Dù có dùng cách nào đi chăng nữa thì hệ miễn dịch đều phải được kích thích để tạo ra kháng thể cần thiết. Đây chính là công việc của tá dược (adjuvant).
Về cơ bản, vắc xin đánh lừa cơ thể tạo phản ứng miễn dịch cụ thể với một loại vi khuẩn/ vi rút cụ thể. Nhưng để phản ứng thì hệ miễn dịch phải ở trong trạng thái sẵn sàng.
Tiến sĩ Gregory Glenn - người đứng đầu dự án nghiên cứu vắc xin COVID-19 của Công ty Novavax giải thích: “Khi bạn tiêm vắc xin, tế bào miễn dịch có tầm quan trọng đầu tiên là tế bào đuôi gai. Chúng thuộc nhóm tế bào miễn dịch bẩm sinh phản ứng với bất cứ tác nhân lạ xâm nhập nào. Lúc phát hiện thứ gì đó như vi khuẩn hay vi rút, tế bào đuôi gai được kích hoạt mạnh và tạo ra một chuỗi phản ứng sau đó. Chính chuỗi phản ứng này sản xuất kháng thể”.
Trải qua quá trình thử nghiệm, Novavax xác định tá dược rất quan trọng để vắc xin do họ phát triển hoạt động hiệu quả. Những loại vắc xin khác cũng vậy.
Tuy nhiên nguồn tá dược lại không mấy dồi dào. Giáo sư Bali Pulendran thuộc Đại học Stanford cho biết: “Chúng ta chỉ nghĩ đến tá dược khi có nhu cầu cấp thiết, chẳng hạn như đại dịch hiện tại. Bây giờ ai cũng muốn (phát triển vắc xin) tạo phản ứng miễn dịch nhanh, tốt và tồn tại lâu”.
Trong gần 1 thập niên, giới khoa học chỉ có một lựa chọn tá dược là hợp chất tên alum. Phải đến những năm 1990 mới xuất hiện tá dược mới. Nay lựa chọn đã phong phú nhưng giáo sư Pulendran đánh giá vẫn cần có nhiều loại hơn.
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Mỹ Corey Casper hoàn toàn nhất trí. Ông lấy ví dụ vắc xin ngừa zona do hãng GlaxoSmithKline phát triển: “Tá dược khiến hiệu quả tăng từ 50 lên 97%. Không chỉ với mọi người mà còn với nhóm khó bảo vệ (lớn tuổi, phản ứng miễn dịch kém)".
Theo giám đốc Casper, cộng đồng vắc xin đã đánh giá thấp tầm quan trọng của tá dược. Ông thậm chí còn đưa dữ liệu chứng minh bản thân tá dược cũng ngăn ngừa được bệnh truyền nhiễm.
“Mỗi lần xuất hiện bệnh mới thì cuộc chạy đua vắc xin lại nổ ra. Nhưng nếu bạn chỉ cần cung cấp tá dược và không cần phát triển vắc xin thì sao? Tá dược có thể sản xuất hàng triệu liều, dự trữ được chờ đến đại dịch tiếp theo”, giám đốc Casper nói thêm.
Nhà nghiên cứu Sallie Permar thuộc Đại học Duke lại lưu ý rằng nên cẩn thận, vì tá dược có mặt trái.
Tá dược trong quá trình kích hoạt tế bào miễn dịch có thể gây ra vài triệu chứng giống bệnh như sốt, khó chịu hoặc viêm. Vắc xin GlaxoSmithKline dù nhờ tá dược tăng hiệu quả nhưng nhiều người cũng phàn nàn về tác dụng phụ.
Một vấn đề nữa: Nhiều công ty không muốn chia sẻ công nghệ tá dược. Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vắc xin thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Barney Graham thừa nhận tá dược mang tính độc quyền vì các hãng xem đây là chất bí mật giúp vắc xin của chính họ đạt hiệu quả.