Ảnh minh họa |
Văn phòng chính phủ vừa ban hành văn bản 51/tb-vpcp thông báo kết luận của thủ tướng chính phủ tại hội nghị thủ tướng chính phủ làm việc với ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do ủy ban làm đại diện chủ sở hữu về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, yêu cầu nhiệm vụ năm 2024 cao hơn năm 2023 trong khi dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn. 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước, vì vậy, thủ tướng chính phủ yêu cầu ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quán triệt các quan điểm:
Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; nắm chắc diễn biến, tình hình thực tế để cụ thể hóa thành kế hoạch, dự án cụ thể, tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.
Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý tại các văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan về thuế, đất đai, bất động sản, nhà ở… theo tinh thần giảm tối đa thủ tục hành chính làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Khắc phục tồn tại, hạn chế của năm 2023 để tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, trong đó đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực); làm mới 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); bổ sung các động lực tăng trưởng mới: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...
Thủ tướng yêu cầu tập trung cơ cấu lại 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung cơ cấu lại về quản trị gồm: tổ chức, con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cơ cấu lại về tài chính; cơ cấu lại về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào... phù hợp thị trường, xu hướng phát triển. việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp cần dựa trên hiệu quả tổng thể.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính; chủ động, tích cực dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; kiên định các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nhà nước, tuân thủ quy luật kinh tế thị trường. Đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Phát huy truyền thống, lịch sử thương hiệu phát triển qua nhiều năm, bản lĩnh của mỗi doanh nghiệp để tạo khí thế mới, động lực mới, kết quả mới, thắng lợi mới. Tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, người lao động theo hướng năm sau phải cao hơn năm trước; đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nêu tại Hội nghị để xem xét, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động cùng với các tập đoàn, tổng công ty làm việc với các bộ, cơ quan quản lý nhà nước liên quan để sớm tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tổng hợp các vướng mắc, bất cập của Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp), xác định rõ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư phát triển, đóng góp ý kiến gửi Bộ Tài chính trong tháng 2/2024.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bố trí nhân sự đúng, trúng căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch; tuyệt đối không để chạy chức, chạy quyền, tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ. Tất cả phải theo quy trình, quy định; không để bất cứ ai can thiệp tiêu cực vào công tác cán bộ.
Khẩn trương trình Thường trực Chính phủ các Đề án, Dự án để báo cáo kết quả, trình Bộ Chính trị, Quốc hội (các Dự án: Thép Việt Trung VTM, mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trong tháng 3/2024; Đề án cơ cấu lại VEC trong quý I năm 2024; Nhà máy đóng tàu Dung Quất trong quý I năm 2024; Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021 - 2026 trong tháng 2/2024). Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung nghiên cứu các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, thúc đẩy mạnh mẽ cho đầu tư phát triển của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Đối với 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, các chỉ tiêu tài chính nhất là đóng góp ngân sách nhà nước vào tăng trưởng kinh tế năm 2024 phải cao hơn năm 2023; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn; tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho nhân dân; đóng góp cho an sinh xã hội nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam trong năm 2024 thực hiện tốt vai trò bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế về điện, xăng dầu, khí đốt. Việc khai thác tài nguyên, khoáng sản cần theo chương trình, kế hoạch dài hạn, chứ không phải chỉ cho mục tiêu trước mắt.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải chủ động, tích cực, hiệu quả trong việc đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn... dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi). Trường hợp dự kiến thời gian kéo dài nhiều năm do là dự án Luật khó, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất sửa đổi ngay một số điều trong Luật 69 theo trình tự thủ tục rút gọn có hiệu lực sớm nhất có thể để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 3/2024 các Nghị định hướng dẫn Luật số 69 (đều đã quá hạn) như: Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 126/2018/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cổ phần hóa, thoái vốn, gia tăng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn lực khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (nhiệm vụ được giao tại công văn số 9453/VPCP-KTTH ngày 1/12/2023).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, trình Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 2/2024.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Chính phủ các văn bản quy định chi tiết thi hành các quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội. Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 3/2024 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; khẩn trương xây dựng giá điện khí, điện gió, điện mặt trời phù hợp cơ chế thị trường, trình Chính phú trong quý II/2024.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội. |