết hiện nay, có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng vắc xin BCG để tăng cường miễn dịch, chống lại Covid-19 đang được triển khai tại Australia và Đức.

Chính vì vậy, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã có Công văn giao Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp với Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa vắc xin phòng lao và bệnh Covid-19.

Theo ông Quang, các đơn vị liên quan mới đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu. Bộ Y tế hiện chưa tiếp nhận hồ sơ, đề cương của nghiên cứu lâm sàng này. Do đó, nghiên cứu chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Trong khi đó, với các nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng (thực hiện trên người tình nguyện), đơn vị nghiên cứu cần xây dựng đề cương cụ thể, đối tượng lựa chọn, liều thử nghiệm và chỉ được triển khai sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

"Sau khi có phản ánh, chúng tôi cũng rất không hài lòng bởi trước khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai, tất cả nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người đều phải được Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế xem xét, nhận xét, hướng dẫn và chấp thuận về đạo đức và khoa học sau đó mới có thể tiến hành.

Thông tin sẽ thử nghiệm ngay trên 800 y bác sĩ tuyến đầu là quá chủ quan.

BCG là vắc xin phòng chống lao sử dụng trong trương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, không dành cho người lớn. Thử nghiệm ngay trên người lớn nguy cơ tai biến rất khó lường, phải hết sức thận trọng", ông Quang nói.

Trước thông tin cho rằng, ý tưởng thử nghiệm lại BCG cho 800 nhân viên y tế nằm trong một dự án quốc tế được tài trợ miễn phí bởi Viện Pasteur Paris cho rất nhiều nước thực hiện. Trong đó có Việt Nam.

Việc này không khác nào tự biến Việt Nam thành trạm thu thập dữ liệu cho Pháp. Như vậy càng không cần phải mạo hiểm đưa 800 y bác sĩ làm mẫu thử nghiệm và càng không thể sử dụng kinh phí từ Bộ Y tế để phục vụ mục đích thử nghiệm trên bii vốn đây đã là một dự án được tài trợ miễn phí.

Về việc này, ông Quang cũng bày tỏ đồng tình và khẳng định những băn khoăn, những câu hỏi của giới chuyên môn đặt ra là chính xác vì vậy, rất cần phải có một Hội đồng đánh giá để trả lời thỏa đáng mọi câu hỏi được nêu ra. Chỉ khi có được những câu trả lời xác đáng, minh bạch, rõ ràng, Bộ Y tế mới quyết định có triển khai nghiên cứu hay không.

Trước khi chưa có những đánh giá khoa học, khách quan về việc này, mọi ý kiến nêu ra chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của Bộ Y tế.

Lam Nguyễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo đất việt (https://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/than-trong-khi-thu-nghiem-vac-xin-lao-chong-covid-19-3400783/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY