Theo Đông y, thồm lồm gai có vị chua, tính mát, có công dụng giải nhiệt, tiêu độc, dùng chữa viêm da, mụn nhọt, lở ngứa, sốt rét, kiết lỵ... Trong nhân dân còn dùng lá hay rễ thồm lồm gai sắc uống chữa sốt, ho gà, lỵ, hoặc sắc nước rửa chỗ bị trĩ để chữa trĩ...
Thồm lồm gai còn có tên khác là rau má ngọ, rau sông chua... Là loại cỏ sống lâu năm, thân bò hay leo, có gai quặp xuống, lá hình tam giác, mọc so le, có gai ở cuống. Hoa màu trắng hoặc hồng nhạt, mọc thành bông ở đầu nhánh, cuống dài và có gai nhọn. Quả hình cầu, có 3 rãnh dọc, khi chín có màu đen. Cây ra hoa vào tháng 6 - 8; quả tháng 9 -10.
Cây mọc hoang ở khắp các vùng đất ẩm thấp cả ở đồng bằng và miền núi. Để làm Thu*c, có thể dùng toàn cây, hoặc chỉ dùng lá, rễ. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Chữa mụn nhọt: Lá thồm lồm gai 20g, lá khổ sâm 10g, sắc với nước uống, ngày uống 2 lần. Đồng thời giã nhuyễn lá thồm lồm gai đắp lên chỗ bị mụn nhọt, ngày đắp 2 lần đến khi khỏi.
Lở ngứa: Lá thồm lồm gai 20g, kinh giới 15g, rau sam 15g, hoa kim ngân 8g. Cho tất cả các vị vào nồi nấu nước để tắm. Ngày tắm 2 lần đến khi khỏi.
Chữa viêm nang lông: Dùng thồm lồm gai 20g, bồ công anh 15g, sắc uống trong ngày. Kết hợp Thu*c bôi ngoài: Thồm lồm gai 2 phần, ô tặc cốt (mai mực) 1 phần, hai thứ tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng, dùng bông chấm Thu*c bôi lên chỗ bị viêm nang lông, 3 - 4 lần trong ngày.
Chữa viêm da đầu do tăng tiết bã nhờn: thồm lồm gai 100g, lá thông đuôi ngựa 30g. tất cả rửa sạch thái nhỏ, sắc lấy nước để gội đầu hàng ngày hoặc cách ngày gội một lần.
Chữa chốc đầu: Lấy 30g lá thồm lồm gai giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Lấy lá trầu không giã nhuyễn nấu với nước để rửa sạch vùng da đầu bị chốc, sau đó dùng nước cốt lá thồm lồm gai bôi vào. Ngày bôi 2 lần đến khi khỏi.
Hỗ trợ điều trị xơ gan: thồm lồm gai 20g, nhân trần 15g, kim tiền thảo 10g, cỏ seo gà 10g, mộc hương 10g, đại phúc bì 10g, hoàng liên 6g, thổ phục linh 12g. tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày. dùng 10 ngày là một liệu trình.